Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM thông tin, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho một bé gái 3 tuổi ăn nhầm cơm trộn thuốc chuột do bà nội trộn sẵn để bẫy chuột.
Thông tin vụ việc bé gái 3 tuổi ăn nhầm cơm trộn thuốc chuột
Bé T.M.T. đã được chuyển viện từ Đồng Tháp lên Bệnh viện Nhi đồng TP với chẩn đoán theo dõi ngộ độc thuốc diệt chuột Racumin. Ngay sau khi bé gái ăn nhầm cơm dùng để bẫy chuột, bé đã được người nhà phát hiện, móc cổ họng gây nôn.
Bệnh nhi được rửa dạ dày kịp thời và cho uống than hoạt tính để hấp thu bài trừ độc tố, sau đó được kiểm tra ổn định chức năng cơ, tim, gan, thận, não…
Do được phát hiện sớm, độc tố thuốc chuột không đủ ức chế hay biến đổi tri giác nhưng vẫn gây ra hoảng loạn tinh thần cho bé. Bệnh nhi luôn la khóc mỗi khi thấy người nhà hay điều dưỡng đến bơm than hoạt hay rửa dạ dày.
Hiện bệnh nhi đã được trấn an tâm lý, vui cười trở lại, tình hình sức khỏe ổn định.
Bé gái ở Quảng Ninh uống nhầm thuốc chuột
Sự việc xảy ra khi cháu Ng.H.A. (5 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) vô tình thấy lọ thuốc diệt chuột màu hồng bắt mắt đã cắn ra uống thử. Sau đó bé gái có biểu hiện đau miệng và nôn ra thức ăn. Rất may gia đình đã phát hiện ra và đưa trẻ tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều và chuyển tiếp lên bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.
Ngay sau khi tới cơ sở y tế cháu bé được tiến hành rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính và theo dõi tại Khoa Nhi Bệnh viện. Hiện, sức khỏe của Ng.H.A đã ổn định.
Trẻ cấp cứu do uống nhầm hóa chất
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận một trường hợp trẻ Ng. Th.Ph. 2,5 tuổi, nam, ngụ tại Tiền Giang, trong tình trạng nôn ói, không thể ăn cơm cháo được. Bệnh sử ghi nhận trẻ chơi trong sân vườn trước nhà, sau đó khát nước chạy vào nhà lấy chai trà xanh chứa acid sunfuric loãng (H2SO4) để trên bàn để uống. Sau khi uống trẻ ho sặc sụa và nôn ra dịch hóa chất vừa uống. Người nhà phát hiện đã cho trẻ uống nước súc miệng, sau đó trẻ không có biểu hiện gì.
Sau 2 ngày trẻ ăn cơm, nôn sau ăn, mẹ cho trẻ ăn cháo được, nhưng thỉnh thoảng nôn ra và đau rát vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn) nên được đưa đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Kết quả cho thấy thực quản, dạ dày bình thường nhưng vùng môn vị sưng đỏ, chít hẹp, khó đặt ống thông đi qua nên phối hợp bác sĩ ngoại khoa đặt ống thông qua da vào dạ dày, luồn qua chỗ hẹp môn vị, xuống ruột non để dinh dưỡng cho trẻ và giữ môn vị không bị chích hẹp thêm.
Hiện trẻ tỉnh táo, được các bác sĩ dinh dưỡng cho chế độ ăn thích hợp qua ống thông này và tiếp tục theo dõi trẻ, nội soi tiêu hóa đánh giá tổn thương hẹp vùng môn vị để quyết định nong chỗ hẹp, giúp bảo tồn môn vị cho trẻ sau này.
Chuyên gia y tế cho biết, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt chuột, diệt cỏ và các loại thuốc độc có màu sắc bắt mắt, hình thù giống kẹo và có mùi thơm nên trẻ em rất dễ nhầm tưởng là đồ ăn được. Vì vậy các bậc phụ huynh lưu ý, hướng dẫn con phân biệt. Khi phát hiện trẻ đã uống nhầm thì nên đưa trẻ tới bệnh viện để xử lý sớm nhất vì các chất độc này rất dễ gây ra ngộ độc tuần hoàn, thần kinh và tổn thương hô hấp, tuần hoàn và có thể tử vong.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!