Bầu 36 tuần đau bụng dưới là triệu chứng khá phổ biến, có thể bắt nguồn từ lý do sinh lý hoặc là dấu hiệu cảnh báo sinh non, nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Sự phát triển của thai nhi tuần 36
- Những thay đổi của cơ thể mẹ bầu trong tuần thứ 36
- Nguyên nhân mẹ bị đau bụng dưới ở tuần 36
- Khi nào bầu 36 tuần đau bụng dưới trở nên nguy hiểm?
Sự phát triển của thai nhi tuần 36
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Xuân Minh – Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết, ở tuần thai này, bé đã dài khoảng 53cm và nặng khoảng 2,6kg. Con ngày càng tròn trĩnh và không còn nhăn nheo như các tháng trước đó. Phần đầu của bé cũng thường đã lọt xuống xương chậu của mẹ.
Mặc dù xương của bé đang cứng dần, phần sọ vẫn còn mềm cho đến khi sinh.
Những thay đổi của cơ thể mẹ bầu trong tuần thứ 36
Để an tâm hơn về tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, bà bầu nên trang bị một lượng kiến thức cụ thể về những thay đổi của cơ thể trong thời gian này, đặc biệt là dấu hiệu đau lâm râm ở bụng dưới.
- Mẹ bầu 36 tuần đối diện với nhiều thay đổi
- Khi em bé phát triển to và chiếm quá nhiều chỗ trong tử cung, bà bầu tuần 36 có thể gặp không ít khó khăn trong vấn đề ăn uống
- Do bắt đầu có hiện tượng bụng tụt xuống ở tuần thai thứ 36, người mẹ sẽ cảm thấy áp lực ở bụng dưới tăng lên. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong việc đi bộ, sinh hoạt nói chung
- Thai phụ bị sa bụng có thể phải đi tiểu nhiều hơn và thường xuyên hơn
- Các cơn co thắt chuyển dạ “giả” thường xảy ra với tần suất nhiều hơn và mức độ nặng hơn
- Do tâm trạng lo lắng, căng thẳng, suy nghĩ nhiều về chuyện sinh con sắp tới, nhiều mẹ bầu cũng sẽ gặp phải tình trạng mất ngủ thường xuyên.
Nguyên nhân mẹ bị đau bụng dưới ở tuần 36
Khi thai phụ quá lo lắng hay căng thẳng hoặc do thai nhi đã lớn chèn vào vùng xương chậu sẽ thường xuyên gây tức hoặc đau bụng trong khoảng thời gian ba tháng cuối. Đây là những trường hợp không phải lo lắng.
Tuy nhiên, đau bụng dưới khi mang thai tháng cuối cũng có thể là dấu hiệu của những bất thường thai kỳ cần khám và theo dõi, chẳng hạn như:
Cơn gò Braxton Hicks (đau đẻ giả)
Phụ nữ mang bầu tháng cuối thường thấy sự xuất hiện cơn gò Braxton Hicks – thường diễn ra trong một giờ. Cơn gò này có thể co thắt, thường gọi là cơn đau đẻ giả và không thường xuyên, không theo chu kỳ. Cơn gò Braxton Hicks có thể bị kích thích nếu mẹ hoạt động quá mạnh.
Dấu hiệu sắp sinh khi bầu 36 tuần đau bụng dưới
Không giống như cơn gò Braxton Hicks, nếu mẹ thấy cơn đau bụng thường xuyên, kèm rò nước ối, bong nút nhầy và đau lưng, rất có thể đó là dấu hiệu chuyển dạ, mẹ cần đến bệnh viện ngay.
Bong nhau non
Nhau bong xảy ra khi nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước khi mẹ chuyển dạ, trước khi em bé sinh ra. Lúc này, mẹ sẽ nhận thấy triệu chứng đau bụng kèm chảy máu vùng kín, đau lưng, co thắt mạnh… Nhau bong non là trường hợp rất khẩn cấp, cần cấp cứu kịp thời vì có thể đe dọa đến tính mạng. Khi nhận thấy dấu hiệu, mẹ cần đến bệnh viện ngay.
- Có nhiều nguyên nhân làm mẹ đau bụng dưới
Bầu 36 tuần đau bụng dưới vì nhiễm trùng đường tiết niệu
Đau bụng tháng cuối thai kỳ có thể là dấu hiệu mẹ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Những dấu hiệu của triệu chứng này có thể là đau bụng dưới, nóng rát khi đi tiểu, tiểu thường xuyên nhưng lượng nước tiểu ít, nước tiểu mùi lạ… Nếu bệnh nặng, mẹ bầu còn có thể bị sốt, ớn lạnh, đau bụng nặng, đi tiểu ra mủ hoặc ra máu. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây sinh non vì vậy cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Khi nào bầu 36 tuần đau bụng dưới trở nên nguy hiểm?
Tuy thai 36 tuần đau bụng lâm râm không phải là triệu chứng quá nguy hiểm, tuy nhiên với những mẹ đang mang thai tháng cuối, khi gặp các trường hợp sau phải nhanh chóng được đưa tới các cơ quan y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn:
- Đau bụng trên dữ dội, đặc biệt nếu đau ở bên phải hoặc nếu đau không thể chịu được
- Đau bụng kèm theo chảy máu âm đạo
- Các cơn co thắt xảy ra đều đặn
- Đau bụng và sốt
- Các triệu chứng của huyết áp cao, chẳng hạn như chóng mặt, khó thở, đau đầu hoặc mệt mỏi nhiều
- Ngứa, vàng da hoặc vàng mắt, nôn.
- Mẹ phải đi khám ngay nếu thấy bất thường
Ngoài ra, ở giai đoạn này mẹ bầu thường cảm thấy lo lắng, rất dễ trầm cảm, sức đề kháng suy giảm. Cần bổ sung các loại thực phẩm nhiều vitamin, khoáng chất… thực phẩm cần chế biến dễ tiêu, tập luyện một số bài tập bổ trợ nhẹ nhàng nhằm tăng cường sức khỏe.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!