Tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh là các tuần phát triển tinh thần và kĩ năng của bé, đi kèm với đó là các cơn quấy khóc, mè nheo, đòi mẹ, … Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Tuần khủng hoảng ở trẻ sơ sinh – Khái niệm Wonder weeks mà ba mẹ cần biết
- Những tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh ba mẹ nhớ thuộc lòng
- Mẹo hay giúp ba mẹ cùng bé dễ dàng vượt qua tuần khủng hoảng
Khái niệm Wonder weeks mà ba mẹ cần biết
Nếu một ngày đẹp trời, khi em bé sơ sinh vốn đang ăn ngoan, ngủ ngoan của ba mẹ có những cơn quấy khóc dai dẳng, ngúng nguẩy trước bình sữa mà vài ngày trước đấy bé có thể mút hết veo trong 5 phút, bám mẹ nhằng nhẵng cả ngày, … thì rất có thể bé đang rơi vào tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh.
Khái niệm tuần khủng hoảng trẻ sơ sinh này được biết với tên gọi tiếng Anh là wonder weeks, dùng để chỉ các tuần phát triển tinh thần và kĩ năng của bé. Đây cũng là giai đoạn trẻ thường có những thay đổi nhảy vọt về kĩ năng thể chất và trí não.
Một bé sơ sinh sẽ phải trải qua tất cả 10 tuần khủng hoảng, nằm rải rác trong 2 năm đầu đời của trẻ. Mỗi một tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh thường gồm 2 giai đoạn là Storm (bão tố) và Sunny (nắng đẹp).
Giai đoạn Bão tố là bước khởi đầu để bé bắt đầu học hỏi các kỹ năng, sự phát triển mới, và lúc này bé sẽ trở nên CÁU GẮT, KHÓ CHỊU, BỎ ĂN, BỎ NGỦ, NHÕNG NHẼO, BÁM MẸ và mọi lịch ăn uống ngủ nghỉ của bé trở nên lộn tùng phèp.
Hết giai đoạn Bão tố là lúc bé sẽ học được kỹ năng mới, có sự nhận thức tốt hơn về thế giới xung quanh, và lúc này bé sẽ đi vào thời kỳ Nắng đẹp, mọi thứ trở lại như bình thường, bé của ba mẹ lại ngoan như chưa bao giờ khó chịu.
Khám phá thêm:
Những biểu hiện thường gặp báo hiệu con đang bước vào tuần khủng hoảng
Mỗi khi bước vào wonder weeks, bé sẽ có hàng loạt biểu hiện thể hiện sự “khó ở”, nó sẽ khác hẳn với thói quen sinh hoạt thường ngày của bé và tất nhiên là biểu hiện của mỗi bé sẽ khác nhau, có những cách báo hiệu cho mẹ biết con đang lớn khác nhau. Để biết con đang bước vào wonder weeks, mẹ hãy chú ý đến những biểu hiện thường gặp ở hầu hết các em bé trong giai đoạn này:
- Quấy khóc nhiều hơn so với bình thường, phần lớn là mẹ không thể biết con quấy vì lý do cụ thể nào.
- Khó vào giấc, ngủ giấc cực ngắn vào ban ngày và/hoặc dậy rất thường xuyên, dậy chơi hàng tiếng đồng hồ vào ban đêm thay vì ngủ.
- Lười bú/biếng ăn. Lượng ăn giảm ½ hoặc ⅓. Bé không chịu ti mẹ hoặc ti bình
- Đòi được bế cả ngày, bám mẹ/người chăm sóc không rời.
- Sợ người lạ.
- Bớt nghịch ngợm và nói chuyện ít hẳn đi
Bé sẽ vô cùng “khó ở” khi bước vào tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh
Những tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh ba mẹ nhớ thuộc lòng
Bảng 10 tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh
Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ sơ sinh sẽ phải trải qua tất cả 10 tuần khủng hoảng. Về cơ bản, những thời điểm khó ở này của trẻ sẽ rơi vào các tuần tuổi thứ 7, 14, 21, 28, 35, 42, 49, 56, 63, 70, 77, 84.
Mẹ Bu bu Hương, đồng tác giả của bộ sách Nuôi con không phải là cuộc chiến cho biết, “Theo sách thì là 10 giai đoạn. Nhưng theo kinh nghiệm thực tế thì tớ thấy có rất nhiều bé “dở chứng” thêm 1 phát thứ 11 vào khoảng 19-20-21m nữa nhé. Kỹ năng các bạn đạt được sau quả thứ 11 này là NÓI DÀI, tức là bạn nào đang bắn phát 1 thì sẽ nói được 2-3 từ liền nhau, bạn nào đang nói 2-3 từ có thể nói câu dài trọn vẹn 5-6 từ”.
Ngoài ra ba mẹ cũng cần lưu ý là thời điểm của các tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh chỉ mang tính chất tham khảo vì không phải bé nào cũng đúng y nguyên như lịch.
Do đó mà ba mẹ cần dựa trên các biểu hiện của bé rồi mới đối chiếu với lịch để xem con có khả năng rơi vào kỳ wonder week không. Nhiều bé có thể rơi vào wonder week sớm hoặc trễ hơn so với lịch.
Khám phá thêm:
Ôm ấp, vỗ về và kiên nhẫn với con sẽ giúp trẻ đi qua tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh nhẹ nhàng hơn
Mẹo hay giúp ba mẹ cùng bé dễ dàng vượt qua tuần khủng hoảng
Trên thực tế, thời kỳ tuần khủng hoảng là khoảng thời gian không hề dễ chịu đối với nhiều người, đặc biệt là những ông bố bà mẹ chưa hề có kinh nghiệm trong việc chăm sóc con nhỏ.
Một vài bí quyết nho nhỏ này có thể giúp ba mẹ xoa dịu các cơn quấy khóc của trẻ và giúp con sớm đạt được các kĩ năng cần thiết sau khi trải qua wonder week:
– Cho bé đi ngủ giấc đêm sớm hơn bình thường 30 – 45 phút.
– Cắt đi 1 giấc ngày (áp dụng với tuần 12 – 26 hoặc 37 – 55 hoặc 64). Vì các tuần này là thời điểm trẻ có xu hướng ngủ ít đi và muốn cắt ngủ ngày (giảm số lượng/thời gian các giấc ngủ ban ngày).
– Tuyệt đối không ép trẻ ăn, đừng biến biếng ăn sinh lý thành biếng ăn tâm lý. Mẹ chỉ cần đợi đến lúc con đói, con đòi thì mẹ cho ăn là được.
– Quan tâm con nhiều hơn, cùng chơi các trò chơi để luyện tập các kĩ năng con đang học.
– Khi bé quấy khóc, ba mẹ có thể giúp bé quên đi sự khó chịu bằng cách cho bé thực hiện hoạt động bé thích nhất, mát xa cho bé, cho bé đi ra ngoài chơi, nghịch nước.
– Đưa trẻ đi chơi, cho hoạt động càng nhiều càng tốt. Đi chơi để quên buồn bực, hoạt động nhiều để cho “mệt”, mệt quá thì lăn ra ngủ say quay tít và lúc đó chắc chắn bé cũng chẳng còn hơi sức để gào khóc nữa.
Dù là tuần khủng hoảng hay không phải khủng hoảng thì kĩ năng cần nhất mà ba mẹ nên chuẩn bị chính là sự kiên nhẫn cùng việc học hỏi, tìm hiểu kĩ những kiến thức cần thiết trong giai đoạn này. Như vậy, ba mẹ có thể cùng bé đi qua wonder week một cách nhẹ nhàng nhất có thể.
Nguồn thông tin: HIỂU VỀ TUẦN KHỦNG HOẢNG (THE WONDER WEEKS) ĐỂ HỖ TRỢ CON YÊU VƯỢT QUA “BÃO TỐ” (P.2) – Moonyclub
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!