Bé 1 tháng tuổi đã lớn hơn rất nhiều và cũng bắt đầu hiểu chuyện hơn so với ngày bé mới chào đời. Một số biểu hiện của bé có thể khiến bố mẹ lo lắng. Và đây là các giải đáp thắc mắc từ bác sĩ nhi giúp bố mẹ chăm bé dễ dàng hơn:
- Sự phát triển của bé 1 tháng tuổi
- Bé hay quấy khóc vào chiều tối
- Con rặn ị đến đỏ mặt và vặn mình rất ghê
- Có cần thiết lập lịch sinh hoạt cho bé không?
- Dấu hiệu bất thường về sức khỏe của bé
- Làm gì khi con bị hăm tã?
- Có nên cho bé ra ngoài dạo chơi không?
- Con hay giật mình có sao không?
Sự phát triển của bé 1 tháng tuổi
Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết, trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi sẽ có các đặc điểm sau:
- Trẻ sơ sinh có cân nặng trung bình từ 2,8-3,2kg. Bé có thể tăng 1-1,2kg trong tháng đầu tiên. Mẹ nên lập biểu đồ theo dõi cân nặng hàng tháng của bé.
- Chiều dài trung bình của bé vào khoảng 48-50cm, bé có thể tăng 3,5cm mỗi tháng trong 3 tháng đầu
- Bé thường ngủ nhiều, có thể tới 22-23 giờ/ngày
- 1 số hiện tượng sinh lý ba mẹ có thể gặp ở trẻ 1 tháng tuổi là vàng da sinh lý, đỏ da sinh lý, bong da, sụt cân trong khoảng 7-10 ngày đầu, rụng rốn, thân nhiệt không ổn định
- Trẻ cũng đã có thể nghe được tiếng động, tiếng nói to của mọi người, con nhận biệt được mùi sữa mẹ, biết đau khi tiêm, đã có thể nhìn mẹ…
Mẹ có thể quan tâm:
Bé 1 tháng tuổi biết làm gì? Ba mẹ nên làm gì để giúp con phát triển các giác quan?
1. Cứ đến chiều tối là bé 1 tháng tuổi lại quấy khóc?
Có một điều mẹ cần yên tâm rằng hiện tượng này sẽ đỡ hơn khi bé bước vào tháng thứ 4 và dần hết vào tháng thứ 6 khi con đã hoàn toàn thích nghi được với môi trường bên ngoài bụng mẹ.
Có nhiều nguyên nhân làm trẻ quấy khóc (Nguồn ảnh: unsplash)
Tuy thế, phải nghe tiếng khóc của con trong một khoảng thời gian là điều không phải bà mẹ nào cũng làm được. Vừa xót con lại vừa lo lắng cho sức khỏe của con sẽ khiến mẹ dễ xì trét. Nếu bé có hiện tượng quấy khóc này, mẹ nhớ:
- Nhờ người thân giúp chăm bé.
- Có thể địu con ra ngoài để con thấy dễ chịu hơn.
- Vỗ về, bế vác và nựng nịu bé.
- Mát xa hoặc thì thầm, cho bé ngâm người trong nước ấm.
- Cho bé mút mát ti mẹ hoặc ti giả.
Và cuối cùng là mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi để giai đoạn này qua đi.
2. Con rặn ị đến đỏ mặt tía tai và vặn mình rất ghê?
Hiện tượng này xuất hiện phổ biến khi trẻ trong giai đoạn 0-2 tháng tuổi. Cơ thể con chưa quen với việc tè, ị. Các cơ đang dần dần học cách để điều khiến chúng nên đôi khi con rặn mà không ị một chút nào cả. Vì vậy mẹ cũng đừng lo lắng quá.
Nếu thấy bé rặn lâu, mẹ có thể xoa bụng để giúp con đi ngoài dễ chịu hơn và giảm bớt các cơn vặn người.
3. Có cần thiết phải lập lịch sinh hoạt cho bé 1 tháng tuổi không?
Thời gian phần lớn của con là ăn và ngủ, vậy cứ theo nhu cầu của con là tốt nhất? Nhưng các chuyên gia trẻ em khuyên rằng, việc cần thiết khi chăm sóc bé 1 tháng tuổi đối với bố mẹ là giúp bé điều chỉnh đồng hồ sinh học, nghĩa là dạy con cách phân biệt ngày đêm.
Khi tập cho bé đâu là buổi sáng (cần dậy sớm, thấy ánh nắng mặt trời, nghe tiếng ồn), đâu là tối (đi ngủ sớm khi ánh mặt trời lặn, không gian giảm ánh sáng và yên tĩnh) sẽ giúp con dần thích nghi tốt hơn cũng như giảm quấy khóc. Sau này bé cũng dễ ăn ngủ theo nề nếp, nhờ đó mà con phát triển tốt cả về não bộ và thể chất.
Em bé 1 tháng tuổi vẫn ngủ khá nhiều (20-22 tiếng) (Nguồn ảnh: unsplash)
4. Có cách nào để giúp bố mẹ nhận biết sức khỏe của bé 1 tháng tuổi có dấu hiệu bất thường?
Rất đơn giản. Mỗi khi thay bỉm tã cho bé, mẹ đừng quên quan sát màu sắc và hình dạng phân của bé. Nếu thấy phân con có máu đỏ, đen hoặc trắng thì cần gói bỉm lại và đưa bé đi khám càng sớm càng tốt. Đó là vì:
- Phân màu đỏ: Dấu hiệu ruột chảy máu hoặc là nguy cơ cảnh báo về xoắn ruột.
- Thấy phân có màu đen: Rất có thể dạ dày hoặc ruột non của bé đang có vấn đề.
- Phân màu trắng: Đặc trưng của bệnh tiêu chảy. Triệu chứng này thường đi kèm với biểu hiện nôn trớ.
Mẹ có thể quan tâm:
14 hoạt động thể chất tuyệt vời dành cho bé 2 tháng tuổi nhanh cứng cáp, hóng chuyện giỏi
5. Em bé 1 tháng tuổi của bố mẹ có dấu hiệu bị hăm tã?
Trong khoảng thời gian này, các bé tè ị khá nhiều (8-10 lần/ngày). Chính vì thế nếu chưa kịp thay tã ướt thì nguy cơ bị hăm tã của con là rất cao. Do đó, khi chăm bé, mẹ cần quan sát thường xuyên và hãy thay rửa ngay cho con khi thấy bé đã tè ị. Dù là són một ít thôi thì vẫn phải thay chứ không nên vì tiếc cái tã mà có thể khiến con bị hăm tã nặng hơn.
6. Có cần thiết phải cho em bé 1 tháng tuổi ra ngoài dạo chơi không?
Những quan niệm về kiêng cữ trong cuộc sống đã có rất nhiều thay đổi. Giữ rịt bé trong phòng điều hòa hay phòng bật máy sưởi cả ngày, đóng kín cửa vì sợ gió lùa con bị ốm không phải là cách tốt đối với hệ miễn dịch của bé.
Con cần được tiếp xúc với môi trường bên ngoài để hỗ trợ mạch máu co giãn tốt hơn khi có thay đổi của nhiệt độ môi trường. Đây là cách rất hiệu quả để bé tập thích nghi với môi trường sống mới. Mẹ chỉ cần lưu ý cách ăn mặc sao cho phù hợp với thời tiết là có thể dẫn bé dạo chơi bên ngoài là được rồi.
Có nên cho trẻ 1 tháng tuổi ra ngoài chơi? (Nguồn ảnh: unsplash)
Những hôm mưa gió hay trời lạnh, mẹ cũng nên bế bé đi quanh nhà. Để con được nhìn ngắm đồ vật, lắng nghe các âm thanh diễn ra xung quanh mình cũng là cách tuyệt vời để kích thích các giác quan đầu đời của bé.
7. Động nghe thấy tiếng gì con cũng giật mình thì có sao không?
Mẹ đừng lo lắng mà vội vàng đóng chặt cửa hãy giữ con ở rịt một nơi. Trẻ cần được làm quen với âm thanh tiếng động vào ban ngày để giúp con không quá nhút nhát sau này lại thích nghi với môi trường mới nhanh hơn.
Nếu con giật mình trong lúc ngủ, mẹ đừng quên quấn bé, nhờ đó bé sẽ ngủ sâu giấc hơn.
Nguồn tham khảo: Parenting Guide của bác sĩ Takachi Igarashi, Sự phát triển của bé trong 1 tháng đầu tiên sau sinh – Vinmec
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!