Bụng có nhịp đập là bệnh gì? Có nguy hiểm hay không?

Phình động mạch có thể phát triển bất ở cứ nơi nào dọc theo động mạch chủ. Bạn có thể nhận thấy một số dấu hiện như: Cảm giác bụng có nhịp đập, đau ở vùng bụng hoặc ngực, đau lưng...

Bụng có nhịp đập có thể là dấu hiệu của chứng phình động mạch chủ. Nguyên nhân của chứng bệnh này là do thành động mạch thoái hóa yếu đi theo thời gian gây ra hiện tượng phình.

  • Hiện tượng bụng có mạch đập giống nhịp tim
  • Mạch đập ở bụng có thai không?
  • Phòng ngừa phình động mạch chủ ở bụng như thế nào?

Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến và Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Hòa – Khoa khám bệnh và Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long chia sẻ “Phình động mạch chủ là căn bệnh mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) tỷ lệ nam giới mắc chứng bệnh này thường cao hơn nữ giới và dao động từ độ tuổi từ 55 hoặc 60 tuổi trở lên. Bạn nên hạn chế sử dụng những tác nhân dẫn đến căn bệnh này để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải như: hút thuốc lá, uống rượu bia…”

Hiện tượng bụng có nhịp đập

Tiếng mạch đập ở bụng đa phần được tạo ra bởi động mạch chủ bụng của bạn. Nếu bạn thấy có tiếng mạch đập thình thịch rõ ràng ở vùng bụng, nghe như tiếng tim đập, có thể là dấu hiệu của chứng phình động mạch chủ.

Bạn có thể chưa biết:

Động mạch chủ là gì?

Động mạch chủ là động mạch chính và lớn nhất ở cơ thể người. Mạch này ắt nguồn từ tâm thất trái của tim chạy một vòng chữ U vòng lên ngực trên. Điểm kết thúc nằm ở quanh vùng rốn, nơi nó chia ra làm 2 động mạch nhỏ hơn.

Khi động mạch chủ đi đến vùng bụng bạn, nó được gọi là động mạch chủ bụng. Động mạch chủ bụng cung cấp máu cho phần dưới cơ thể. Trong bụng, ngay phía dưới rốn, động mạch chủ chia thành hai nhánh, mang máu đến cho từng chân.

Phình động mạch chủ là bệnh lý nguy hiểm (Ảnh: istockphoto)

Khi một vùng động mạch chủ bụng giãn nở ra hoặc phình ra, được gọi là phình động mạch chủ bụng (AAA), có khi ấn vào bụng thấy cứng và có nhịp đập. Áp lực của máu chảy qua động mạch chủ bụng có thể khiến cho phần bị yếu của động mạch chủ phình ra, giống như một quả bóng. Một túi phình bị vỡ có thể gây chảy máu trong nghiêm trọng, có thể dẫn đến sốc hoặc thậm chí tử vong.

Triệu chứng phình động mạch chủ khiến bụng đập thình thịch

Phình động mạch chủ thường phát triển chậm và thường không có triệu chứng, vì thế khó được phát hiện. Một số túi phình động mạch sẽ không bao giờ vỡ. Thời gian và mức độ phình động mạch động mạch chủ giãn rộng có thể khó dự đoán tùy thuộc vào cơ địa của từng người.

Phình động mạch có thể phát triển bất ở cứ nơi nào dọc theo động mạch chủ. Tuy nhiên, hầu hết tình trạng này xảy ra ở vùng bụng và được gọi là phình động mạch chủ bụng.

Khi phình động mạch chủ phát triển, bạn có thể nhận thấy một số dấu hiện sau đây:

  • Cảm giác bụng có nhịp đập, cụ thể là mạch đập thình thịch ở gần rốn, nếu chứng phình động mạch xảy ra ở bụng.
  • Đau ở vùng bụng hoặc ngực.
  • Đau lưng.

Nếu bạn quá gầy và có lớp mỡ bụng, cơ bụng rất mỏng, bạn có khả năng sờ được mạch đập của động mạch chủ bụng và nghe tiếng mạch đập ở bụng. Đó không phải là dấu hiệu nguy hiểm.

Nếu bạn còn phân vân, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Siêu âm bụng là phương pháp chẩn đoán đơn giản và an toàn, không xâm lấn để khảo sát kích thước động mạch chủ bụng của bạn, xem nó có bị phình hoặc giãn hay không.

Chẩn đoán phình động mạch chủ bụng bằng phương pháp nào?

  • Siêu âm tim để đánh giá kích thước phình ở đoạn gần động mạch chủ, tình trạng hở van động mạch chủ
  • Siêu âm bụng, nhất là siêu âm doppler mạch máu: Đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa mạch máu thực hiện. Đây là phương pháp tốt để chẩn đoán, tầm soát phình động mạch chủ bụng
  • Chụp X-quang ngực có thể cho thấy khối bất thường trên phim chụp
  • Chụp cắt lớp: Đây là phương pháp có độ chính xác cao nhất. Dựa vào phương pháp này có thể xác định vị trí/kích thước khối phình và mối liên quan với các cấu trúc khác…

Bệnh có thể được chẩn đoán nhờ siêu âm, chụp cắt lớp… (Ảnh: Vinmec)

Nguyên nhân gây phình động mạch chủ ở bụng

Hầu hết chứng phình động mạch chủ xảy ra là do thoái hóa. Theo thời gian, thành động mạch của bạn bị yếu đi, gây ra hiện tượng phình.

Một số rối loạn mô liên kết sẽ gây phình động mạch chủ ở bụng. Cụ thể là hội chứng Marfan, hội chứng Loeys-Dietz, hội chứng Ehlers- Danlos,…

Phình động mạch chủ cũng có yếu tố gia đình. Có đến 1/5 số bệnh nhân phình động mạch chủ có người thân trong gia đình mắc bệnh.

Ngoài ra, hút thuốc, nhiễm trùng không được điều trị, chấn thương ngực, bệnh thận đa nang, cao mỡ máu… cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Mạch đập ở bụng có thai không?

Khi mang thai, có một hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ khác mà mẹ bầu lại ít khi quan tâm. Đó chính là xuất hiện mạch đập ở bụng. Nguyên nhân chị em không để ý là vì cho rằng đây là nhịp đập tim của thai nhi.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác của nó là do thai nhi nằm chèn lên động mạch chủ vùng bụng của mẹ. Vì thế, động mạch chủ trở nên đập nhanh hơn. Nhưng thật ra hệ quả không đơn giản chỉ dừng lại ở đó. Động mạch chủ bụng nếu bị cản trở sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Khi thai nhi ngày càng phát triển, sức ép lên động mạch chủ bụng càng lớn. Phần bị yếu của động mạch chủ từ đó phình to và đây chính là nguy cơ. Nó có thể bị vỡ và gây chảy máu trong nghiêm trọng, dẫn đến sốc thậm chí tử vong.

Phòng ngừa phình động mạch chủ ở bụng như thế nào?

Hai phương pháp điều trị phình động mạch chủ ở bụng là ngăn ngừa vỡ động mạch và giám sát theo thời gian. Nếu phình mạch lớn quá nhanh sẽ được xem xét phẫu thuật (phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật can thiệp nội mạch).

Bạn có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản để giảm nguy cơ nguy mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tuổi tác và di truyền, không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ khác có thể được điều chỉnh hoặc kiểm soát, giúp làm giảm đáng kể khả năng bạn bị phình động mạch chủ.

Bạn có thể chưa biết:

Vì sao chồng hút thuốc lá vợ khó mang thai?

Không hút thuốc

Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ chính đối với tất cả các bệnh về mạch máu, bao gồm cả phình động mạch chủ.

Không hút thuốc là cách phòng ngừa phình động mạch chủ (Ảnh: istockphoto)

Kiểm soát huyết áp

Huyết áp cao là tác nhân quan trọng gây ra các bệnh mạch máu. Bạn cần duy trì huyết áp bình thường bằng cách:

  • Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, giảm đường, chất béo, muối. Tăng cường bổ sung rau xanh, vitamin và hạn chế mỡ động vật.
  • Kiểm soát căng thẳng.
  • Có chế độ tập luyện phù hợp.

Kiểm soát mức cholesterol của bạn

Cholesterol cao dẫn đến xơ vữa động mạch. Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây phình động mạch chủ.

Khám sức khoẻ thường xuyên

Khám sức khoẻ định kỳ rất quan trọng vì các triệu chứng phình động mạch ở bụng thường không rõ ràng. Bác sĩ có thể phát hiện ra bạn có thể có nguy cơ bị phình động mạch chủ hay không và tiến hành xét nghiệm sàng lọc.

Ngoài ra, khi bạn duy trì việc khám bệnh thường xuyên, các vấn đề khác, có thể được phát hiện và điều trị sớm.

Nghe tiếng mạch đập thình thịch ở bụng có thể khiến bạn lo lắng không yên. Tuy nhiên, để biết chính xác đó có phải dấu hiệu nguy hiểm hay không. Bạn cần đến bệnh viện kiểm tra, khảo sát kích thước động mạch chủ bụng xem có bị phình hay giãn không.

Bên cạnh đó, bạn có thể chủ động phòng ngừa chứng phình động mạch chủ ở bụng bằng việc áp dụng chế độ ăn lành mạnh cùng với chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý. Khi bạn đã có một lối sống lành mạnh, ít chịu căng thẳng, khả năng mắc bệnh của bạn cũng giảm đi.

Nguồn tham khảo: Dấu hiệu cảnh báo phình động mạch chủ bụng – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Nhi Le