Ngày 9/1, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 59 tuổi (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch vì bỏ điều trị bệnh đái tháo đường và chuyển sang ăn thực dưỡng chữa bệnh.
Tử vong sau 4 ngày nhập viện
Gia đình bệnh nhân cho biết cách đây 2 năm, bệnh nhân phát hiện bị đái tháo đường và phải uống thuốc điều trị bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân bỏ thuốc không điều trị và chuyển qua ăn thực dưỡng với gạo lứt, muối mè và sữa hạt.
Theo bác sĩ điều trị cho nữ bệnh nhân nói trên, trước đó, bệnh nhân được người quen tư vấn chỉ cần ăn thực dưỡng và ngồi thiền là khỏi bệnh.
Tuy nhiên sau 2 tháng thực dưỡng bằng việc chỉ nhai gạo lứt, uống sữa hạt và ngồi thiền, bệnh nhân giảm 7 kg và phải nhập viện cấp cứu.
Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng suy kiệt, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhân được cho thở máy và lọc máu liên tục, tổn thương gan nặng nề. Men gan cao đến hàng nghìn đơn vị.
Dù được điều trị tích cực, bệnh nhân đã không qua khỏi sau 4 ngày điều trị tích cực.
Đã có nhiều trường hợp nguy kịch vì ăn thực dưỡng chữa bệnh
Các bác sĩ cũng cho biết hiện nay, trào lưu thực dưỡng trong điều trị ung thư lại nở rộ trên mạng xã hội, không ít người coi thực dưỡng là cách chữa bệnh không dùng thuốc, phẫu thuật không dùng dao. Tuy nhiên, các cơ sở y tế đã ghi nhận nhiều trường hợp nguy kịch vì chế độ ăn này.
Trước đó, Viện Tim mạch Việt Nam cấp cứu và đặt stent cho bệnh nhân 58 tuổi bị hẹp động mạch vành. Trước khi nhập viện, bệnh nhân áp dụng chế độ ăn chay gạo lứt, muối vừng theo liệu trình kéo dài 45 ngày được lan truyền trên mạng xã hội.
Khi thực hiện ăn chay đến ngày thứ 41, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau ngực trái, giảm ý thức, phải nhập viện cấp cứu.
Chế độ ăn thực dưỡng nguy hiểm thế nào?
Những thành phần thực phẩm trong thực dưỡng như ngũ cốc nguyên cám và rau củ về cơ bản là tốt cho sức khỏe. Một số người cho rằng chế độ ăn uống đặc biệt như thực dưỡng có thể tự chữa hoặc kiểm soát ung thư.
Tuy nhiên, hiện chưa có một bằng chứng lâm sàng nào chứng minh chế độ ăn thực dưỡng là hữu ích cho những người mắc bệnh ung thư hoặc một số các bệnh khác. Không có thực phẩm đặc biệt, chế độ ăn kiêng hoặc bổ sung vitamin và khoáng chất nào được chứng minh để làm điều này.
Chế độ ăn thực dưỡng có thể dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng do hạn chế ăn sản phẩm từ động vật, dẫn đến suy nhược cơ thể cho người áp dụng. Mức nguy hiểm nghiêm trọng hơn đối với những người mắc bệnh ung thư, cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và tăng mức calo.
Chế độ ăn uống thô của thực dưỡng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư. Chế độ ăn quá ít calo khiến bệnh nhân có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nặng hơn. Từ đó, giảm chức năng miễn dịch của người bệnh.
Hiệp hội Ung thư Mỹ và Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh đều khuyên không nên áp dụng chế độ ăn này cho người bệnh nan y, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú vì chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai nhi.
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết tình trạng dinh dưỡng kém và giảm cân có thể gây ra sự chậm trễ trong kế hoạch điều trị cho người bệnh ung thư. Bệnh nhân ăn thực dưỡng chữa bệnh càng tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng tỷ lệ biến chứng, giảm chất lượng sống và tử vong sớm hơn.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!