Bé bú ít hơn bình thường có thể từ nhiều nguyên nhân như có vấn đề về hệ tiêu hóa, sữa mẹ ít đi hoặc có mùi lạ, mẹ cho bé bú không đúng tư thế khiến bé khó chịu…Mẹ nên tham khảo bài viết để nắm rõ các phương pháp giúp cải thiện tình trạng này nhé!
- Bé bú như thế nào là bình thường?
- Nguyên nhân bé bú ít hơn bình thường
- Mẹ nên làm gì khi bé bú ít hơn bình thường
- Trẻ sơ sinh ăn ít hơn bình thường
Bé bú như thế nào là bình thường?
Vừa mới chào đời, dạ dày trẻ sơ sinh còn rất nhỏ, trung bình mỗi lần bú bé chỉ cần khoảng 5 – 7 ml sữa là đủ. Sau hai tuần đầu, trẻ có thể bú trung bình từ 60ml –90ml sữa/ lần. Khoảng 1-6 tháng tuổi, dạ dày mở rộng và khi đã quen dần với việc bú mẹ, bé có thể bú khoảng 90-150 ml sữa/ lần.
Mặc dù nhu cầu dinh dưỡng của mỗi bé là khác nhau, nhưng nhìn chung, bé cần bú từ 8-12 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau 2 tiếng nếu bú mẹ và 3 tiếng nếu uống sữa công thức. Sau khi bú sữa mẹ bé vẫn ngủ ngon, không quấy khóc và lên cân đầy đủ, đi tiểu trên 6 lần/ ngày là bé đã nhận đủ sữa. Nếu bé có biểu hiện bú ít hơn, mỗi lần bú trong một thời gian ngắn các mẹ phải tìm nguyên nhân trẻ sơ sinh bú ít hơn bình thường và cách khắc phục nhanh chóng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
(Nguồn ảnh: Unsplash)
Nguyên nhân bé bú ít hơn bình thường
Bé gặp vấn đề về sức khoẻ
Nếu bé đang bú ngoan, bú nhiều, bỗng dưng bú ít lại và hay khóc thì mẹ nên kiểm tra xem bé có vấn đề bệnh lý hoặc những dấu hiệu bất thường trên cơ thể không. Thông thường bé bú ít hơn bình thường có thể do các vấn đề về đường tiêu hoá, các bệnh về nhiệt miệng, đau họng, có đờm, sau đó là viêm tai, ngạt mũi, thân nhiệt cao, hoặc do bé mọc răng. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng biếng ăn, bú ít ở trẻ nhỏ.
Sữa mẹ có mùi vị lạ khiến trẻ sơ sinh bú ít hơn bình thường
Một trong những nguyên nhân làm bé bú ít hơn bình thường đến từ chế độ ăn uống của mẹ. Khi mẹ ăn những thức ăn nặng mùi, quá cay hoặc quá chua cũng ảnh hưởng đến mùi vị sữa bé bú. Các gai vị giác của trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn, do đó bé sẽ rất nhạy cảm và dễ nhận ra sự khác biệt của sữa mẹ. Những vị lạ này làm bé thấy khó chịu và bú ít hơn.
Mẹ ít cho bé bú
Đôi khi do công việc quá bận rộn nên mẹ không có nhiều thời gian ở cạnh cho bé bú. Nếu lâu ngày sẽ khiến bé không có thói quen bú mẹ, khi gặp ti mẹ dễ lạ lẫm, cáu gắt, quấy khóc. Điều này có thể làm cho bé mệt mỏi thậm chí kiệt sức.
Mẹ ít sữa hơn bình thường
Khi sữa mẹ về chậm, về ít và nguồn sữa không dồi dào như bình thường là nguyên nhân thường gặp nhất khiến bé bú ít. Lúc này việc bú mẹ không đáp ứng được nhu cầu của một số bé. Tuy mẹ vắt ra nhiều sữa nhưng thời gian vắt sữa lâu, chứng tỏ lượng sữa mẹ ít hơn bình thường. Điều này là quá dài với bé và bé không thể chờ thêm được nữa sinh ra biểu hiện cáu gắt, quấy khóc, bỏ bú hoặc bú ít.
Do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh
Việc lạm dụng kháng sinh khi bé bị bệnh cũng chính là một trong những lý do khiến bé bú ít hơn bình thường. Nếu bất đắc dĩ phải dùng kháng sinh để điều trị, bố mẹ cần cho bé sử dụng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc và cho bé sử dụng. Mẹ cũng cần nhớ tuyệt đối không hòa thuốc vào sữa cho bé bú bởi nó có thể gây ám ảnh, khiến bé sợ bú.
Tư thế bú không đúng cách
Những mẹ mới lần đầu sinh con sẽ có nhiều bỡ ngỡ trong cách cho bé bú. Nhất là khi tư tế bú không đúng hoặc sữa mẹ không đều cũng sẽ làm cho bé khó chịu và bú ít hơn.
Theo Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình – Bác sĩ Chuyên khoa sản – Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng “Việc cho trẻ bú đúng tư thế giúp trẻ bú được nhiều hơn và không gây ảnh hưởng đến cơ thể của trẻ. Với tư thế ngồi, trước tiên mẹ cần chọn một điểm tựa cho lưng, sau đó hai tay tạo thành vòng cung ôm bé vào lòng. Hoặc nếu mẹ chưa phục hồi sức khỏe, có thể lựa chọn tư thế nằm, mẹ nằm nghiêng song song với bé, dùng tay đỡ lấy đầu con và hướng dần cho bé quay đầu vào vú của mình để bú”.
Mẹ nên làm gì khi bé bú ít hơn bình thường?
- Mẹ nên làm gì khi bé bú ít hơn bình thường (Nguồn ảnh: unsplash)
Đối với trẻ bú mẹ
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm và ăn nhiều hơn lúc bình thường: để đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cả hai mẹ con.
- Tạo thói quen bú cho bé: Chia nhỏ thành nhiều cữ bú trong ngày, các cữ bú cách nhau khoảng 3 tiếng và nên cho bé ti mẹ trực tiếp. Tránh để bé quá đói rồi mới cho bú. Khi bé đã bú đủ, mẹ không nên cố ép bé bú thêm sẽ dễ gây nôn trớ.
- Cho bé bú đúng tư thế: Mẹ cần cho bé bú đúng tư thế, tạo cảm giác thoải mái cho bé, hơn nữa là để sữa mẹ ra đều hơn, hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh ăn ít hơn bình thường
- Điều trị bệnh kịp thời cho bé: Khi bé có những biểu hiện khó chịu hay cơ thể có những triệu chứng bất thường, mẹ cần theo dõi, kiểm tra để tìm ra bệnh lý và có biện pháp xử lý kịp thời để bé không bị mệt mỏi gây bú ít.
Đối với trẻ bú sữa công thức
Trường hợp sữa mẹ ít hoặc mẹ bị mất sữa, bé phải bú sữa ngoài, mẹ nên theo dõi và chọn loại sữa phù hợp với khẩu vị của bé nhưng vẫn cần đảm bảo chất lượng, đáp ứng đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé ở những tháng đầu đời.
Khi cho bé làm quen với sữa công thức, mẹ cần chọn bình bú có chất liệu và kích cỡ đầu vú phù hợp với con. Cần chú ý khoảng cách giữa các cữ bú và liều lượng bú của bé để điều chỉnh cho phù hợp.
Khi gặp tình trạng trẻ bú ít hơn bình thường, mẹ cần bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có cách giải quyết tốt nhất. Không nên để tình trạng bé ít bú kéo dài vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, nhất là giai đoạn sơ sinh là giai đoạn quan trọng để bé phát triển.
Nguồn thông tin: Các tư thế cho con bú phù hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của The Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!