Bạn lo lắng khi thấy bé bị nổi mẩn đỏ từng mảng khắp người và không biết phải làm sao để da bé lành lại trở lại. Liệu hiện tượng này có nguy hiểm gì cho bé không? Cùng theAsianparent tìm hiểu xem đó là triệu chứng của bệnh gì để có giải pháp phù hợp nhé!
Nguyên nhân bé bị nổi mẩn đỏ từng mảng
Nổi mẩn đỏ từng mảng trên da là một vấn đề về da liễu do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất mà bé thường gặp phải:
Bé nổi mề đay
Nếu bạn thấy bé nổi những mẩn đỏ khắp nơi với nhiều kích cỡ khác nhau trên da, đồng thời còn kèm theo những cơn ngứa dữ đội, đó có thể là bé đã bị nổi mề đay. Vì bé còn nhỏ, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho mề đay hình thành và phát triển.
Dị ứng thời tiết khiến da bé nổi mẩn đỏ từng mảng
Một số bé có làn da nhạy cảm nên dễ dàng bị tác động bởi sự thay đổi thất thường của khí hậu và khiến da bé bị nổi mẩn đỏ từng mảng. Hiện tượng này không quá nguy hiểm và các mẩn đỏ này hoàn toàn có thể tự lặn trong vài vào ngày.
Tuy nhiên, nếu cơ địa bé quá yếu, việc quá nhạy cảm với khí hậu có thể dẫn đến sốc nhiệt, viêm nhiễm da, áp xe,… Vì vậy, mẹ cần phải theo dõi thật kỹ bé để có hướng điều trị kịp thời.
Dị ứng với một vài tác nhân
Một số bé bị dị ứng với phấn hoa, món ăn từ hải sản, sữa, lông thú cưng, hóa chất hay một số thực phẩm khác. Khi bị dị ứng, da bé sẽ bị kích thích và nổi thành các mảng đỏ, ngứa rát và thậm chí nổi những mụn nước trên da. Vì vậy, cách tốt nhất là mẹ nên chú ý xem bé có bị dị ứng với tác nhân nào hay không và hạn chế tránh cho bé tiếp xúc với các loại thực phẩm hay tác nhân đó.
Bé bị chàm mạn tính
Chàm là một bệnh viêm da mạn tính và chưa có cách nào để trị dứt điểm nên có xu hướng tái phát định kỳ. Cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh này. Tuy không gây hại gì cho sức khỏe nhưng bệnh gây ra các hiện tượng như nổi mẩn đỏ từng mảng, da thô, bong tróc vảy và ngứa ngáy rất khó chịu.
Nổi mẩn đỏ từng mảng trên da vì bé bị bệnh vẩy nến
Vẩy nến là bệnh lý ngoài da do hệ thống miễn kháng bị rối loạn, khiến cơ thể nổi các mẩn đỏ từng mảng, da khô, nứt nẻ và chảy máu, đặc biệt bệnh này không gây ngứa. Đối với trẻ em, bệnh khá lành tính và không tác động xấu đến tính mạng nhưng khi lớn lên, chúng lại tác động lớn tới tâm lý, thẩm mỹ và khiến bé tự ti khi giao tiếp. Bệnh cũng chưa có cách thức chữa dứt hẳn nhưng mẹ có thể sử dụng một số phác đồ điều trị và phòng cho bệnh tránh phát lại.
Bệnh Rosacea (chứng đỏ mặt)
Nếu da bé hay bị đỏ, sưng phù, nổi mẩn và các tĩnh mạch bị giãn ra, đặc biệt là ở hai bên má và mũi, bé có thể đã bị mắc bệnh Rosacea. Vì các triệu chứng khá giống với bệnh chàm hay dị ứng nên rất khó để nhận biết bệnh. Tốt nhất là mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Bệnh viêm da thần kinh
Viêm da thần kinh là 1 trong những bệnh về da mãn tính và có các triệu chứng như da nổi mẩn đỏ, có màu tím và các khía ngang dọc. Các triệu chứng này sẽ tác động đến một số vùng như đầu, cổ tay, phía bên trên đùi, gáy,… Bệnh viêm da thần kinh có thể gây ngứa.
Bệnh Prurit
Prurit có triệu chứng dễ nhìn thấy là nổi mẩn đỏ từng mảng kèm theo ngứa rát kinh khủng trong thời gian dài. Đây là một bệnh khá hiếm gặp và cũng chưa có phương pháp điều trị dứt điểm.
Bé bị nổi mẩn đỏ từng mảng có nguy hiểm không?
Các triệu chứng mẩn đỏ thành mảng này chỉ là bệnh ngoài da và ít khi gây hại đến sức khỏe hay tính mạng của bé. Tuy nhiên, nếu bệnh có kèm theo ngứa rát khiến bé khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn thường xuyên thì ba mẹ cần phải đưa bé đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời cho bé.
Nếu triệu chứng mẩn ngứa đơn thuần không kèm ngứa hay triệu chứng gì khác thì bệnh có thể tự hết chỉ sau một vài ngày.
Cách trị nổi mẩn đỏ cho bé từ dân gian có đúng không?
Dân gian ta từ xưa đã truyền miệng rất nhiều mẹo trị mẩn đỏ cho bé từ các nguyên liệu thiên nhiên như cho bé tắm với lá trầu không, lá khế, cây sài đất, lá trà xanh, lá ổi, lá bạc hà,… Về độ an toàn và hiệu quả của các phương pháp này chưa rõ có hiệu quả hay không nhưng lượng tinh dầu lớn có trong các loại lá này có thể khiến da bé bị kích ứng. Ngoài ra, nếu chế biến không hợp vệ sinh hay sử dụng lá có phun các chất hóa học có thể khiến da bé bị nhiễm khuẩn và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ba mẹ nên làm gì khi bé bị nổi mẩn đỏ từng mảng?
- Tắm cho trẻ hàng ngày để đảm bảo da bé luôn được sạch sẽ, không bị vi khuẩn tấn công
- Mặc quần áo rộng rãi, mềm mại, thoáng mát cho bé
- Tránh để bé gãi lên những vùng da bị mẩn vì vết mẩn bị bể ra có thể gây nhiễm trùng
- Có thể thoa kem dưỡng ẩm hoặc thuốc làm ẩm dành riêng cho em bé. Tuy nhiên ba mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước, tuyệt đối không tự ý bôi các loại thuốc chứa corticoid hay histamin cho bé
- Đưa trẻ đi khám ngay khi thấy vết mẩn bất thường kèm theo những triệu chứng nguy hiểm khác
- Chú ý hạn chế để các thực phẩm hay tác nhân gây dị ứng cho bé tiếp xúc thường xuyên
Vừa rồi là những thông tin về hiện tượng da bé bị nổi mẩn đỏ từng mảng. Mức độ nghiêm trọng còn phụ thuộc vào nguyên nhân bé bị nổi mẩn là gì. Vì vậy, mẹ nên tìm hiểu xem bé bị nổi mẩn là do đâu rồi hãy tìm hướng giải quyết phù hợp nhé. Trường hợp bé bị nặng dẫn đến quấy khóc, bỏ ăn liên tục, mẹ hãy lập tức đưa bé đến bác sĩ ngay.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!