Sâu thẳm trong tâm trí con, những phản kháng của tuổi chập chững bắt nguồn từ nỗi “cô đơn” trước vô số cảm xúc con không thể nói thành lời với bố mẹ. Xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 đến 6 cần dựa trên nền tảng tâm lý này.
Koh Shichida, nhà tâm lý học nổi tiếng của học viện Shichida, Nhật Bản nhận thấy, nhiều cha mẹ có con trong giai đoạn thay đổi tâm lý thường lựa chọn cách hành xử như mình đã từng được giáo dục thời nhỏ. Nếu cha mẹ từng bị quát mắng, đánh đòn thì rất dễ sử dụng lại cách này với con mình khi bướng bỉnh và ngược lại.
Vì vậy, thay đổi trong cách nhìn, bắt đầu sửa đổi từ chính bản thân cha mẹ là điều cần thiết trước khi hành động với các cơn ăn vạ, mè nheo, khủng hoảng của con trẻ.
Dưới đây là những thắc mắc phổ biến nhất mà bác sĩ Koh Shichida đã từng tư vấn cho bố mẹ có con trong giai đoạn này.
5 tình huống phổ biến về cách xử lý khủng hoảng tuổi lên 2-6 dành cho bố mẹ
Câu hỏi 1:
Con không chịu nghe bất kỳ lời sai bảo nào của bố mẹ. Càng mắng con càng phản đối nhiều hơn?
Bác sĩ Koh Shichida trả lời:
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có giai đoạn chống đối. Nhưng xin bạn hãy thay đổi góc nhìn rằng con đang bước vào thời điểm “muốn được tự mình làm”. Đây cũng là tín hiệu thông báo rằng trẻ đang phát triển tốt.
Thay vì ra lệnh, bố mẹ nên đổi cách nói thành nhờ bé làm việc gì đó. “Bim giúp mẹ vứt vỏ hộp sữa vào thùng rác hay túi ni lông nào?”, “Tít cởi áo hay cởi quần trước để đi tắm nhé?”. Bí quyết quan trọng là sai bảo theo cách để trẻ được thể hiện ý kiến của mình chứ không phải là để con chỉ trả lời có hay không.
Nếu bố mẹ quá giận, không thể kiểm soát được nữa, cần nhanh chóng lùi xa khỏi trẻ, bảo con “mẹ đi rửa tay tí nhé” rồi tìm nơi để bình tĩnh lại.
Câu hỏi 2: Nói bao nhiêu lần mà con vẫn không nghe. Có nên đánh con hay không?
Bác sĩ Koh Shishida trả lời:
Câu hỏi này có rất nhiều bố mẹ hỏi tôi. Về mặt nguyên tắc, việc đánh trẻ là điều không nên.
Trẻ thường ghi nhớ rằng bố mẹ đánh mình nên mình có quyền đánh người khác. Lâu dần còn khiến trẻ bị kìm nén cảm xúc chống đối, càng lớn sẽ càng khó dạy.
Vì thế, bố mẹ có thể thay bằng việc thể hiện buồn bã để cho trẻ hiểu làm thế là không nên.
Tuy vậy, trong chuyện dạy dỗ, việc tuyệt đối không đánh con có vẻ như khá khó khăn với nhiều cha mẹ. Vậy nên cần có sự thỏa thuận giữa bố mẹ và trẻ về hình phạt đối với trẻ khi con phạm lỗi.
Nếu không đánh là tốt nhất, nhưng trường hợp cần thiết (những lỗi nguy hiểm tới tính mạng, nói dối, …) thì chỉ nên tét vào mông hoặc bàn tay trẻ mà thôi.
Xử lý khủng hoảng tuổi lên 2-6 cần sự bình tĩnh từ bố mẹ
Câu hỏi 3: Thấy con nghịch ngợm, nhắc con là “Không được làm như thế!” thì con càng làm và lăn ra gào khóc, ăn vạ.
Bác sĩ Koh Shishida trả lời:
Trước tiên, nếu mắng hay nhắc nhở trẻ vào lúc này cũng không có tác dụng gì. Tốt nhất là hãy đợi cho trẻ khóc xong và hỏi xem trẻ đã bình tĩnh lại được chưa. Nếu trẻ cứ nhất quyết ngồi đấy không nhúc nhích thì nên đợi. Còn với các bé nhỏ thì có thể bế ra góc sạch sẽ, yên tĩnh hoặc về nhà. Khi nào trẻ hết khóc rồi thì có thể giải thích với con sau.
Thay đổi cách nói khi phát hiện trẻ đang có hành vi không đúng đắn.
– Chẳng hạn, nếu con giẫm lên sách hãy bảo trẻ “Sách là để đọc. Vì thế con phải bỏ chân ra khỏi sách”.
– Con xé sách. Hãy bảo trẻ “sách là để đọc chứ đừng xé” rồi đưa cho con báo cũ hoặc giấy bỏ đi và nói “cái này con có thể xé được”.
Bí quyết để “cấm” con là Không quát thác trẻ và cũng không được để mặc kệ trẻ làm. Hãy để trẻ biết giới hạn và cho trẻ một lựa chọn khác để thay thế.
Xử lý khủng hoảng tuổi lên 2-6 cần sự bình tĩnh của cha mẹ
Câu hỏi 4:
Con đòi mua bằng được một món đồ khi vào cửa hàng và không chịu bước ra khỏi chỗ đó chừng nào bố mẹ chưa đáp ứng.
Bác sĩ Shichida trả lời:
Không phải chỉ có đồ chơi mà bất kỳ thứ gì, nếu bố mẹ nhượng bộ một lần thì sẽ có những lần tiếp theo nữa.
Trước khi ra khỏi nhà, bố mẹ trao đổi với trẻ là “Hôm nay mình không mua đồ chơi nhé”. Nếu con giữ lời hứa, nên khen ngợi trẻ và nói rằng con sẽ được nhận quà vào những dịp đặc biệt như năm mới hoặc sinh nhật.
Nếu trẻ không chịu và vẫn gào khóc? Đừng tức giận, quát mắng trẻ vì không giữ lời hứa. Đơn giản là tiếp tục đi ra ngoài và đợi trẻ. Thường các bé không thấy bố mẹ sẽ tự động đi ra. Với trẻ ương bướng hơn, có thể bế con ra một góc sạch sẽ đợi cho con bình tĩnh trở lại.
Xử lý khủng hoảng tuổi lên 2-6 cần tình yêu thương và bình tĩnh của bố mẹ
Câu hỏi 5:
Mới mắng một tí mà con đã ngoạc mồm ra “Con ghét mọi người” hoặc quay ra đánh người khác?
Bác sĩ Koh Shichida trả lời:
Trẻ thể hiện điều này thường xuyên có thể là tín hiệu muốn thông báo “con cần bố mẹ quan tâm”. Do đó, quan tâm, ôm ấp, vuốt ve trẻ nhiều hơn nữa có thể cải thiện được tình trạng này.
Nếu gia đình có 2,3 con trở lên, bố mẹ cần cố gắng chia sẻ thời gian cho từng trẻ như trò chuyện, bế con khi bé khác không nhìn thấy.
Nếu con giận dữ, khóc lóc, đánh người khác, thay vì quát con là “Dừng lại”, bố mẹ cần cố gắng bình tĩnh và nói rằng “Con làm thế bố mẹ rất buồn”. Tập dần dần trẻ sẽ hiểu rằng bố mẹ thực sự yêu thương và muốn tốt cho bé. Nhờ đó mà tính cách con cũng không hung dữ nữa.
Phương châm mà cha mẹ cần nằm lòng cho việc xử lý khủng hoảng tuổi lên 2 hay các tuổi khác là “Bĩnh tĩnh, phớt lờ hành vi xấu, hướng sự chú ý của trẻ sang điều khác và dành thật nhiều tình yêu thương cho con”.
Theo The Asianparent Thái Lan và Bí quyết nuôi dạy trẻ 2-10 tuổi của bác sĩ Koh Shichida
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!