Bị tắt kinh trong độ tuổi sinh sản là dấu hiệu bất thường, cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe như: Suy dinh dưỡng, mất cân bằng nội tiết, u buồng trứng đa nang. Hiện tượng này nguy hiểm như thế nào?
Tắt kinh là gì?
Tắt kinh là tình trạng không xuất hiện kinh nguyệt ở độ tuổi dậy thì, độ tuổi sinh sản hoặc đang có kinh bình thường nhưng đột nhiệt không xuất hiện trong khoảng 3 tháng. Hiện tượng này còn được biết đến với nhiều cách gọi khác như: Vô kinh, mất kinh, bế kinh…
Nguyên nhân gây tắt kinh
Tắt kinh có thể bắt nguồn từ những thay đổi bất thường ở các tuyến, vùng hạ đồi, nồng độ hormone, buồng trứng, tâm lý, thể trạng,…
Nguyên nhân gây mất kinh nguyên phát
- Buồng trứng bị tổn thương
- Bất thường ở cơ quan sinh dục (màng trinh không thủng, không có buồng trứng hoặc tử cung,…)
- Khu dưới đồi hoặc tuyến yên có vấn đề
Ngoài ra, một số trường hợp bị tắt kinh nguyên phát không thể tìm được nguyên nhân.
Nguyên nhân gây tắt kinh thứ phát
- Suy dinh dưỡng và nhẹ cân có thể gây gián đoạn chức năng nội tiết của cơ thể. Với những trường hợp suy dinh dưỡng nghiêm trọng, quá trình rụng trứng của cơ thể có thể bị ngừng hẳn và gây ra hiện tượng mất kinh.
- Trầm cảm và căng thẳng thần kinh kéo dài có thể thay đổi chức năng của vùng dưới đồi. Từ đó khiến hormone ở nữ giới bị thay đổi và dẫn đến hiện tượng mất kinh thứ phát.
- Luyện tập quá mức. Nguyên nhân này thường gặp ở các vận động viên do quá trình luyện tập nghiêm ngặt và chế độ ăn ít chất béo.
- Do tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc chống dị ứng, thuốc tránh thai, thuốc điều trị ung thư và huyết áp cao.
- Giảm cân quá mức khiến cơ thể suy dinh dưỡng và giảm chức năng của cơ quan sinh sản. Kết quả là quá trình rụng trứng bị gián đoạn và gây ra tình trạng mất kinh.
- Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc hoạt động kém (suy giáp) cũng có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố và gây ra các rối loạn trong quá trình hành kinh ở nữ giới.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) khiến nội tiết tố tăng cao và gây mất kinh.
- Khối u lành tính ở tuyến yên có thể ảnh hưởng đến khả năng sản sinh nội tiết và gây ra các rối loạn trong chu kỳ kinh nguyệt.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tắt kinh
- Yếu tố di truyền: Nếu như trong gia đình bạn có mẹ, chị em gái bị mất kinh thì nguy cơ cao bạn cũng bị tình trạng này.
- Chế độ ăn uống: Nếu bạn đang gặp các hiện tượng như chán ăn, ăn quá độ, nguy cơ mắc chứng vô kinh cao hơn.
- Tập luyện thể thao quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ tắt kinh ở nữ giới.
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác dẫn đến tắt kinh như: Có thai, đang cho con bú, stress, uống thuốc tránh thai, mãn kinh…
Tắt kinh có thể dẫn đến vô sinh không?
Tắt kinh nguyệt còn là dấu hiệu của hội chứng đa nang tiềm ẩn nguy cơ vô sinh. Khi đó, nồng độ estrogen và androgen cao kéo dài, không lên xuống như trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường vì tuyến yên giảm bài tiết hormon, không tạo được phóng noãn và kinh nguyệt. Tình trạng này kéo dài khiến chị em mất kinh nguyệt.
Biểu hiện của hội chứng này hay đi kèm với béo phì, vô kinh hoặc chảy máu tử cung bất thường. Như vậy, về vấn đề mất kinh nguyệt có thể dẫn đến vô sinh hay không, câu trả lời chính xác là mất kinh báo hiệu tình trạng khó thụ thai, dẫn đến hiếm muộn, thậm chí là vô sinh ở nữ giới.
Cách điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà người bệnh có những cách điều trị bệnh khác nhau:
- Thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone khác có thể ổn định lại chu kỳ kinh nguyệt
- Trong trường hợp, vô kinh do bẩm sinh, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định kê thuốc đặc trị, thậm chí bạn có thể cần phải phẫu thuật
- Nếu do hội chứng buồng trứng đa nang cần giảm cân bằng cách ăn kiêng và tập thể dục. Các loại thuốc như metformin trị tiểu đường cũng có thể được chỉ định.
Một số loại thuốc và phương pháp phẫu thuật được chỉ định dùng cho tắt kinh như:
- Các thuốc điều trị buồng trứng đa nang
- Phẫu thuật loại bỏ mô sẹo trong tử cung
- Phẫu thuật loại bỏ khối u lành tính tuyến yên
Nếu trường hợp bị tắt kinh do giảm cân quá mức, béo phì thì chị em cần xây dựng chế độ lành mạnh nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dưỡng chất. Đồng thời hạn chế thực phẩm chứa nhiều gia vị, đồ ăn chế biến sẵn, dầu mỡ, đồ uống chứa caffeine, cồn…
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!