Qua hỏi bệnh sử, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin – 1 loại thuốc tuyệt đối không được dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
2 bé sơ sinh 3 tháng tuổi ngộ độc vì sử dụng thuốc nhỏ mũi Naphazolin
Ngày 30/8, Đơn vị Cấp cứu Nhi bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận 2 bé sơ sinh 3 tháng, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, tay chân lạnh. Cả 2 bé đều có biểu hiện ngộ độc cấp theo dõi sốc tim.
Các bác sĩ đãlập tức tiến hành cấp cứu và điều trị tích cực cho trẻ. Đó là 2 trường hợp bệnh nhi: Q.H và Q.B sinh tháng 5/2020, có địa chỉ ở Quang Trung, Uông Bí, Quảng Ninh.
Theo mẹ hai bé kể: Thấy con có hiện tượng khò khè sau khi tắm, gia đình đã tự mua thuốc nhỏ mũi để rửa mũi cho con. Tuy nhiên sau khi rửa mũi bằng 2-3 lọ thuốc, bé bắt đầu xuất hiện lơ mơ, da tái, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Ngay sau đó gia đình đã đưa bé vào nhập viện.
Bệnh nhi đang được điều trị tại BV Việt Nam- Thuỵ Điển Uông Bí.
Qua thăm khám các bác sĩ thấy nhịp thở của bệnh nhi không đều, nhịp tim chậm 70-80 lần/phút nghi ngờ do tình trạng ngộ độc cấp. Khi hỏi loại nước rửa mũi gia đình sử dụng, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc cấp do sử dụng thuốc nhỏ mũi Naphazolin – 1 loại thuốc tuyệt đối không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
Do thiếu hiểu biết mà gia đình đã dùng thuốc sai cách khiến con bị ngộ độc
Khi xác định được nguyên nhân gây ngộ độc, bệnh nhi đã được các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực thở máy, truyền dịch, lợi tiểu và theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn. Sau 2 ngày điều trị tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã tiến triển tốt hơn.
Theo tài liệu y khoa, Naphazolin là thuốc nhỏ mũi thường gây ngộ độc ở trẻ, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Đây là thuốc được chỉ định trong điều trị các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi, viêm xoang. Vì tác dụng nhanh, hiệu quả nên Naphazolin được các nhà thuốc sử dụng phổ biến.
Lọ thuốc nhỏ cho con được hai mẹ mang đến viện (Ảnh BV cung cấp)
Tuy nhiên nếu dùng thuốc quá liều và sai độ tuổi trẻ sẽ bị ngộ độc, gây ức chế hệ thần kinh trung ương, hạ thân nhiệt, nhịp thở chậm, nặng sẽ có cơn ngừng thở, Nguy hiểm hơn, nếu điều trị không kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
BSCKI. Đào Thị Loan phó trưởng khoa Nhi, BV Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí cho biết: Không chỉ có thuốc nhỏ mũi Naphazolin mà còn có một số loại thuốc như Xylometatolin … trước khi sử dụng cho trẻ nhỏ cần có chỉ định của bác sĩ, các bậc phụ huynh cũng đừng quên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc.
Bé 4 tuổi bị ngộ độc lá lộc mại vì ăn canh chữa táo bón
Sáng 19/8, lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, khoa Tiêu hóa – Máu gần đây tiếp nhận bệnh nhi N.T.H.Y (4 tuổi, trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) bị ngộ độc lá lộc mại.
Trước đó người nhà của bé thấy con bị táo bón lâu ngày nên đã dùng lá lộc mại để nấu canh chữa táo bón theo kinh nghiệm dân gian. Sau khi ăn canh lá lộc mại chữa táo bón 2 ngày thì trẻ có biểu hiện: mệt mỏi nhiều, không ăn uống được, da vàng toàn thân, niêm mạc nhợt nhạt, đi tiểu ra máu đỏ sẫm.
Ngay lập tức, gia đình vội đưa con đến bệnh viện.
BS CKI. Nguyễn Thúy Dung, Phó trưởng khoa Tiêu hóa – Máu cho biết sau khi khám lâm sàng và xét nghiệm cho thấy trẻ có dấu hiệu tan máu cấp tính và thiếu máu nặng phải truyền máu cấp cứu. Sau một tuần được các bác sĩ điều trị tích cực, truyền máu, truyền dịch, lợi tiểu, hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.
Đây là một trong nhiều trường hợp tan máu cấp do ăn lá lộc mại để điều trị táo bón mà khoa đã điều trị.
Theo infonet
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!