Có nhiều lợi ích khi tiêm phòng vắc xin cho trẻ để chống bệnh tật. Song, vẫn còn có những rủi ro nhất định, ví như tử vong vì tiêm vắc xin chẳng hạn.
Lào Cai: Bé 3 tháng tuổi tử vong vì tiêm vắc xin ComBE Five
Vắc xin là một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người. Với việc ra đời của vắc xin, hàng tỷ người đã được cứu sống khỏi các căn bệnh tưởng chừng như tử vong 100%.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt!
Vắc xin cũng vậy! Biến chứng là điều không thể tránh khỏi.
Tình trạng chuyển xấu nhanh chóng
Sau khi tiêm 10 tiếng, sức khỏe của bé chuyển xấu
Một cháu bé 3 tháng tuổi, trú tại xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai được gia đình đưa đi tiêm chủng vắc xin ComBe Five tại điểm tiêm chủng của xã.
Sau khi tiêm, bệnh nhi không có biểu hiện gì nên được các bác sĩ cho về nhà.
Song, sự việc không dừng lại ở đây.
Gần 10 tiếng sau khi tiêm, sức khỏe của cháu bắt đầu chuyển biến xấu. Phát hiện con có biểu hiện bất thường, gia đình đã đưa con đi cấp cứu.
Bé nhập viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai trong tình trạng sốt cao, li bì, thở ngáp, toàn thân tím tái, không bắt được mạch ngoại vi.
Quá trình cấp cứu, điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi vẫn không được cải thiện.
Kết quả, sau 3 ngày nằm viện, đến tối 6/6, cháu bé đã tử vong. Nguyên nhân được cho là chứng suy hô hấp nặng và nhiễm trùng huyết.
Tỷ lệ tử vong rất thấp
Tiêm vắc xin là lựa chọn đúng đắn của các bậc làm cha, làm mẹ
Đến sáng nay (9/6), bác sĩ Nguyễn Văn Sửu – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc trên.
Qua kiểm tra cho thấy, các khâu tiếp nhận vắc xin, tổ chức tiêm chủng tại điểm tiêm đều chấp hành đúng quy chuẩn an toàn của Bộ Y tế.
Cùng tại điểm tiên hôm đó, tất cả 17 trẻ tiêm chung một lô vắc xin ComBE Five. Tuy nhiên, chỉ có trường hợp bé 3 tháng tuổi nói trên bị phản ứng xấu.
Hiện nguyên nhân của vụ việc đang tiếp tục được điều tra.
Các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng
Sau khi tiêm, đa phần trẻ sẽ có phản ứng phụ
Cha mẹ cần nhận biết phản ứng thông thường sau tiêm chủng:
- Các phản ứng tại chỗ: Ngứa, đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm
- Phản ứng toàn thân: Sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn)
Tai biến nặng sau tiêm chủng là phản ứng bất thường sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng người được tiêm chủng (bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở) hoặc để lại di chứng hoặc làm người được tiêm chủng tử vong.
Đặc biệt, sốc phản vệ thường xảy ra với cơ thể trẻ có cơ địa mẫn cảm, thể tạng dị ứng, phản ứng quá mức hoặc trẻ không đủ khỏe vẫn tiêm chủng.
Nhẹ: Triệu chứng đau đầu, sợ hãi, chóng mặt, nổi mày đay, mẩn ngứa. Nôn, buồn nôn, đau bụng.
Trung bình: Trẻ ngứa ran khắp người, co giật, hôn mê, tím tái. Đồng tử giãn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc không đo được.
Nặng: Xảy ra ngay sau những phút đầu tiên tiêm chủng. Trẻ hôn mê, nghẹt thở, tím tái và có thể tử vong sau vài phút.
Phải làm sao khi con gặp những biến chứng nói trên?
Tiêm vắc xin giúp phòng tránh được nhiều bệnh tật
Đối với các phản ứng thông thường, cha mẹ có thể theo dõi được bằng mắt. Xử lý như sau:
Sốt
Nếu sốt dưới 38.5, cha mẹ nên cho trẻ mặc thoáng mát, chườm ấm chủ yếu ở các vị trí trán, nách, bẹn, cho trẻ bú nhiều hơn
Sốt trên 38.5: Dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều 10-15mg/kg cho trẻ uống hoặc nhét hậu mô, lặp lại 4 -6 giờ nếu vẫn sốt trên 38.5.
Sưng đau tại chỗ tiêm
Hạn chế sờ vào, không chườm đắp gì lên vết tiêm, có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sỹ.
Đau khớp
Trẻ sẽ gặp vấn đề về đau khớp, kể cả khớp nhỏ ngoại vi dai dẳng (trên 10 ngày) hoặc thoáng qua (tối đa 10 ngày). Có thể tự khỏi, một số trường hợp cần dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sỹ.
Đối với các phản ứng nặng, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý. Nếu phản ứng chậm, có thể khiến trẻ tử vong vì tiêm vắc xin.
Phản ứng nặng sau tiêm
Hiện tại có khá nhiều loại vắc xin đang được áp dụng tại Việt Nam
Những phản ứng nguy hiểm thường chỉ xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm nên phụ huynh cần lưu lại thêm 30 phút tại điểm tiêm chủng để được theo dõi và xử lý kịp thời.
Gọi bác sĩ ngay nếu trẻ xuất hiện tình trạng: nổi ban, mề đay, sưng môi, phù mắt, khó thở, mất tri giác. Sau thời gian 30 phút, phụ huynh cần theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ.
Trong thời gian này, trẻ sẽ gặp những phản ứng thông thường: đau nơi tiêm, quấy khóc, biếng ăn, nổi ban, sốt nhẹ.
Các phản ứng nặng rất hiếm gặp cần được can thiệp y tế gồm: sốt cao trên 39 độ C, khóc thét kéo dài, tím tái, khó thở, co gồng và các biểu hiện bất thường khác. Trong trường hợp này, trẻ cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chăm sóc.
Thay lời kết
Nên nhớ, tỷ lệ trẻ tử vong vì tiêm vắc xin là rất thấp. Có nhiều lý do khiến trẻ tử vong, do vậy, cha mẹ tuyệt đối đừng bao giờ quay lưng lại với vắc xin.
Bởi nếu không tiêm, tỷ lệ tử vong bởi các bệnh khác của trẻ còn cao hơn nhiều lần!
Theo CongLy
Xem thêm:
Thêm vắc xin cho trẻ được đưa vào tiêm chủng bắt đầu từ tháng 5/2019
Italia: Quay lưng với vắc xin đồng nghĩa với chối bỏ tương lai
ComBe Five: quy tắc bố mẹ phải thuộc nằm lòng trước khi tiêm vắc xin cho trẻ
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!