Ba mẹ cần chú ý những biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ em như trẻ buồn chán, cáu kỉnh, kém tập trung, chán ăn, ngủ nhiều hoặc ngủ ít hơn bình thường,… để có phương pháp điều trị kịp thời cho trẻ, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một thuật ngữ thường được sử dụng để miêu tả tâm trạng chán nản, buồn phiền do thất vọng hoặc mất mát. Bệnh trầm cảm xảy ra với mọi lứa tuổi nhưng độ tuổi từ 18 – 45 là dễ bị trầm cảm nhất.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu thực hiện trên 202 trẻ em tại Việt Nam, có khoảng 22,8% trẻ em bị trầm cảm và có đến 23,7% trẻ muốn tự tử. Đây là con số đáng báo động khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng.
Nhiều cha mẹ bận rộng với công việc và cuộc sống mà quên rằng, những thiên thần nhỏ đang cần bạn hơn bao giờ hết. Để kịp thời phát hiện và giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn, ba mẹ cần biết những biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ em và nguyên nhân vì sao trẻ lại bị trầm cảm.
Nguyên nhân trầm cảm ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị trầm cảm. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
Di truyền
ADN là một trong những tác nhân dẫn đến bệnh trầm cảm. Có tới 40% trẻ bị trầm cảm là do di truyền, bố mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử trầm cảm thì trẻ cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn gấp 3 lần so với những trẻ khác. Đối với trẻ sinh đôi thì có đến 46% cặp song sinh cùng trứng đều mắc bệnh trầm cảm.
Gia đình không hạnh phúc
Không gì tiêu cực hơn khi một đứa trẻ thiếu vắng tình cảm của cha mẹ. Một đứa trẻ sống trong gia đình thường xuyên xung đột, bố mẹ to tiếng cãi vả, ly dị hoặc gia đình phá sản thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm rất cao.
Những xung đột trong gia đình khiến trẻ luôn sợ hãi, bất an, suy nghĩ tiêu cực về mọi vấn đề và luôn cảm thấy lỗi là do bản thân mình gây ra. Chúng ngày càng thu mình và không thể san sẻ cùng ai nên dẫn đến trầm cảm.
Áp lực học hành
Trẻ con thì chỉ có mỗi việc học và ăn, ngủ, vui chơi. Tuy nhiên, việc học hành với trẻ em ngày nay có thể nói là một áp lực rất lớn mà không nhiều ba mẹ hiểu được.
Có rất nhiều trẻ đã bị trầm cảm vì gặp áp lực trong chuyện học hành, vì ba mẹ gây sức ép, đặt mục tiêu quá cao, bắt buộc kết quả học tập phải vượt trội hơn bạn bè, thời gian học tập quá nhiều,…
Khi trẻ không đạt kết quả như mong muốn, nhiều ba mẹ đã tỏ thái độ thất vọng khiến trẻ không còn tin tưởng vào bản thân và cảm thấy mình vô dụng. Điều này khiến tình trạng trầm cảm ở trẻ ngày càng nghiêm trọng.
Những chấn thương về tâm lý khác
Một số những biến cố dưới đây có thể khiến trẻ bị trầm cảm nếu không được ba mẹ quan tâm và chia sẻ như:
- Mất đi người thân yêu nhất
- Bị lạm dụng tình dục
- Nạn nhân của bạo lực học đường, bị bạn bè trêu chọc về ngoại hình, hoàn cảnh gia đình,…
- Thay đổi môi trường sống, môi trường học tập mới nên trẻ chưa thích nghi được
- Trẻ sống trong môi trường nhiều tiêu cực, ở gần người bị bệnh trầm cảm cũng sẽ bị ảnh hưởng
- Bố mẹ ít quan tâm, ít nói chuyện khiến trẻ có cảm giác lẻ loi, bị bỏ rơi, mất niềm tin vào cuộc sống
Trầm cảm ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?
Khi tâm lý trẻ có những bất thường, nếu ba mẹ không phát hiện và điều trị sớm, con sẽ ngày càng khép mình, nhút nhát và ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp sau này.
Các trẻ trên 12 tuổi khi bị trầm cảm sẽ rất dễ bị sa vào tệ nạn xã hội. Trẻ có thể trốn học, trộm cắp, lập băng đảng, tập tành uống rượu, bia, hút thuốc lá hoặc thuốc phiện để quên đi nỗi buồn.
Một số trẻ trầm cảm thậm chí còn nghĩ đến cái chết, nhất là khi trẻ đang buồn bã hoặc giận dữ, khả năng tự tử sẽ càng cao. Nếu như các bé gái thường chỉ có xu hướng suy nghĩ đến việc tự tử thì các bé trai lại thường có xu hướng thực hiện hành động ngay khi có ý nghĩ tự tử trong đầu.
Vì vậy, phát hiện sớm những biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ em và cho bé đi điều trị là việc làm vô cùng cần thiết.
Biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ em
Mệt mỏi toàn thân
Trẻ bị trầm cảm thường bị đau đầu, đau bụng, đau ngực, khó thở, ù tai,… mà không rõ nguyên nhân. Nhiều ba mẹ đưa con đi khám và điều trị bằng các loại thuốc chuyên khoa đặc hiệu nhưng vẫn không thấy kết quả vì nguyên nhân nằm ở tâm lý đang bị tổn thương của con.
Khí sắc trầm
Một trong những biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ em dễ thấy nhất đó là trẻ trông không được tươi tắn, năng lượng như những trẻ em bình thường. Trẻ hay buồn chán, cáu kỉnh, giận dữ không rõ nguyên nhân, lúc nào cũng trong trạng thái ủ rũ, chán nản.
Kết quả học tập giảm sút
Trẻ trầm cảm thường khó tập trung, khó tiếp thu trong học tập, kết quả học tập có thể giảm sút từ từ hoặc giảm rất đột ngột.
Trẻ thu mình, không chơi với ai
Đa phần trẻ bị trầm cảm thường không muốn giao tiếp hay chơi với ai. Bé không tham gia các hoạt động của trường lớp, không có bạn thân và thờ ơ, kém nhiệt tình với những người xung quanh, kể cả với người thân trong gia đình. Bé cũng không còn quan tâm tới các hoạt động mà trước đây con đã từng rất vui thích.
Rối loạn ăn uống
Một số trẻ trầm cảm thường có cảm giác chán ăn, mất cảm giác ngon miệng, không có hứng thú trong ăn uống nên bị sụt cân, tiều tụy nhanh chóng. Cũng một số trẻ tìm đến các món ăn như phương tiện giảm stress. Trẻ ăn nhiều và ăn vô độ dẫn đến tăng cân mất kiểm soát.
Rối loạn giấc ngủ
Cũng như vấn đề ăn uống, giấc ngủ của trẻ cũng bị ảnh hưởng không ít. Một số trẻ trở nên khó ngủ, mất ngủ, thường hay mơ thấy ác mộng, chất lượng giấc ngủ bị giảm sút, hay thức giấc nửa đêm,… Tuy nhiên cũng có trẻ ngủ nhiều hơn bình thường, vùi mình vào giấc ngủ để quên đi những điều tiêu cực.
Rối loạn hành vi
Trẻ rối loạn hành vi thường có xu hướng chống đối người lớn, chống đối ba mẹ, thường xuyên bật khóc, la hét, cáu giận không rõ nguyên nhân. Với trẻ trên 12 tuổi có thể trốn học, quậy phá, trộm cắp, tập tành sử dụng chất kích thích và chơi với nhóm bạn xấu để gây sự chú ý. Ngược lại cũng có trẻ ngày càng ít bộc lộ cảm xúc, cứ co ro trong vỏ bọc của mình và không muốn ai bước vào.
Vừa rồi là những nguyên nhân và biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ em. Đây là căn bệnh nguy hiểm, ba mẹ không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý để điều trị càng sớm càng tốt.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!