“3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” là quy luật phát triển thông thường của một đứa trẻ. Nhưng nhiều trường hợp dù đã đến tuổi biết đi vẫn bé chưa biết đi, chỉ ngồi hoặc bò. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bé chậm biết đi mà mẹ có thể không ngờ đến.
Nguyên nhân bé chậm biết đi
Thiếu các vitamin cần thiết
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của bé. Việc thiếu hụt bất kỳ dưỡng chất nào đều có thể là nguyên nhân dẫn đến một triệu chứng nào đó. Để bé tự bước đi được thì bộ xương bé cần phải cứng cáp để nâng đỡ cơ thể. Nếu mẹ không bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho hệ xương như vitamin D, canxi, sắt, choline… bé sẽ dễ mắc chứng chậm biết đi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ quá còi, suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì thường chậm biết đi hơn những đứa trẻ khác.
Chế độ dinh dưỡng tác động rất lớn đến khả năng vận động của trẻ
Dị tật ở chân
Khi thấy bé chậm biết đi, đã qua 20 tháng tuổi mà vẫn chưa lò dò tập đi, mẹ nên kiểm tra xem con có mắc các dị tật ở chân hay không. Xương chân, đoạn khớp với phần xương hông có vấn đề hoặc các bệnh về cơ bắp khác như teo cơ bắp chân, bệnh cột sống sau sinh… sẽ khiến bé không thể giữ cân bằng cơ thể, việc tập đi cũng khó khăn hơn.
Bé bị tổn thương ở não bộ
Đây là một trong những nguyên nhân bé chậm biết đi mà nhiều mẹ không ngờ đến. Bởi vì có những em bé rất thông minh, mẹ cảm thấy não bộ của con phát triển tốt nhưng con vẫn không thể bước đi. Trên thực tế, việc tổn thương ở não bộ không chỉ liên quan đến sự thông minh mà còn bao gồm cả những phản xạ về tâm lý như: bé quá sợ hãi, nhút nhát… Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến điều kiện vận động của con.
Tâm lý sợ hãi, nhút nhát cũng là nguyên khiến bé chậm biết đi
Sức khỏe của mẹ khi mang thai không đảm bảo
Trong giai đoạn mang thai, mẹ không đảm bảo chế độ dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của con sau khi chào đời. Mẹ bầu ăn uống không đủ chất khiến bào thai cũng bị suy dinh dưỡng, trẻ sinh ra cũng chậm phát triển hơn, kể cả chậm biết đi.
Bế con quá nhiều
Nhiều ông bố bà mẹ sợ con nghịch ngợm, lo con tự đi sẽ ngã đau nên thường xuyên bế con và điều này khiến con phụ thuộc nhiều vào người lớn, hay đòi bế, không muốn tự đi… Bố mẹ nên hiểu rằng, bất kỳ việc gì lặp đi lặp lại thường xuyên đều hình thành thói quen đối với con.
Làm gì khi bé chậm biết đi?
Chậm biết đi khiến cơ thể bé thiếu linh hoạt hơn, phản xạ không nhanh nhẹn. Bé muốn tự tay lấy một món đồ chơi hoặc muốn chạm vào vật gì đó nhưng đôi chân lại không biết đi, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con.
Kích thích bé vận động từ sớm
Theo các chuyên gia, ngay từ khi bé mới 3-4 tháng tuổi, mẹ nên chơi cùng bé bằng các trò chơi rèn vận động thay vì chỉ ngồi yên một chỗ. Bài tập này cũng rất đơn giản, mẹ chỉ cần nghiêng người, di chuyển sang trái, sang phải và hướng bé làm theo mình, kích thích bé vận động. Khi bé tỏ ra thích thay đổi tư thế, mẹ nên trợ giúp bé thực hiện.
Nên tập đi cho bé như thế nào?
Khi con được 11 – 12 tháng tuổi và có những dấu hiệu như dùng tay bám cầu thang, bám thành giường để di chuyển, đây chính là thời điểm lý tưởng để mẹ tập cho con đi. Mẹ hãy đứng từ xa, dùng một đồ vật gì con yêu thích và hướng dẫn con đi về phía mình. Khi bước lên 1-2 bậc thềm nhà, đừng nhấc tay xốc bé, hãy để bé tự đi và mẹ đi bên cạnh để phòng khi bé ngã.
Bố mẹ nên ở bên hướng dẫn để con tự tập đi
Những bước đi đầu tiên của con bao giờ cũng khó khăn, thậm chí là con sẽ ngã, điều quan trọng vẫn là mẹ đủ kiên nhẫn để cùng con tập đi. Nếu mẹ bế con quá nhiều hoặc sợ con ngã đau sẽ hình thành tâm lý “trốn tập đi” của bé, khiến bé chậm biết đi.
Phơi nắng để bé hấp thụ vitamin D
Mỗi ngày, mẹ cũng nên dành ra 30-40 phút để phơi nắng cho bé vào lúc 4-8 giờ sáng hoặc 4-5 giờ chiều. Nắng thời điểm này rất tốt, giúp con hấp thụ vitamin D hỗ trợ hệ xương chắc khỏe.
Tắm nắng vào thời điểm thích hợp giúp tăng cường khả năng hấp thụ vitamin D, tốt cho hệ xương
Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé với đầy đủ các loại khoáng chất, không thừa hay thiếu những thành phần quan trọng. Những loại thực phẩm như: sữa, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt,… với hàm lượng canxi cũng như các loại vitamin quan trọng cao sẽ có tác dụng rất lớn trong việc tăng cường sức khỏe xương khớp, giúp con đi lại dễ dàng hơn.
Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã hiểu hơn về những nguyên nhân khiến bé chậm biết đi cũng như cách khắc phục để cải thiện tình hình của con. Bố mẹ nào cũng mong muốn được ôm con, che chở con nhưng để con phát triển toàn diện và dễ dàng thích ứng với nhiều hoàn cảnh, mẹ cần biết cách để con tự lò dò tập đi.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!