Cách làm nước dashi cho bé 6 tháng là tìm kiếm của nhiều mẹ khi bắt đầu cho bé ăn dặm. Nấu nước dashi không hề khó, các mẹ có thể tự làm bằng rau củ, cá, rong biển… Bài viết này sẽ giới thiệu công thức chế biến nước dashi chuẩn kiểu Nhật cho mẹ.
Nội dung bài viết:
- Nước dashi là gì?
- Cách làm nước dashi cho bé 6 tháng
- Lưu ý khi chế biến dashi cho bé
- Một số nguyên tắc ăn dặm kiểu Nhật
Nước dashi là gì?
Trong ẩm thực Nhật, nước dashi là tên gọi chung của các loại nước dùng chế biến từ thực phẩm. Một số loại nước dashi có thể kể đến như: nước dashi làm từ rong biển kombu, nước dashi làm từ rau củ, nước dashi làm từ cá khô, xương gà, nấm hương… Đối với các mẹ cho con ăn dặm kiểu Nhật thì nước dashi là thứ không thể thiếu giúp món ăn thêm đậm đà và bổ dưỡng.
Điểm đặc biệt trong cách nấu nước dashi là sẽ không dùng gia vị nêm nếm thêm. Vì thế việc sử dụng nước dùng dashi đối với giai đoạn ăn dặm của bé là lựa chọn an toàn, không những giúp bổ sung khoáng chất thiết yếu còn đem lại sự thơm ngon cho món ăn.
- Cá bào của Nhật dùng để nấu nước dashi
Cách làm nước dashi cho bé 6 tháng ăn dặm
Dưới đây là một số bí quyết nấu nước dashi chuẩn Nhật được nhiều mẹ áp dụng nhất hiện nay
1. Nấu nước dashi với rong biển và cá ngừ bào khô
Rong biển kombu là loại rong biển được sử dụng phổ biến trong ẩm thực Nhật. Kombu có nhiều cách ăn và cách chế biến, trong đó kombu sấy khô là nguyên liệu quan trọng để làm nước dùng dashi. Theo các chuyên gia, rong biển kombu chứa nhiều chất xơ, sắt và canxi rất tốt cho cơ thể.
Nguyên liệu thứ hai cần có để chế biến nước dashi là cá ngừ bào khô. Trong ẩm thực Nhật, cá ngừ sau khi được nấu chín và sấy khô sẽ bào mỏng thành dạng sợi. Thành phẩm sẽ có mùi thơm hấp dẫn và mang lại vị ngon đậm đà cho món ăn.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 20 gram rong biển Kombu
- 40 gram cá ngừ bào khô
- 2 lít nước lọc
Cách chế biến:
- Bước 1: Dùng khăn khô sạch để lau qua miếng rong biển kombu. Tiếp đến, ngâm rong biển kombu vào trong nước khoảng 30 phút.
- Bước 2: Rong biển sau khi đã nở ra hãy cho vào nồi. Đổ thêm 2 lít nước vào đun sôi trong khoảng 5 phút thì vớt rong biển ra. Lưu ý, tránh đun lâu vì sẽ làm nước dashi bị đắng.
- Bước 3: Đun nước đến khi sôi thì cho cá ngừ bào khô vào. Nấu đến khi cá ngừ chìm xuống đáy nồi thì tắt bếp. Mẹ cần lưu ý không nên đảo cá sẽ làm nước dùng bị đục, mất ngon.
- Bước 4: Dùng rây lọc để lọc lấy nước dashi từ hỗn hợp trên. Chú ý nên để nước chảy xuống tự nhiên và không nên vắt khi lọc vì có thể làm cho nước dùng bị đắng. Cũng như tránh nước bị lẫn những mảnh vụn nhỏ rong biển hoặc cá bào.
- Rong biển Kombu
2. Cách làm nước dùng dashi bằng rau củ
Hiện tại nước dashi rau củ được dùng phổ biến trong các món ăn dặm của bé. Cách chế biến cũng rất đơn giản, nguyên liệu nấu nước dashi rau củ chỉ cần dùng các loại rau củ không có vị đắng, chát là có thể nấu ngay. Đối với người Việt, tận dụng nước luộc rau củ (rau cải ngọt, cải thảo, cà rốt, su su…) cũng có thể dùng nấu món ăn cho bé.
Nước dùng dashi từ rau củ có vị ngọt tự nhiên nên sẽ giúp bé dễ ăn hơn và tạo sự ngon miệng cho bữa ăn dặm chuẩn Nhật.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Tự chọn loại rau củ yêu thích: Bắp ngô, bắp non, cà rốt, khoai tây, mía,… sơ chế sạch, cắt thành từng khúc
- Nước lọc
Cách chế biến:
- Tương ứng với 250g rau củ quả sẽ nấu tương ứng với 800ml nước
- Trước tiên hãy nấu các loại rau củ lâu mềm (như mía, bắp ngô, cà rốt…) trong 20 phút
- Tiếp đến, bỏ các loại rau củ mềm còn lại vào nấu tiếp 10 phút.
- Sau khi thấy nước dùng đã sôi và chuyển màu thì tắt bếp. Lấy rau củ đã nấu chín ra nghiền hoặc rây, lưu ý phân ra từng loại khi thực hiện thao tác này.
- Nước dùng nấu xong thì để nguội. Dùng rây lọc một lần nữa để tách cặn và đổ vào khay trữ đông.
- Lưu ý: tất cả rau củ quả nghiền và nước dashi chỉ nên dùng trong 1 tuần.
Lưu ý cách dùng nước dashi cho bé 6 tháng
- Bé ăn dặm với cháo được nấu từ nước dùng dashi (Nguồn ảnh: Pexels)
Thông thường, nước dùng dashi sẽ được cho vào nấu cùng với cháo ăn dặm. Đối với trẻ trên 1 tuổi đã ăn được cơm thì mẹ có thể cho bé dùng nước dashi kèm cơm.
Bên cạnh đó, nên bảo quản tất cả các loại nước dùng vào khay đá, để đông lạnh và dùng dần. Tuy nhiên, bạn nên cho bé sử dụng nước dashi hết càng sớm càng tốt. Bởi càng để lâu nước dashi sẽ mất vị ngon và không còn nhiều dưỡng chất như ban đầu. Vì thế, mẹ nên nấu nước dùng vừa đủ trong một tuần, tránh nấu quá nhiều. Điều này sẽ giúp đảm bảo hương vị chất dinh dưỡng cho món ăn của bé.
Chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý trẻ trong giai đoạn dưới 12 tháng tuổi không nên sử dụng nước dashi quá đậm đặc để đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa của trẻ. Các loại nước dùng cũng không thể thay thế hoàn toàn chất dinh dưỡng từ thực phẩm thật như rau củ quả, thịt cá, rong biển… Nước dùng mang hương vị nhưng thành phần dinh dưỡng không thể so sánh với thực phẩm, đặc biệt là chất xơ từ rau củ. Trong khi chế biến nước dùng thì rất nhiều loại vitamin và khoáng chất cũng bị hao hụt theo. Do đó các mẹ không nên chỉ cho bé ăn cháo nấu với nước dùng và vẫn cần bổ sung thịt cá, rau củ quả trong bữa ăn dặm cho bé.
Một số nguyên tắc ăn dặm kiểu Nhật
ThS. BS Lê Thị Hải – Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã liệt kê một số nguyên tắc khi áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, đó là:
– Ăn nhạt
– Cân bằng dinh dưỡng 3 nhóm thực phẩm: tinh bột – đạm – vitamin.
– Cân bằng giữa thực phẩm với lượng sữa cho bé bú
– Cho bé ăn theo nhu cầu, không ép bé ăn
– Không đi rong, chỉ ăn khi đã ngồi đúng trên ghế ăn
– Tập trung ăn, không xem tivi hay chơi đồ chơi, nghịch điện thoại, ipad…
– Tạo không khí vui vẻ, thoải mái khi cho trẻ ăn
– Lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, an toàn
– Cho trẻ ăn thô sớm hay muộn là tùy thuộc vào sự phát triển cơ địa của bé
Ăn dặm kiểu Nhật là trào lưu nuôi dạy con khá phổ biến và giúp trẻ phát triển rất tốt. Bên trên là cách làm nước dashi ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi mà các mẹ có thể tham khảo. Hy vọng mẹ sẽ chọn được công thức phù hợp và chế biến thành công cho bé yêu ăn dặm nhé!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!