Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em tuy không quá nguy hiểm nhưng là căn bệnh gây khó chịu cho bé, làm mất vệ sinh và dễ lây lan. Tốt nhất các mẹ nên có phương pháp điều trị hợp lý để bé mau khỏi bệnh cũng như tránh tạo thành dịch gây ảnh hưởng cho cộng đồng.
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em là gì?
Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc mắy. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ thường là nhiễm vi khuẩn, virus hoặc phản ứng dị ứng. Mặc dù đau mắt đỏ gây kích thích mắt, nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực.
Đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi mắc bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.
Căn bệnh này nguy hiểm như thế nào?
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em tuy lành tính nhưng không phải không có biến chứng. Một số biến chứng hiếm gặp của đau mắt đỏ là:
- Trẻ bị viêm giác mạc sợi
- Viêm giác mạc đốm
- Bệnh viêm giác mạc sâu
- Chứng viêm mủ túi lệ,…
- Nguy hiểm hơn có thể gây sẹo giác mạc, suy giảm thị lực
Nguyên nhân và triệu chứng đau mắt đỏ
Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em. Các nguyên nhân và triệu chứng đau mắt đỏ thường gặp như:
Đau mắt đỏ do virus:
Đây là nguyên gây bệnh hay gặp nhất với các triệu chứng ra ghèn dây, ngứa, chảy nước mắt do cộm, sưng mi, thị lực giảm, chói sáng khi biến chứng khô mắt.
Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân; ho, hắt hơi khi viêm họng hay cảm cúm đi kèm.
Bé bị đau mắt do vi khuẩn:
Thường là do vi khuẩn Staphylococcus, Haemophilus Influenzae …, có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng thường gặp như ghèn vàng hay màu vàng xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng, ngứa và chảy nước mắt. Nếu bệnh nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi.
Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hoặc vật dụng dính dịch tiết mắt.
Trẻ bị dị ứng:
Như bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc, … thường rất khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát.
Bệnh có các triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, viêm mũi dị ứng, bệnh xảy ra cả hai mắt và không lây.
Cách chữa đau mắt đỏ ở trẻ em hiệu quả
Trẻ bị đau mắt đỏ thường rất khó chịu, quấy khóc. Vì thế để cho trẻ nhanh khỏi khỏi và giảm khó chịu cho trẻ mẹ cần tích cực điều trị triệu chứng và chăm sóc bé cẩn thận:
- Dùng bông gòn và nước muối sinh lý rửa mắt hàng ngày cho bé. Cho bé nằm nghiêng, dùng nước muối rửa ghèn trong mắt cho bé, sau đó lấy bông lau sạch. Không để ghèn bám nhiều lên mắt sẽ gây khó chịu, cộm ngứa cho bé.
- Nên lấy ghèn lúc ướt, tránh để ghèn khô mới lấy sẽ gây khó chịu và đau rát cho bé.
- Cho bé ăn uống thêm các loại trái cây để giúp con tăng sức đề kháng, nếu bé đang bú mẹ, cho bé bú càng nhiều càng tốt.
- Không cho con tiếp xúc với các loại màn hình điện tử, đọc sách báo để giúp mắt bé nghỉ ngơi
- Tuyệt đối không chữa đau mắt đỏ cho trẻ bằng phương pháp dân gian.
- Giặt sạch và phơi khô mọi vật dụng của bé như chăn ga gối, khăn mặt.
- Khăn lau mắt, lau mặt và lau người cho bé nên là 3 khăn khác nhau
- Nếu bé đang đi học, nên xin cho bé nghỉ học để tránh trường hợp bệnh lây thành dịch. Ngoài ra nên hạn chế cho bé ra đường để tránh khói bụi vào mắt.
Sau 1, 2 ngày mà bé vẫn không khỏi phải đưa bé đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị.
Phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Cụ thể như sau:
Khi đang có dịch đau mắt đỏ:
Ngoài việc thực hiện đầy đủ các biện pháp trên, cần làm thêm những điều sau
- Ít đến các nơi đông người như bệnh viện, trung tâm mua sắm
- Hạn chế đi bơi, không sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
- Hạn chế cho bé đi ra ngoài, tiếp xúc với ánh mặt trời hoặc không khí ô nhiễm
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
- Dùng nước muối sinh lý rửa mắt ít nhất 1 ngày 3 lần
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người đau mắt
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
Khi không có dịch:
- Không dùng tay dụi mắt.
- Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi cho bé
- Thường xuyên rửa tay cho bé, đảm bảo vệ sinh cá nhân.
- Dùng riêng vật dụng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm…
- Giặt sạch khăn bằng xà phòng, phơi khô dưới ánh nắng hàng ngày.
Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em là bệnh không hiếm gặp. Bệnh thường xảy ra ở những nơi có điều kiện sống thấp, ẩm ướt. Khi trẻ bị đau mắt đỏ, các mẹ phải đưa trẻ đến khám tại các cơ sở mắt chuyên khoa.
Mẹ tuyệt đối không sử dụng các phương pháp như đắp lá vào mắt bé như là trầu, lá dâu…hay nhỏ sữa vào mắt trẻ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!