Cả tuần nay bé đòi bú liên tục không chịu ngủ khiến mẹ bồn chồn lo lắng. Tuy nhiên, mẹ đừng vội hoảng nhé. Xác định đúng nguyên nhân, mẹ sẽ sớm khắc phục được tình trạng này. Bé sẽ quay lại đúng đồng hồ sinh học bú đúng cữ, ngủ tròn giấc như trước đây.
- Dấu hiệu bé đòi bú liên tục không chịu ngủ
- Tình trạng này kéo dài có tốt không?
- Nguyên nhân khiến trẻ đòi bú liên tục không chịu ngủ
- Vài mẹo xử lý khi bé đòi bú liên tục không chịu ngủ
Dấu hiệu bé đòi bú liên tục không chịu ngủ
Bú liên tục là tình trạng em bé đòi bú nhiều hơn và bú lâu vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Thời gian thường xảy ra là buổi tối, nhất là lúc chiều tối gần đến đêm. Không chỉ đòi bú liên tục, bé sẽ còn kèm theo quấy khóc.
Chỉ cần buông vú mẹ vài phút, bé sẽ khóc tìm vú. Bé bú được vài phút lại buông, sau đó lại quấy khóc đòi bú tiếp. Cứ như thế liên tục hàng giờ. Sau khi đòi bú liên tục không chịu ngủ cả buổi tối, bé sẽ chìm vào giấc ngủ dài hơn.
Điều này thật sự là nỗi sợ đối với các bà mẹ. Vừa lo con bị kiệt sức, vừa băn khoăn không biết con đã đủ no chưa, hay mình làm gì khiến con khó chịu?
Tình trạng này kéo dài có tốt không?
Mỗi bé sẽ có nhu cầu khác nhau và thay đổi tùy theo từng giai đoạn. Có thời kỳ bé ăn nhiều ngủ ít và có giai đoạn bé lại ngủ nhiều ăn ít. Do đó, bé đòi bú liên tục không chịu ngủ không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của bé.
Nhưng không vì thế mà mẹ để con thoải mái “ăn theo nhu cầu”. Ngay cả chính người lớn, khi “cảm thấy no” là lúc chúng ta đã no quá mức. Trẻ em còn nhỏ nên khó tránh khỏi tình trạng này. Nếu ăn quá nhiều, dạ dày bị trớ và hệ tiêu hóa quá tải. Vì thế, mẹ nên kiểm soát lượng sữa và thức ăn của con cũng như cho bé bú đúng cách.
Nguyên nhân khiến bé đòi bú liên tục không chịu ngủ
Bé chưa bú đủ nhu cầu
Những năm tháng đầu đời là thời gian hoàn thiện cơ thể. Vì thế, dạ dày bé cũng tỉ lệ thuận với sự phát triển của cơ thể. Nhu cầu bú cũng tăng dần lên.
Nhu cầu sữa của bé giai đoạn sơ sinh thường là:
- 6 – 7ml/cữ bú cho bé mới chào đời
- 22 – 27 ml sữa/cữ bú cho bé sau sinh 3 ngày
- 40 – 60ml sữa/cữ cho bé sau sinh 1 tuần
- 60 – 120ml/cữ bú cho bé được 2 tuần tuổi – 2 tháng tuổi.
Để đáp ứng nhu cầu sữa tăng lên theo từng ngày, bé sẽ tăng tần suất bú để xoa dịu “chiếc bụng đói”. Dấu hiệu cho thấy bé bú đủ nhu cầu là: ngực mẹ không còn căng cứng, bé đi tiểu đủ 7 lần/ngày, tâm lý bé thoải mái, không quấy khóc, …
Khả năng bú yếu
Tùy vào từng cơ địa, sức bú của mỗi bé sẽ khác nhau. Nếu sinh non thiếu tháng hoặc có vấn đề về miệng (nhiệt miệng, nấm miệng, …), lực mút sữa của bé sẽ yếu hơn các bạn cùng tuổi.
Vì sức bú yếu nên bé phải bú nhiều lần để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Mẹ ít sữa, thiếu sữa hoặc không có sữa
Những ngày đầu sau sinh, sữa mẹ chưa về nhiều nên rơi vào tình trạng thiếu sữa. Chế độ ăn uống kiêng khem thiếu chất dinh dưỡng hoặc cách cho con bú của mẹ ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Hoặc tốc độ sữa mẹ buổi tối xuống khá chậm khiến bé phải bú nhiều lần.
Nguyên nhân khác khiến bé đòi bú liên tục không chịu ngủ
Đôi khi bé đòi bú liên tục không chịu ngủ là vì bé chỉ cảm thấy an toàn khi được áp mặt vào bầu ngực thân quen của mẹ. Nghĩa là bé chỉ muốn được gần gũi mẹ chứ chưa thật sự đói sữa.
Hay có thể đầu ti bên bầu ngực này không vừa miệng bé nên bé ít bú, cứ nằng nặc khóc đòi bú đầu ti ngực bên kia của mẹ. Cũng có trường hợp bé vừa bú vừa ngủ quên nên mẹ ngỡ bé đòi bú liên tục.
Vài mẹo xử lý khi trẻ đòi bú liên tục không chịu ngủ
Xoa dịu bé bằng nhiều cách
Mẹ có thể địu bé để vừa có thể cho con bú, vẫn có thể làm việc khác. Hoặc có thể cùng bé ra ngoài đi dạo ở nơi thoáng mát cho tâm tình bé tốt lên.
Xoa dịu bằng âm nhạc, massage, trò chuyện cùng con cũng là những cách giúp bé bớt quấy khóc hiệu quả. Nếu mệt quá, mẹ có thể giao cho bố ẵm một chút rồi nghỉ ngơi trước khi quay lại ẵm con.
Ban đêm, bạn chỉ nên để đèn ngủ mờ, giữ im lặng để bé dễ ngủ lại. Nếu bé có nấm miệng (nanh sữa) thì mẹ nên rơ miệng bé bằng nước muối sinh lý. Nếu bé nhiều nấm thì mẹ nên đưa bé đến bác sĩ Nhi và dùng thuốc rơ miệng kháng nấm.
Cho bé ‘bú theo nhu cầu’
Mẹ đừng quá cứng nhắc hay lên lịch bú chính xác bao nhiêu tiếng giữa hai cữ bú. Thay vào đó, mẹ nên cho bé “bú theo nhu cầu”. Khi đói, lực mút sữa mẹ, bé sẽ bú nhanh và được nhiều sữa hơn. Tuyến sữa của mẹ cũng được kích thích tiết ra dễ dàng.
Mẹ nên chủ động nhận biết các dấu hiệu bé đói để cho bú kip thời. Điển hình như bé sẽ vùi đầu vào ngực của người đang bế, kéo quần áo để thu hút sự chú ý, cựa quậy liên tục, quấy khóc, …
Cho bé bú đúng cách
Ngồi đúng tư thế cho con bú sẽ giúp mẹ thoải mái và bé bú được nhiều hơn. Tư thế cho bú đúng cách là:
- Bế bé bằng 2 tay sao cho mặt bé hướng thuận vào bầu vú;
- Khi cho ngậm ti, mẹ nên áp sát bé vào người sao cho bụng bé sát bụng mẹ và cằm bé phải chạm vào vú mẹ, đầu với thân phải thẳng hàng;
- Mẹ nên để miệng bé cần há to và ngậm hết cả vùng quầng ngực. Lúc này, sữa có thể tiết ra dễ dàng hơn.
Một bí quyết nhỏ là mẹ nên cho bé bú lần lượt hết bầu sữa này rồi mới chuyển qua bầu kia, ưu tiên bầu có ít sữa trước. Bé sẽ bú được sữa cuối giàu dưỡng chất và kích thích mẹ sản sinh ra lượng sữa mới.
Sau khi cho bé bú xong, mẹ nên vỗ ợ hơi cho bé khoảng 20 phút. Thao tác này sẽ tống các khí đang kẹt trong dạ dày bé ra ngoài. Bé sẽ bú được nhiều sữa hơn, no lâu và ngủ ngon hơn. Mẹ cũng nên tăng cường bổ sung vào thực đơn những món ăn lợi sức cho mẹ, lợi sữa cho bé nhé!
Mẹ đừng vội hoảng khi bé đòi bú liên tục không chịu ngủ! Lần lượt áp dụng những mẹo trên, bé sẽ ngoan và ăn ngủ điều độ ngay thôi!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!