Trong thời gian thai kỳ, bà bầu mệt mỏi chán ăn là tình trạng thường gặp. Vậy mẹ làm sao để cải thiện tình hình, giúp thai nhi phát triển tốt nhất?
- Nguyên nhân khiến bà bầu mệt mỏi chán ăn
- Những triệu chứng mệt mỏi thường gặp trong thai kỳ
- Dấu hiệu bà bầu cần cảnh giác
- Cách xử lý khi bà bầu bị mệt mỏi chán ăn
Khi bắt đầu mang thai là cơ thể của mẹ đối diện với nhiều thay đổi khác nhau, diễn ra trong suốt hơn 9 tháng thai kỳ. Việc bà bầu mệt mỏi chán ăn cũng rất hay gặp. Bài viết này sẽ giúp mẹ tìm hiểu kỹ hơn nhé.
Nguyên nhân khiến bà bầu mệt mỏi chán ăn
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bà bầu mệt mỏi chán ăn, và biểu hiện khác nhau theo từng giai đoạn mang thai. Cụ thể như:
- Do sự thay đổi hormone khi mang thai. Đặc biệt là thời gian đầu thai kỳ. Mẹ không chỉ cảm thấy uể oải, ăn không ngon miệng, buồn nôn, nhạy cảm hơn…
- Mẹ bị ốm nghén trong 3 tháng đầu. Một số mẹ bầu ốm nghén mùi hoặc đột nhiên sợ một món ăn nào đó, thậm chí là cả món mà trước kia mẹ rất yêu thích.
- Các vấn đề về sức khỏe mà mẹ có thể gặp phải như hạ đường huyết, suy nhược cơ thể do ăn uống kém, các bệnh lý về tiểu đường, dị ứng, cao huyết áp, phù nề…
- Do cơ thể thay đổi cơ thể như bụng bầu to hơn, các chứng đau lưng, đau dây chằng, tăng cân khi mang thai, thai nhi đạp nhiều…
- Tâm trạng của mẹ không ổn định.
Tình trạng bà bầu mệt mỏi chán ăn là thường gặp trong thai kỳ
Những triệu chứng mệt mỏi thường gặp trong thai kỳ
Vì những sự thay đổi cơ thể kể trên mà mẹ bầu có thể gặp một số triệu chứng mệt mỏi dưới đây:
- Cảm giác mệt mỏi, uể oải, làm việc kém năng suất và khó tập trung, tâm trạng tiêu cực…
- Các triệu chứng buồn nôn, nôn ói… khiến mẹ bầu chán ăn và cũng ảnh hưởng đến việc ngủ, nghỉ ngơi của mẹ.
- Những dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, choáng váng… liên quan tới sự lưu thông máu trong cơ thể mẹ.
- Mẹ hay bị khó ngủ, mất ngủ, tâm trạng cáu gắt và mệt mỏi kéo dài sang cả ngày hôm sau.
- Các vấn đề về tiêu hóa như táo bón thai kỳ, đầy bụng, ợ nóng…
- Hiện tương sưng vù tay chân xuất hiện vào những tháng cuối của thai kỳ. Mẹ bầu cũng cần thận trọng vì có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp hay thậm chí là nguy cơ tiền sản giật.
- Bà bầu hay bị đau lưng hơn do thai nhi chèn ép khung xương, kéo dãn các cơ.
- Một số triệu chứng khó chịu khác mà mẹ có thể gặp như rạn da, viêm mũi, khó thở, ra mồ hôi… cũng đủ khiến bà bầu mệt mỏi rồi.
Ốm nghén sẽ ảnh hưởng tới việc ăn uống, khiến mẹ bầu dễ chán ăn
Những dấu hiệu mà mẹ bầu cần cảnh giác
Một số mẹ cứ xem việc bà bầu mệt mỏi chán ăn là chuyện thường gặp. Nhưng đôi khi đó cũng là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về sức khỏe. Nếu như mẹ thấy có các dấu hiệu bất thường dưới đây thì mẹ hãy đi khám bác sĩ:
- Bà bầu bị đau đầu, thị lực giảm xuống, đau vùng sườn bên phải… Đây là dấu hiệu của tiền sản giật nên mẹ cần đi khám ngay nhé.
- Mẹ bị nghén nặng, nghén kéo dài, ảnh hưởng chuyện ăn uống thì nên khám bác sĩ. Tránh để việc cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi bị ảnh hưởng.
- Cơn mệt mỏi kéo dài, ra máu âm đạo, đau bụng bất thường.
- Mẹ bị khó thở, tức ngực, cử động thai yếu hoặc bất thường.
- Khó thở kéo dài, thở dốc kéo dài.
- Mẹ bị căng thẳng hay lo âu quá mức cũng nên đi khám, tránh chứng trầm cảm khi mang thai.
Cách xử lý khi bà bầu mệt mỏi chán ăn
Tình trạng bà bầu mệt mỏi chán ăn dù là thường gặp nhưng nếu như kéo dài thì sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt cho mẹ và thai nhi. Do đó mẹ cần lên kế hoạch hợp lý điều chỉnh lại tình trạng này.
Chế độ ăn uống hợp lý
Việc thay đổi chế độ ăn uống sao cho phù hợp cũng giúp mẹ có thêm năng lượng, chống lại tình trạng mệt mỏi chán hay trong thai kỳ. Mẹ chú ý ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng khác nhau. Uống đủ nước để tránh mệt mỏi, cải thiện ốm nghén. Mẹ cũng nên tránh các loại thực phẩm nặng mùi hay dễ buồn nôn. Tránh dùng nhiều gia vị.
Đừng quên chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa hơn. Không bỏ bữa, ăn thêm các thực phẩm chứa chất đạm và tinh bột để giữ đường huyết ổn định. Mẹ cũng chú ý ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây để bổ sung thêm vitamin cho cơ thể.
Bà bầu mệt mỏi chán ăn nên nghỉ ngơi điều độ
Tránh việc mệt mỏi thì mẹ hãy ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Không làm việc nặng và cũng không nên để tinh thần bị căng thẳng quá mức. Thư giãn và giữ thái độ lạc quan, tích cực.
Tập thể dục đều đặn
Nếu sức khỏe cho phép thì mẹ đừng quên việc tập thể dục thường xuyên. Các bài tập như đi bộ, bơi, yoga… sẽ giúp cơ thể của mẹ khỏe khoắn hơn và tốt cho tinh thần nữa nhé.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!