Hôm qua 19/8, bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn. Điều đặc biệt là bệnh nhân này mang theo cả con rắn vẫn còn quấn chặt tay khi đi cấp cứu.
Thông tin trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn ở Tây Ninh
Được biết sáng hôm qua 19/8, anh Phan Văn Tâm, 38 tuổi, ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu báo sau rẫy mãng cầu na có con rắn nên ra xem. Khi vừa đến bãi cỏ, anh thấy con rắn khủng ngay chân mình nên phản xạ đưa tay chụp. Anh Tâm bị rắn quay đầu cắn vào đùi phải, quấn chặt tay, cổ, không thể gỡ ra.
Anh Tâm nhanh tay dùng tay còn lại bóp cổ con rắn. Mọi người xung quanh nhanh chóng dùng vải cột ngang đùi nạn nhân, chặn nọc độc lan rộng; đồng thời lấy băng dính quấn miệng con rắn lại. Anh Tâm được chuyển đến tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cách đó hơn 20 km bằng taxi.
1 bác sĩ trực cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh cho biết, lúc nhập viện bệnh nhân vẫn tỉnh, tiếp xúc tốt, tự thở, chân phải sưng tím, có 2 dấu răng rắn cắn cách nhau 3.5 cm đang chảy máu. Sau khi được người dân hỗ trợ gỡ con rắn còn sống ra thì bác sĩ mới cấp cứu được.
Sau khoảng 30 phút nhập viện, anh Tâm tím tái, khó thở… Các bác sĩ phải đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy, sau đó chuyển viện xuống TP HCM. Hiện bệnh nhân tỉnh, được truyền kháng độc tố tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Con rắn được xác định là hổ mang chúa, dài khoảng 3m, nặng gần 5kg, đã chết sau đó.
Cập nhật tình hình sức khỏe nạn nhân bị rắn cắn
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đối với trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn, ngoài nhiễm độc thần kinh, người bị rắn cắn còn có khả năng nhiễm độc đến cơ tim.
Khi được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Tâm trong tình trạng liệt tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ… Sau khi được cho sử dụng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, anh bắt đầu có dấu hiệu phản ứng, cử động được tay chân và mở được mắt.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang – khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đến sáng nay sức cơ của bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, mở mắt, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và làm theo y lệnh của bác sĩ. Hiện bệnh nhân đã được cai máy thở. Tuy nhiên do đang đặt nội khí quản nên phải ăn bằng qua ống thông dạ dày.
Dù hiện anh Tâm tạm thời qua cơn nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt nhưng phải chờ từ 24 – 48 giờ tới mới có thể xác định được bệnh nhân có bị biến chứng viêm cơ tim cấp hay không.
Bác sĩ Sang cho biết thêm: “Ngoài vấn đề biến chứng về cơ tim, điều lo ngại là tại vị trí rắn cắn có rất nhiều nọc độc dẫn đến bị viêm mô tế bào, từ đó vết sưng phù lan nhanh hủy hoại các cơ. Nếu điều này xảy ra kéo theo nguy cơ tắc ống thận sẽ dẫn đến suy thận cấp”.
Xử lý thế nào khi bị rắn cắn?
Trường hợp bị rắn độc cắn như rắn hổ mang chúa thường người bệnh có thể tử vong do 2 nguyên nhân: liệt cơ tứ chi, cơ hô hấp, lúc này nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong do ngạt; nọc độc sẽ tấn công làm tổn thương cơ tim, dẫn đến suy tim cấp. Vị trí bị cắn có thể bị nhiễm trùng, hoại tử mô.
Thông thường các loại rắn độc sống ở vùng cây cối rậm rạp. Người dân nếu phải vào các vùng này cần trang bị đồ bảo hộ như găng tay, giày ủng cao su. Trước khi vào nơi không an toàn cần “đánh động” để các loại rắn độc và các động vật hoang dã khác đi nơi khác.
Khi bị rắn độc cắn, cố gắng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm để hạn chế tiếp tục bị tấn công. Đồng thời hạn chế tối đa vận động, vận động khiến cơ co thắt càng làm cho nọc độc phát tán nhanh hơn.
Người bị rắn cắn cần được nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, tùy vào tình trạng cụ thể của và tính chất độc của từng loại rắn, nhân viên y tế có cách xử trí ban đầu như nẹp cố định vết thương, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp…
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!