Trẻ sơ sinh cần rất nhiều sự quan tâm, chăm sóc của người lớn, nhưng chăm sóc thế nào cho đúng lại là vấn đề nhiều chị em vẫn chưa thực sự tự tin do có quá nhiều luồng thông tin hay bỡ ngỡ trong lần đầu làm mẹ. Trong bài viết dưới đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi các mẹ nhé.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi
Trẻ sơ sinh lớn nhanh như tốc độ ánh sáng. Mẹ sẽ bắt đầu nhận ra những hành vi hay thói quen mới và nhiều khi thật là khó để đoán biết được bé.
So với khi vừa sinh ra, em bé của bạn đã có sự thay đổi đáng kể về chiều cao và cân nặng. Trung bình các bé gái sẽ nặng khoảng 5kg và dài khoảng 58cm. Bé trai thường sẽ cân nặng hơn và cao hơn 1 chút với trọng lượng trung bình khoảng 5.5kg và chiều dài khoảng 60cm.
Tuy nhiên mẹ cũng nên nhớ rằng con số chỉ mang tính tương đối. Hơn nữa mỗi em bé có biểu đồ phát triển khác nhau nên nếu con bạn có hơi nặng hơn hoặc nhẹ cân hơn mức trung bình thì mẹ cũng không cần lo lắng đâu nhé.
Giác quan của trẻ 2 tháng tuổi phát triển như thế nào?
Thị lực trẻ sơ sinh phát triển nhanh khi được 2 tháng, tuy nhiên trẻ mới chỉ có thể nhìn rõ mọi thứ trong phạm vi 60cm từ mắt bé. Trẻ cũng bắt đầu phân biệt được những màu sắc và hình dạng khác nhau. Đây cũng là thời điểm bé nhận ra khuôn mặt và giọng nói của ba mẹ và thấy giọng bạn rất dễ chịu. Vậy nên hãy tiếp tục trò chuyện, đọc sách và hát cho con nghe nhé.
Mặc dù chưa biết nói nhưng trẻ đã biết tạo ra âm thanh. Ở mốc 2 tháng, em bé bắt đầu thực hành các dây thanh âm trong vòm họng và phát ra những âm thanh như tiếng gru gru, ê a … và cả tiếng khóc nữa.
Kỹ năng vận động của em bé 2 tháng tuổi
Khả năng vận động của bé 2 tháng tuổi đã có những bước tiến mới. Trong giai đoạn này ba mẹ có thể thấy con có những biểu hiện sau:
- Cười và có biểu cảm trên mặt
- Chân bé đá và đạp mạnh hơn khi nằm ngửa
- Nắm chặt đồ vật trong những ngón tay nhỏ xíu
- Mở, nắm bàn tay
- Dùng cánh tay để nâng đỡ vai khi được cho nằm sấp
- Tay di chuyển mạnh mẽ hơn
Giống như sự phát triển chiều cao và cân nặng, việc đo lường kỹ năng vận động của bé cũng chỉ mang tính tương đối. Nếu em bé của bạn chưa có những biểu hiện như trên thì mẹ cũng không có gì phải lo lắng cả. Nên nhớ mỗi em bé là 1 cá thể khác nhau và không bé nào giống bé nào. Có trẻ đã bắt đầu mở nắm bàn tay từ khi 4 tuần tuổi nhưng mãi đến khi được 3.5 tháng mới bắt đầu nâng vai khỏi giường khi nằm sấp chẳng hạn.
Lịch cho ăn của bé 2 tháng tuổi
Một trong những câu hỏi người mới làm cha mẹ thường đặt ra nhất là: Tôi cho em bé 2 tháng tuổi ăn đồ ăn thô được không? Câu trả lời là không. Khi tìm hiểu cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi, ba mẹ nên nhớ rằng hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng còn rất non nớt và chưa sẵn sàng ăn đồ ăn khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Nếu được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, trẻ cần được cho ăn sau mỗi 2 – 3 giờ, kể cả ban đêm. Trung bình chị em sẽ cần cho bé ăn 1 hoặc 2 lần trong đêm. Hãy để bé được bú đến khi no và thỏa mãn.
Trong trường hợp cho bé uống sữa công thức, mỗi ngày mẹ chỉ cần cho bé ăn 6 – 7 lần, mỗi lần khoảng 90 – 120ml sữa và không quá 150ml cho 1 lần uống. Bé có thể uống nhiều hoặc ít hơn trong mỗi lần và điều đó là hoàn toàn bình thường ở trẻ, cũng giống như người lớn lúc ăn nhiều khi lại ăn ít vậy.
Giấc ngủ của trẻ
Khi chạm mốc 2 tháng, em bé sẽ ngủ trung bình 15 – 16 giờ mỗi ngày. Hầu hết trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi chưa có khả năng ngủ xuyên đêm. Nếu bạn may mắn thì em bé có thể ngủ trong vòng 6 – 7 giờ liên tục vào ban đêm còn bình thường trẻ ngủ được khoảng 4 – 5 giờ liên tục khi được 2 tháng.
Để giúp bé ngủ giấc đêm được dài hơn, mẹ nên kiểm soát giấc ngủ ban ngày của bé sao cho không quá 3 tiếng mỗi lần. Khi bé đã ngủ được 3 tiếng, mẹ hãy đánh thức con dậy và cho con ăn để dần hình thành nếp sinh hoạt và thói quen ngủ cho trẻ.
Thời điểm này ba mẹ cũng đã có thể dạy bé tự ngủ. Khi con có dấu hiệu quấy khóc và buồn ngủ, hãy đặt bé nằm ngửa trong cũi và để bé 1 mình đến khi ngủ. Mới đầu bé có thể khóc và mất 1 lúc để ngủ nhưng sau đó trẻ sẽ tự xoay sở để tự ngủ mà không cần đến sự giúp đỡ của người lớn. Nếu bé khóc quá to hoặc quá lâu mẹ có thể nhẹ nhàng bế bé lên, xoa dịu và đặt con trở lại, đồng thời giãn dần thời gian từ khi khóc đến khi bế hoặc vỗ về để trẻ dần làm quen với việc tự ngủ 1 mình.
Khi trẻ mới được 2 tháng tuổi, lưu ý tối quan trọng ba mẹ cần nhớ là luôn luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ chứ không được nằm sấp để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Tiêm chủng cho bé
Khi được 2 tháng, bé đã trải qua 1 vài lần tiêm chủng. Con bạn đã được tiêm vacxin viêm gan B 2 lần vào lúc mới sinh và lần thứ 2 khi được 4 tuần tuổi.
2 tháng là mốc thời gian bé bắt đầu đợt tiêm chủng lớn đầu tiên của mình. Thông thường trẻ sẽ được chỉ định các liều vacxin sau:
- Vacxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1
- Uống vacxin ngừa rota virus
- Vacxin phế cầu
Tiêm phòng giúp trẻ tăng sức đề kháng chống lại các bệnh truyền nhiễm hoặc một số bệnh nguy hiểm. Chi phí dành cho chích ngừa thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị và chăm sóc y tế nếu trẻ bị mắc bệnh. Vì vậy để đảm bảo con cái khỏe mạnh, ba mẹ cần đưa con nhỏ đi tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch hẹn.
Cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi
Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi đã có khả năng vận động nhiều hơn lúc mới sinh. Đây là lúc bạn cần đảm bảo môi trường xung quanh không gây hại cho sự an toàn của bé. Cha mẹ không bao giờ được để con một mình trong mọi trường hợp, đặc biệt là khi đặt con ở nơi cao hoặc gần nguồn nước.
2 tháng từ khi sinh ra là thời điểm con bắt đầu xuất hiện các tình trạng da như bị chàm hay nổi mẩn. Việc ba mẹ cần làm là quan sát con cẩn thận và xác định chính xác nguyên nhân tình trạng da của bé để có can thiệp kịp thời. Khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ, mẹ nên chọn sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh dịu nhẹ và đừng quên da tiếp da với con thường xuyên để thúc đẩy sự phát triển giác quan của bé cũng như để bé cảm nhận được tình yêu thương của người lớn dành cho mình.
Khi nào ba mẹ nên lo lắng?
Nếu em bé 2 tháng tuổi của bạn gặp phải một trong số những dấu hiệu sau thì các mẹ phải ngay lập tức đưa con đến cơ sở y tế:
- Thân nhiệt trên 37.5 độ
- Khó thở và/hoặc khò khè nặng
- Ho kéo dài nhiều ngày
- Phát ban đột ngột hoặc phát ban toàn bộ cơ thể
- Nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 12 tiếng
Trẻ sơ sinh lớn rất nhanh, đừng bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào của con bằng cách chụp ảnh, quay phim và tận hưởng những phút giây bên con bất cứ khi nào có thể. Hy vọng rằng bài viết sẽ cung cấp thêm cho chị em những thông tin bổ ích về cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi. Chúc các chị em nuôi con khỏe mạnh.
Theo mustelausa
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!