Dù quá trình mang thai của các mẹ thường được ví von là “9 tháng 10 ngày” nhưng hiếm khi nào các bé chịu ra đời đúng lịch. Vậy mẹ bầu con so thường sinh sớm hay muộn?
Mẹ bầu con so thường sinh sớm hay muộn?
Theo thống kê, hầu hết phụ nữ (khoảng 80%) sẽ sinh con trong khoảng từ 37 đến 42 tuần. Và có khoảng 11% sẽ sinh sớm hơn khoảng thời gian đó, tức là trước tuần thứ 37.
Em bé được sinh ra trong khoảng từ tuần 39 đến 41 tuần được xem là đủ ngày đủ tháng. Cụ thể, thời gian sinh con sẽ được định nghĩa và phân chia như sau:
- Trước 37 tuần: trẻ sinh non
- 37-38 tuần: trẻ sinh sớm
- 39-40 tuần: trẻ sinh đúng tháng
- 41 tuần: trẻ sinh cuối thời hạn
- Từ 42 tuần trở lên: trẻ sinh già tháng
Ở những mẹ mang thai lần đầu, do chưa có kinh nghiệm nên thường lo lắng khi sắp tới ngày sinh con. Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn tới việc sinh con sớm. Không ít các mẹ sinh con so vào tuần thứ 36.
Nếu rơi vào trường hợp này, bạn cũng đừng quá lo lắng. Ở tuần 36 hầu hết các bé đều đã quay đầu và ở vị trí thuận lợi để sinh thường. Phổi của bé cũng đã có đủ khả năng thích nghi với môi trường bên ngoài. Nên nếu mẹ có sinh sớm, bé cũng ít có nguy cơ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Giới tính em bé cũng có thể ảnh hưởng tới việc “bầu con so thường sinh sớm hay muộn”. Vì các mẹ mang thai bé gái sẽ sinh sớm hơn, trong khi mang thai bé trai, thời điểm sinh có thể muộn hơn so với ngày dự sinh một chút.
Ngoài ra, cân nặng, sức khỏe cũng như tinh thần của mẹ cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới sinh sớm.
Dấu hiệu chuyển dạ mẹ cần biết
Mẹ mang thai con so chắc hẳn sẽ lo lắng nhiều hơn mẹ đã từng sinh con 1 lần vì mẹ chưa có kinh nghiệm nhận biết dấu hiệu chuyển dạ. Vì vậy khi chuẩn bị đến ngày sinh, mẹ nên chú ý các dấu hiệu dưới đây.
Cảm thấy áp lực trên vùng chậu
Bạn có thể cảm thấy nặng nề hơn, di chuyển khó khăn hơn, luôn cảm thấy như có vật nặng đè lên vùng chậu của mình. Dấu hiệu này có thể xảy ra sớm nhất là từ 2-4 tuần trước khi chuyển dạ. Đó là do em bé của bạn đã di chuyển vào khung chậu để chuẩn bị ra đời.
Bong nút nhầy
Dấu hiệu này có thể xảy ra bất cứ khi nào từ một đến hai tuần hoặc chỉ vài giờ trước khi chuyển dạ – hoặc hoàn toàn không. Nút nhầy thật sự là một giọt chất nhầy đặc được tống ra ngoài qua ống cổ tử cung và âm đạo kèm theo cảm giác co thắt nhẹ.
Xuất hiện cơn gò Braxton Hicks (cơn co thắt giả)
Các cơn co thắt Braxton Hicks thường bắt đầu từ 3-4 tuần hoặc lâu hơn trước khi sinh. Đau thắt hoặc chuột rút bất thường. Chúng thường được cảm thấy ở bụng dưới, kéo dài vài giây và có thể tăng lên vào ban đêm hoặc khi tập thể dục. Không giống như các cơn gò chuyển dạ thực sự, các cơn co thắt giả không mạnh dần lên.
Vỡ ối
Túi ối còn được gọi là “túi nước” bao quanh em bé. Túi ối có thể vỡ sớm ở một số mẹ. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ thấy một dòng dịch ấm đột ngột chảy xuống chân mình. Đôi khi, vỡ ối cũng diễn ra từ từ khiến mẹ nhầm tưởng với hiện tượng rò rỉ nước tiểu thường gặp ở những tháng cuối thai kỳ. Nhưng nước ối thường trong suốt và không có mùi khai.
Cơn co thắt thật sự
Khi mẹ bắt đầu cảm thấy các cơn co thắt có cường độ, tần suất ngày càng tăng, đây chính là dấu hiệu chắc chắn của cơn chuyển dạ. Những cơn co này gây ra sự khó chịu đáng kể ở vùng thắt lưng hoặc bụng đến mức bạn không thể nói chuyện. Tần suất tăng lên cứ sau 1,5-3 phút, mỗi lần kéo dài 60-90 giây.
Có sự thay đổi ở dịch âm đạo
Máu hoặc chất lỏng rỉ ra từ âm đạo hoặc thay đổi dịch tiết có thể là dấu hiệu chuyển dạ sớm. Nếu dịch tiết có màu nâu, đó có thể là chất nhầy bảo vệ cổ tử cung của bạn khi mang thai. Gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn có triệu chứng này, bạn có thể đang vỡ ối hoặc rỉ ối.
Chuột rút
Bạn bị chuột rút liên tục giống như đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Kèm theo hoặc không kèm theo tiêu chảy. Đau lưng âm ỉ ở phần dưới lưng,…
Nếu bạn đang có triệu chứng nào trong các dấu hiệu chuyển dạ sớm, hãy tìm một nơi yên tĩnh để bạn có thể nằm xuống. Sau đó, bạn nên thư giãn, lấy lại hơi thở và chuẩn bị cho các bước tiếp theo.
Trong lúc nghỉ ngơi, bạn hãy uống một vài cốc nước lọc hoặc ít nước trái cây. Mất nước thường gây ra chuột rút và uống thêm có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu. Nhờ chồng hoặc người thân ngồi với bạn trong một giờ hoặc lâu hơn để giúp bạn theo dõi các triệu chứng chuyển dạ sớm. Nếu cơn đau nặng hơn hoặc không hết sau một giờ, hãy gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện.
Phải làm gì khi tới ngày dự sinh bạn vẫn chưa có dấu hiệu sắp sinh?
Các bác sĩ cũng có thể dự đoán ngày dự sinh khi thực hiện siêu âm đo kích thước thai nhi và túi thai. Nếu những con số này không khớp so với khi tính ngày dự sinh dựa vào ngày LMP (ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng), các bác sĩ có thể điều chỉnh ngày dự sinh của bạn. Tuy nhiên, hầu hết các bé đều không ra đời đúng lịch.
Sinh con so thường sinh sớm hay muộn hơn ngày dự sinh, chịu tác động bởi nhiều lý do. Mẹ cũng cần lưu ý khi đã qua ngày dự sinh mà bé vẫn chưa chịu ra. Bạn cần liên hệ với bác sĩ để có thêm tư vấn cụ thể và có những phương án giải quyết cần thiết.
Ngày dự sinh chỉ là một con số ước lượng, các bé có thể ra đời trước hoặc sau ngày này. Thông thường, các mẹ nên bắt đầu mua sắm chuẩn bị phòng cho trẻ từ tháng thứ 6 và chuẩn bị đồ đi sinh từ tháng thứ 8. Chủ động chuẩn bị mọi thứ trước thời điểm sinh một tháng sẽ giúp mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân nhiều hơn.
Chúc mẹ và bé “mẹ tròn con vuông” nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!