Trong ngày 15/1/2019 vừa qua, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, TP HCM đã cho biết, hiện nay tại khoa Nhiễm hiện đang điều trị 61 ca sởi, 5 ca khá nặng được hỗ trợ thở oxy. Rất nhiều trong số đó là các bé mới ở độ tuổi 3-4 tháng nên chưa đến thời điểm tiêm chủng vắc xin sởi. Một số trẻ mắc bệnh bẩm sinh như tim bẩm sinh, phổi mãn tính khiến cho bệnh tiến triển nhanh và kéo dài.
Số lượng thai phụ bị mắc bệnh sởi cũng gia tăng
Một điều đáng lo ngại là số lượng thai phụ bị sởi cũng ngày càng tăng lên. Cụ thể, cho đến thời điểm này, tại Khoa Nội A – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) hiện đang điều trị cho 7 thai phụ bị mắc sởi, tất cả đều có sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, bác sĩ CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, những bệnh nhân là phụ nữ có thai luôn được bệnh viện, bác sĩ quan tâm do họ có sức miễn dịch kém hơn khi đang trong quá trình mang thai.
Theo bác sĩ Hoa, những biến chứng trên phụ nữ mang thai mắc sởi là sinh non, thai lưu. Cụ thể, vào tháng 11/2018, đã có một trường hợp bị thai lưu. Tháng 12/2018, có 3 trường hợp sản phụ mắc bệnh sởi sinh non, có trường hợp thai mới 24 tuần tuổi.
Các bậc cha mẹ và phụ nữ có thai cần hết sức lưu ý về dấu hiệu của bệnh Sởi
Bệnh Sởi được lây qua đường dịch cơ thể, đa phần thông qua các hạt dịch li ti khi bệnh nhân sởi hắt hơi, sổ mũi, sau đó sẽ bị hít vào cơ thể của người chưa nhiễm bệnh.
Thời gian ủ bệnh thường diễn ra từ 10-14 ngày . Trong 2-3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ có các biểu hiện như một viêm nhiễm đường hô hấp siêu vi thông thường gồm:
- Sốt nhẹ
- Ho
- Sổ mũi
- Đau họng
- Đỏ mắt
Sau giai đoạn trên là giai đoạn phát ban sởi. Trên cơ thể người sẽ xuất hiện những hồng ban mịn, gồ, đôi khi gộp lại với nhau thành mảng lớn, lan dần từ mặt rồi xuống chân tay. Cơ thể người bệnh lên cơn số cao từ 40-41 độ C. Sau đó ban lặn dần.
Do đó, nếu phát hiện thấy trẻ hoặc mẹ bầu có dấu hiệu sốt cao, lừ đừ, li bì, nôn ói, thở nhanh, thở mệt, co giật thì cần đưa bé hoặc người mẹ đi khám càng sớm càng tốt.
Trẻ em cần được tiêm vắc xin theo đúng lịch trình để đảm bảo con được an toàn trước dịch bệnh
Trong những năm gần đây, các tin tức về biến chứng của tiêm phòng vắc xin đã khiến nhiều cha mẹ và người dân hoang mang. Dẫn đến tâm lý là sợ tiêm phòng hoặc lựa chọn không tiêm phòng để an toàn hơn. Nhưng đây thực sự là điều nguy hiểm đối với trẻ và có thể gây ra những tác hại không ngờ.
Tiêm ngừa vắc xin sởi cho trẻ là điều CẦN THIẾT và NÊN LÀM. Các loại vắc xin ngày nay rất hiệu quả trong việc phòng ngừa sởi cho các bé. Một khi con được tiêm phòng thì dù mắc bệnh con cũng sẽ không phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm. Ngoài ra, tiêm vắc xin đầy đủ cho bé cũng là cách để giúp cộng đồng ngăn ngừa dịch bệnh lây lan một cách tốt nhất.
Phụ nữ mang thai cần lưu ý về tiêm phòng trước và trong quá trình có bầu
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chích ngừa sởi và các loại bệnh đã có vắc xin chủng ngừa trước khi mang thai ít nhất là 2 tháng.
Còn theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, vắc xin sởi không nên tiêm cho mẹ bầu vì có thể sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm đối với phát triển của thai nhi.
Trường hợp các mẹ không nhớ chính xác là mình đã được tiêm phòng Sởi hay chưa thì cần lấy ý kiến tư vấn của bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm nhằm kiểm tra khả năng miễn nhiễm của mẹ.
Theo tuoitre.vn và baomoi.com
Nguồn ảnh: VTV.vn
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!