Biến chứng sau sinh là điều sản phụ phải đối mặt với không ít những vấn đề về sức khỏe. Nếu không cẩn trọng, sẽ có nguy cơ mắc phải các tình trạng như: nhiễm trùng vết khâu mổ, băng huyết, trầm cảm sau sinh,… Những biến chứng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người mẹ, thậm chí có thể gây tử vong nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Hãy theo dõi bài viết để biết:
- Biến chứng sau sinh – Nhiễm trùng vết khâu
- Táo bón
- Thiếu máu là biến chứng sau sinh nguy hiểm
- Trầm cảm – Biến chứng sau sinh nhiều mẹ mắc phải
- Băng huyết
- Ớn lạnh sau sinh
Khi trải qua quá trình mang thai và sinh con thì cơ thể của mẹ sẽ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng xấu về sức khỏe. Có nhiều trường hợp sau khi sinh xong vẫn có nguy cơ rất cao gặp các biến chứng nguy hiểm. Trong số các biến chứng, trầm cảm sau sinh là một vấn đề được rất nhiều mẹ quan tâm vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt thường ngày của mẹ.
Theo các thống kê cứ 10 mẹ sau sinh thì sẽ có 1 mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh. Ngoài trầm cảm, mẹ còn có thể gặp phải tình trạng mất hứng thú với hoạt động, sút cân, mệt mỏi và có khuynh hướng tiêu cực hơn.
Biến chứng sau sinh – Nhiễm trùng vết khâu
Dù là sinh thường hay sinh mổ thì trên cơ thể của mỗi phụ nữ cũng sẽ xuất hiện một vài vết khâu sau khi sinh. Nếu như sinh mổ các mẹ phải đối mặt với vết khâu ở phần bụng dưới, thì sinh thường không ít người phải chịu đựng những vết khâu ở tầng sinh môn.
Nhiễm trùng vết thương sau khi sinh thường xảy ra vào một vài tuần sau khi sinh với các dấu hiệu như sốt trên 38oC, vết thương hoặc khu vực xung quanh trở nên đỏ, đau và sưng lên, vết thương trở nên nhạy cảm, có thể thấy mủ hoặc có mùi tại vị trí vết khâu.
Trường hợp nặng, bệnh có thể diễn tiến thành nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng, dễ gây tử vong. Biểu hiện là sản phụ lơ mơ, bứt rứt, vã mồ hôi, da tím hoặc nổi bông tím, không có hoặc rất ít nước tiểu, vàng mắt và da, chảy máu không cầm được, mạch đập nhanh, hạ huyết áp,…
Nhiễm trùng có thể xảy ra chủ yếu do vết khâu không được chăm sóc, giữ vệ sinh đúng cách, hoặc do cơ địa của mỗi người,… Sau sinh các mẹ nên nhớ vệ sinh và giữ khô sạch vùng kín, vết khâu tầng sinh môn, đường mổ thành bụng để tránh nhiễm trùng. Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu trên, sản phụ nên đến bệnh viện hoặc phòng khám gần nhất để được kiểm tra và chữa trị kịp thời, tránh các hậu quả lớn có thể xảy ra.
Táo bón
Táo bón khi cơ thể bình thường đã mang đến cho chị em vô vàn khó chịu, vậy mà vừa mới sinh xong lại bị táo bón thì hẳn là còn khó chịu hơn rất nhiều lần.
Theo lý giải của giới chuyên môn thì nguyên nhân của táo bón sau sinh là do cơ thể thai phụ khi mang bầu đã tập trung máu để nuôi dưỡng em bé. Sau khi sinh, máu bị mất đi nhiều, đồng thời cơ thể lại phải cố gắng để sản xuất sữa cho con bú nên cơ thể mẹ thường bị thiếu nước dẫn đến lượng máu nuôi đại tràng không đủ.
Hơn nữa, sau sinh chị em lại ít vận động khiến nhu động ruột yếu đi, đồng thời chế độ ăn uống không giàu chất xơ do tâm lý kiêng cữ, tất cả những yếu tố đó thường dẫn đến hiện tượng táo bón sau sinh.
Các chị em nên làm gì để ngăn ngừa táo bón?
Để phòng tránh táo bón sau sinh, chị em nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, uống nhiều nước và bổ sung nhiều chất xơ, ngoài ra cần giữ tinh thần thoải mái, vận động nhẹ nhàng và có thói quen đi vệ sinh đúng giờ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu hiện tượng táo bón không thuyên giảm sau khi đã áp dụng các biện pháp trên. Không nên tự ý điều trị táo bón bằng các loại thuốc như thuốc thụt hậu môn vì có thể gây ra các tổn thương không đáng có.
Bài viết liên quan:
Thiếu máu là biến chứng sau sinh nguy hiểm
Như đã nói ở trên, sau khi sinh, cơ thể chị em mất đi một lượng máu lớn, hơn nữa khả năng tạo máu của tuỷ xương giảm, khiến cho việc tái tạo máu không đủ, dẫn đến hiện tượng thiếu máu sau sinh ở nhiều chị em. Thiếu vitamin B12 và acid folic cũng gây nên tình trạng thiếu máu nghiêm trọng.
Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và khó chịu, da xanh, khi đứng lên ngồi xuống hay bị chóng mặt, huyết áp thấp, bị ù tai, say tàu xe, đầu nặng và đau. Thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến tâm trạng người mẹ, khiến việc chăm sóc con không hiệu quả. Thiếu sắt thậm chí còn thúc đẩy chứng trầm cảm ở người mẹ sau sinh.
Sở dĩ có triệu chứng này là do sắc tố máu giảm, khả năng vận chuyển ôxy của máu bị giảm, dẫn đến các cơ quan trong cơ thể bị thiếu ôxy nên mỏi mệt, chóng mặt, chán ăn…
Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu máu:
Để phòng tránh và ngăn ngừa hiện tượng này, chị em nên bổ sung thuốc và những thực phẩm có tác dụng bổ máu để tăng cường hấp thụ chất sắt cho cơ thể, hàng ngày thai phụ cần ăn đủ các loại thực phẩm giàu chất sắt, các loại rau xanh, hoa quả chứa vitamin C và uống viên sắt. Ngoài ra, chị em cần chú ý nghỉ ngơi, ăn uống điều độ. Nếu xuất hiện những biểu hiện thiếu máu như ở trên cần đi khám và cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt hiện tại.
Trầm cảm – Biến chứng sau sinh nhiều mẹ mắc phải
Gần đây, hiện tượng trầm cảm sau sinh được nhắc đến nhiều bởi trong chỉ vài năm, ở Việt Nam đã diễn ra nhiều vụ việc đau lòng mà nguyên nhân đến từ căn bệnh này. Trầm cảm sau sinh là một dạng của bệnh trầm cảm ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ sau khi sinh con. Đặc biệt đối với những người có tiền sử bị trầm cảm trước đó, bị rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu hoặc gặp biến cố tâm lí trước khi sinh hay những người lạm dụng rượu, ma túy thì nguy cơ bị trầm cảm sau sinh sẽ cao hơn nhiều lần.
Các yếu tố thường gặp thúc đẩy căn bệnh này là trẻ nhỏ quấy khóc nhiều, trẻ có bệnh, người mẹ gặp các khó khăn về kinh tế, không có bạn bè người thân bên cạnh hoặc mang thai ngoài ý muốn. Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chị em, đặc biệt là sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của đứa trẻ.
Làm thế nào để ngăn ngừa trầm cảm sau sinh?
Các dấu hiệu tiêu biểu của trầm cảm sau sinh thường là lo lắng bất an quá mức, cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ, thu mình và hạn chế các giao tiếp xã hội, mệt mỏi, chán ăn, giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, kém tập trung và dễ khóc dù chỉ vì những lý do nhỏ nhặt. Cần đặc biệt lưu ý nếu sản phụ có hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ hoặc nghiêm trọng hơn là có 1 ý tưởng “sát nhi” hoặc ý tưởng tự sát cả mẹ lẫn con, đây là 1 cấp cứu về tâm thần, cần can thiệp y khoa khẩn cấp.
Bài viết liên quan:
Băng huyết
Hiện tượng băng huyết sau sinh là một tai biến sản khoa khá phổ biến. Là hiện tượng người phụ nữ chảy máu dữ dội trong vòng 24 giờ sau sinh. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến sản phụ tử vong. Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là cơ của tử cung người mẹ không thể co hồi lại sau khi sinh con, tử cung dị dạng, u xơ, thai to hoặc mang đa thai, chuyển dạ kéo dài và nhiễm trùng nước ối.
Dấu hiệu điển hình là sản phụ bị chảy máu liên tục trong vòng 24 giờ sau sinh kèm theo các triệu trứng như tụt huyết áp, chóng mặt, da mặt xanh tái, niêm mạc nhợt nhạt, khát nước, tim đập nhanh, vã mồ hôi.
Ngoài ra có thể do bất thường của bánh rau, người mẹ bị suy nhược, bất thường đông máu hoặc bị tổn thương đường sinh dục. Mỗi nguyên nhân sẽ có cách điều trị riêng, do đó, việc xác định đúng nguyên nhân là yếu tố tiên quyết quyết định thành công của ca điều trị.
Cách xử lý khi bị băng huyết sau sinh:
Các trường hợp bị băng huyết sau sinh cần được thực hiện các biện pháp cầm máu và hồi sức tích cực, đồng thời xác định rõ nguyên nhân và tiến hành điều trị song song.
Để chủ động phòng ngừa hiện tượng băng huyết sau sinh, sản phụ nên thực hiện tốt các biện pháp kế hoạch hóa, không đẻ dày hoặc đẻ nhiều, không phá thai, khi có thai cần bổ sung đầy đủ sắt và acid folic để phòng ngừa thiếu máu đồng thời đi khám định kỳ đầy đủ để phát hiện nguy cơ nếu có.
Ớn lạnh sau sinh
Một biến chúng hãi hùng của mẹ sau sinh nữa là chứng ớn lạnh toàn thân hay còn gọi là phong hàn. Cơ thể sản phụ thường rất yếu sau sinh, dễ bị các vi khuẩn, vi rút tấn công, đặc biệt đối với những người có bộ máy hô hấp kém cộng với các yếu tố như bị mất sức khi sinh, thay đổi thói quen sinh hoạt thường dẫn đến bị nhiễm lạnh. Với các triệu chứng điển hình như đau đầu và các khớp xương, ngứa họng, nước mũi chảy loãng, có thể bị sốt hoặc không.
Cách xử lý chứng ớn lạnh sau sinh:
Chị em cần chủ động giữ ấm cơ thể, vận động thường xuyên, ăn uống đủ chất và tuyệt đối không được tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Ngoài ra, chị em nên thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh hay đến nơi công cộng, tạo thói quen che mũi khi hắt hơi.
Khi cơ thể bị ớn lạnh, cần nghỉ ngơi ngay lập tức, theo dõi và đi khám kịp thời. Chứng nhiễm lạnh sau sinh hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh được thông qua cách thức sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.
Hy vọng thông tin trên đây sẽ giúp các mẹ có cái nhìn rõ hơn về những nguy cơ đối với sức khỏe của chính mình. Hãy trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân, vì chỉ khi mẹ khỏe mạnh thì con yêu mới được hưởng sự chăm sóc tốt nhất từ mẹ.
Theo: The Asianparent
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!