Thay đổi thời tiết và không khí ô nhiễm là nguyên nhân khiến bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ rất dễ gặp, nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hay gặp viêm tiểu phế quản. Gần đây số lượng trẻ em mắc cúm A tăng cao khiến nhiều bệnh viện quá tải. Hãy tham khảo bài viết dưới đây về cách phòng tránh cúm A nhé.
Trẻ em mắc cúm A tăng cao
Từ giữa tháng 11 đến nay, khoa Nhi của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội luôn trong tình trạng chen chúc do lượng trẻ nhập viện tăng cao, nhiều nhất là các ca bệnh liên quan đến đường hô hấp.
BSCKII Phạm Thị Như Hoa, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trước đây, mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận khám cho 50-60 ca thì vào đợt thay đổi thời tiết, đặc biệt đang trong mùa dịch cúm A, ngày cao điểm nhất như ngày 16/12 hôm qua có tới hơn 200 bệnh nhi tới khám, trong đó nhập viện tới 100 ca. Các bác sĩ khoa Nhi đã phải bố trí thêm hai phòng khám, trả kết quả để có thể giải quyết tình trạng quá tải.
Thay đổi thời tiết và không khí ô nhiễm là nguyên nhân khiến bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ rất dễ gặp, nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hay gặp viêm tiểu phế quản.
Số lượng bệnh nhi nhập viện tăng nhanh
Đã gần 1 tuần nay, bé M.K ( 6 tuổi, ở Hà Nội) phải nằm điều trị tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) do mắc cúm A biến chứng sang viêm phế quản.
Theo gia đình bệnh nhi, trước đó bé M.K sốt cao đột ngột tới 40 độ. Sau một ngày cho uống thuốc thì giảm sốt, nhưng vẫn sốt dày cơn và có biểu hiện ho, khó thở, gia đình đã đưa bé vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám và phải nhập viện với chẩn đoán viêm phế quản. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với vi rút cúm A.
Cũng đang điều trị bệnh cúm A, bé A.D (4 tháng tuổi, ở Bắc Ninh) cũng có các biểu hiện sốt cao, ho, khò khè, khó thở. Khi đi khám bệnh nhi được chẩn đoán viêm đường hô hấp dưới phải nằm viện điều trị.
Theo bác sĩ Ðỗ Thiện Hải, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong hơn một tuần vừa qua, tối nào cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám chủ yếu vì cúm, gia tăng 10- 20% số bệnh nhân so với thời gian trước đó.
Còn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trong vài tuần gần đây, thời tiết giao mùa, chuyển lạnh cũng làm gia tăng từ 15 – 20% số trẻ mắc bệnh về hô hấp, trong đó nhiều bệnh nhi mắc cúm mùa bị biến chứng.
Cúm mùa là gì?
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho… bệnh dễ biến chứng sang viêm đường hô hấp, nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết: Hiện nay bệnh cúm lưu hành chủ yếu là 2 chủng vi rút cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Đây là căn bệnh đăc trưng của mùa đông xuân, cho nên số trẻ em mắc bệnh còn có thể tăng trong những ngày tới.
Khuyến cáo cách phòng tránh cúm A
Phân biệt trẻ em mắc cúm A và sốt
BS. Phạm Thị Như Hoa cho biết, nhiều bố mẹ cho con uống hạ sốt ở nhà, nhưng không đỡ nên đã đưa trẻ vào khám. Những biến chứng sau đó có thể là trẻ ho nhiều hơn, bị viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Chính vì vậy, phụ huynh phải lưu ý khi trẻ bị sốt cao. Những trẻ lớn tuổi đi học cần lưu ý vì đang mùa dịch cúm mùa. Nếu có biểu hiện sốt phải lưu ý để cách ly trẻ, tránh để bệnh lây lan.
Trẻ mắc bệnh nên ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn chưa cai sữa.
Xử lý đúng cách khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh
Với trẻ mắc cúm, cha mẹ cần hạ sốt cho trẻ bằng uống thuốc hạ sốt theo chỉ định; vệ sinh đường hô hấp, vệ sinh mũi miệng cho trẻ bằng cách nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối ấm; thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng; vệ sinh nơi ở thoáng mát, sạch sẽ; cho trẻ ăn uống đủ chất, uống nhiều nước…
Đặc biệt, khi trẻ mắc cúm cần có biện pháp phòng tránh bệnh lây lan bằng cách hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, nên đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ để tránh lây nhiễm bệnh.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phương pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất đó là tiêm phòng vắc xin cúm. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền, cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ,… cần tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các chủng cúm đã có vắc xin. Đây là biện pháp phòng bệnh an toàn, đặc hiệu và kinh tế nhất.
Tổng hợp
Xem thêm
- Bí quyết hâm nóng tình yêu sau sinh chị em cần nắm rõ
- Sau sinh bao lâu được ăn chua? Ăn đồ chua gây mất sữa ở phụ nữ sau sinh đúng hay sai?