Bé 3 tháng chưa cứng cổ có sao không? Các chuyên gia nhi khoa khuyên ba mẹ nên kết hợp với các dấu hiệu phát triển thể chất khác của bé mới có thể nhận biết trẻ có thực sự chậm phát triển hay không.
Các mốc phát triển kĩ năng bé 3 tháng cần đạt được
Bước sang tháng thứ 3, bé sơ sinh của ba mẹ đã có những phát triển vượt bậc về thể chất cũng như nhận thức.
Ở tháng này, trung bình một bé trai sẽ dài 58,4 – 67,6cm; nặng 5,4 – 8,5kg; trong khi bé gái dài tầm 57,2 – 66cm và nặng 5 – 7,8kg. Cũng trong thời gian này, xương của trẻ phát triển tương đối khỏe và dần trở nên cứng cáp hơn.
Các mốc phát triển kĩ năng thông thường mà bé 3 tháng cần đạt được gồm:
- Nhìn vào mặt khoản cách gần rất chăm chú
- Nhìn theo các vật chuyển động
- Nhận ra các vật thể và người quen thuộc ở khoảng cách xa
- Bắt đầu sử dụng tay và mắt phối hợp
- Nhận rõ nụ cười với giọng nói của mẹ
- Bắt đầu bắt chước một số âm thanh
- Quay đầu về hướng âm thanh
- Ngóc đầu dậy hoặc có thể lẫy được
Bé 3 tháng chưa cứng cổ có sao không?
Thông thường hầu hết trẻ sẽ cứng cáp cổ ở tháng thứ 2-tháng thứ 3 bởi đây là điều kiện phát triển thể chất đầu tiên giúp trẻ nhận diện âm thanh và các vật chuyển động xung quanh mình. Từ đó bé mới có thể phát triển các giác quan đồng thời tạo tiền đề để trẻ lật người.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhi khoa đều cho rằng, các mốc phát triển của trẻ sơ sinh không hoàn toàn lúc nào cũng như nhau. Ba mẹ cần kết hợp với các yếu tố khác mới có thể kết luận được là bé bị chậm phát triển thực sự hay chưa đến mốc kĩ năng của bé mà thôi.
Do đó, với câu hỏi bé 3 tháng chưa cứng cổ có sao không, ba mẹ nên theo dõi các biểu hiện khác của bé như:
– Bé có xoay người khi nghe thấy tiếng động.
– Con có cố gắng rướn người lên để với lấy đồ vật
– Cổ bé có xoay được theo nhiều hướng.
Nếu bé không có ít nhất các biểu hiện vận động cần thiết như trên thì mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn là tốt nhất.
Trẻ chưa cứng cổ thế nào là bình thường?
Mặc dù cổ bé chưa cứng cáp nhưng bé vẫn có phản ứng xoay đầu và cố gắng vươn đầu (dù không lâu) thì hầu hết chỉ là bé chưa đến thời điểm thể chất đủ hoàn thiện để con thực hiện kĩ năng này mà thôi.
Ở một số trẻ cân nặng lớn (đầu quá to) hay bé nằm quá nhiều, con ít được bế ẵm ở tư thế vác hoặc được tập các bài tập thể chất thì bé thường có xu hướng chậm vận động như lâu biết lẫy, biết ngồi, … Với những trẻ này, ba mẹ hoàn toàn có thể giúp bé cứng cáp hơn với các động tác thể dục và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Cách giúp bé 3 tháng cứng cổ nhanh
Để giúp cổ bé nhanh cứng cáp, ba mẹ nên thường xuyên cho trẻ được vận động với các bài tập phù hợp. Trong đó 2 hoạt động dễ thực hiện nhất là tập nằm sấp và bế trẻ đi dạo.
Tập cho bé nằm sấp là một hoạt động quan trọng được nhiều chuyên gia trẻ em khuyên cha mẹ nên thực hiện trong 3 tháng đầu đời của trẻ. Bé nằm sấp thường xuyên sẽ sớm cứng cáp và có thể nhấc cổ lên để tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Từ 0-3 tháng tuổi, thời gian thức của trẻ sơ sinh còn khá ngắn (20-45 phút). Có thể tranh thủ những lúc con tỉnh táo nhất để tập cho con thực hiện động tác này.
Nếu cho bé tập nằm sấp, cha mẹ có thể đặt thêm các món đồ chơi mềm, sạch sẽ với nhiều màu sắc, tiếng động trước mặt trẻ như quả bóng vải, lục lạc, sách vải, v.v. Các đồ chơi này sẽ kích thích phản xạ cầm nắm, giúp bé tập với và dựng cổ linh hoạt, cứng cáp hơn.
Ngoài ra, hàng ngày ba mẹ nên bế bé trong tư thế vác hoặc tư thế ôm bóng (giữ cổ và bụng bé, mặt con hướng ra phía trước) rồi cho bé đi dạo chơi quanh nhà. Bé không những được khám phá thế giới bên ngoài, giúp thị giác phát triển mà cổ con cũng sẽ sớm cứng cáp hơn.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!