476.000 trẻ sơ sinh tử vong vì ô nhiễm không khí trên toàn thế giới trong năm 2019. Con số này sẽ khiến nhiều người giật mình vì lâu nay ít ai nghĩ không khí ô nhiễm lại có thể gây chết người.
Trẻ sơ sinh tử vong vì ô nhiễm không khí
Trong năm 2019, ô nhiễm không khí đã khiến 476.000 trẻ sơ sinh trên toàn thế giới tử vong, trong đó Ấn Độ và vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là kết quả một nghiên cứu toàn cầu mới công bố, trong đó cho biết gần 70% số ca tử vong có liên quan tới khí thải ra trong quá trình đun nấu.
Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020, hơn 116.000 trẻ sơ sinh ở Ấn Độ đã tử vong do ô nhiễm không khí ngay trong tháng đầu tiên chào đời, trong khi con số này ở các nước phía Nam sa mạc Sahara châu Phi là 236.000.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các tác động đối với sức khỏe (HEI) có trụ sở ở Mỹ và Viện Nghiên cứu sức khỏe và đánh giá tác động dịch bệnh toàn cầu cho biết các số liệu trên được đưa ra dựa vào các bằng chứng ngày càng gia tăng về mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với khói bụi của phụ nữ trong quá trình mang thai và nguy cơ gia tăng tỷ lệ sinh non hoặc nhẹ cân.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy, tuy việc sử dụng các loại nhiên liệu độc hại để nấu ăn đã giảm dần, song ô nhiễm không khí từ các loại nhiên liệu này vẫn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tử vong ở trẻ mới chào đời.
Môi trường sống ô nhiễm có tác hại thế nào với sự phát triển của trẻ?
Việc trẻ sinh ra và lớn lên ở môi trường bị ô nhiễm, tiếp xúc nhiều hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Nhiều nghiên cứu cho rằng, một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường bị ô nhiễm, nhiều chất độc hại sẽ chậm phát triển tư duy hơn so với một đứa trẻ được sinh sống ở môi trường lành mạnh, sạch sẽ.
Tiếp xúc với không khí ô nhiễm một cách thường xuyên có thể làm nặng thêm các tình trạng sức khỏe như xơ nang hoặc hen suyễn ở trẻ em.
Tác hại ô nhiễm không khí ngoài việc ảnh hưởng đến hệ hô hấp thì chúng cũng tác động lên hệ thần kinh. Việc tiếp xúc lâu dài với các chất có hại như chì có nguy cơ kìm hãm sự phát triển nhận thức của trẻ.
Chính vì thế, môi trường sống của trẻ cần được giữ trong lành, an toàn, lành mạnh nhất để không bị làm chậm quá trình phát triển của trẻ.
Xây dựng môi trường sống cho trẻ như thế nào?
Nếu bố mẹ cảm thấy chất lượng không khí trong nhà kém, hãy sử dụng máy lọc không khí để các tạp chất cùng nhiều yếu tố độc hại vốn ẩn nấp trong không khí được loại bỏ.
Khi trẻ bắt đầu biết đi, khuyến khích bé yêu tham gia vào một số loại hoạt động thể chất hàng ngày. Bất kỳ loại hình vận động thể chất nào cũng sẽ giúp cải thiện sức khỏe phổi và hệ thống miễn dịch, đồng thời giúp tối ưu hóa hoạt động của hệ thống tim mạch. Những yếu tố này sẽ giúp bé có sức mạnh để chống lại các vấn đề sức khỏe.
Nếu có điều kiện, bố mẹ hãy cố gắng cho con chơi đùa ở những khu vực thông thoáng, có nhiều cây xanh, gió mát.
Dùng khẩu trang phòng độc, lọc bụi mịn mỗi khi di chuyển trên đường bằng xe gắn máy hay đi bộ. Các chuyên gia lưu ý, bố mẹ nên chọn sản phẩm mang ký hiệu N95, N99 bởi chúng có thể lọc được từ 85 – 99% những hạt bụi nhỏ.
Theo vietnamplus.vn
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!