Trẻ sơ sinh khóc bất bình thường? Bé quấy khóc mà không rõ lý do? 9 cách giải mã tiếng khóc của con dưới đây sẽ giúp mẹ bình tĩnh hơn khi xử lý vấn đề.
Khi chăm con, nhất là các bé sơ sinh, ắt hẳn bà mẹ nào cũng không tránh khỏi tình huống khi thấy con khóc dai dẳng hoặc quấy khóc mà không rõ lý do. Bé chưa biết nói và cũng chưa thể giải thích rõ ràng cảm giác bên trong cơ thể nên nhiều mẹ cảm thấy bối rối mỗi khi nghe tiếng con khóc. Bé đang đói? Hay là buồn ngủ? Bé bị đau ở đâu? Nếu cha mẹ hiểu rõ ý nghĩa từng tiếng khóc của con thì sẽ dễ dàng đáp ứng được đúng nhu cầu của bé.
1. Trẻ sơ sinh khóc vì đói
Thông thường mỗi khi nghe thấy tiếng con khóc là mẹ sẽ nghĩ ngay đến chuyện bé đói. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất mỗi khi bé sơ sinh khóc.
Mẹ nên làm gì? Mẹ hãy kiểm tra xem phản ứng trong lúc khóc của con. Bé có chép miệng, mút ngón tay hoặc đầu cố quay về phía bầu sữa của mẹ? Nếu có, đó chính là lúc bé khóc vì đói.
2. Bé khóc vì muốn được ợ hơi
Hầu hết các bé sơ sinh (nhất là bé bú sữa bình) thường cảm thấy rất khó chịu trong người khi nuốt phải khí trong quá trình bé ăn sữa. Đây chính là lúc bé khóc để báo hiệu cho mẹ biết bé đang bị đầy hơi hoặc bé muốn nói rằng giờ bé đang quặn thắt lại trong bụng.
Mẹ nên làm gì? Mỗi lần sau khi bé ăn xong, mẹ đừng quen bế vác bé và vỗ vào lưng bé để giúp khí trong bụng bé thoát ra ngoài. Đối với các bé bú bình thời gian để ợ hơi sẽ lâu hơn bé bú mẹ. Mẹ cần phải vỗ hỗ trợ cho bé cho đến khi nào nghe thấy tiếng ợ hơi thoát ra từ bé. Khi đó bé đã cảm thoải mái, dễ chịu hơn rất nhiều rồi.
3. Bé khóc vì cảm thấy ẩm ướt
Trẻ sơ sinh thường tè ị với tần suất lớn khiến cho mỗi ngày mẹ phải thường xuyên thay bỉm tã cho bé rất nhiều lần. Tuy nhiên có những ngày bé có thể tè, ị nhiều hơn mức bình thường. Do đó mẹ đừng quên kiểm tra bỉm tã xem bé có bị ẩm ướt quá mức khiến bé khó chịu hay không.
Mẹ nên làm gì? Mẹ nên thay bỉm tã cho bé 2-3 giờ/lần nhằm phòng tránh hăm đỏ từ bỉm tã và thay ngay lập tức nếu bé ị ra tã bỉm.
4. Bé khóc vì buồn ngủ
Cách để biết được bé khóc vì mệt và buồn ngủ hay không thì cần quan sát biểu hiện của bé xem trong khi khóc bé có lấy tay dụi mắt, gãi đầu gãi tai, một số bé có thể mút tay. Nếu thấy các dấu hiệu trên chứng tỏ đã đến giờ bé cần được nghỉ ngơi rồi.
Mẹ nên làm gì? Trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu có thể ngủ từ 16-18 tiếng/ngày. Nếu bé buồn ngủ nhưng không chịu ngủ thì mẹ nên kiểm tra không gian xung quanh, phòng ngủ của bé xem có gì bất thường không. Ánh sáng trong phòng bé quá mạnh? Nơi ngủ của bé không yên tĩnh? Bé cần vật hỗ trợ (ti giả, thú bông) trong khi ngủ không? Một điều các mẹ cần lưu ý là nên học cách bắt tín hiệu bé buồn ngủ trước khi bé khóc. Vì nếu để qua cơn buồn ngủ và bé quấy khóc thì điều đó có nghĩa là bé đã kiệt sức (over tired) và càng khó đi vào giấc ngủ.
5. Trẻ sơ sinh khóc vì có điều gì bất ổn trong cơ thể
Trong trường hợp bé khóc không ngừng và tiếng khóc rất to. Thêm vào đó khi khóc sẽ có lúc tiếng khóc ở âm vực cao bất thường thì rất có thể đây là dấu hiệu báo cho mẹ biết bé đang cảm thấy bất ổn, đau đớn trong cơ thể.
Mẹ nên làm gì? Mẹ nên kiểm tra xem cơ thể con có gì bất ổn không. Con có biểu hiện gì kèm theo không. Chẳng hạn như bé ưỡn người, chân co gập về phía bụng (bé có thể bị táo bón) hoặc bứt tai (bé có thể bị đau đầu).
6. Bé khóc vì đầy bụng, táo bón
Nếu tự nhiên bé khóc, kèm theo đó là các dấu hiệu của táo bón thì đây là tiếng khóc báo cho mẹ biết hệ tiêu hóa của bé đang có vấn đề.
Mẹ nên làm gì? Mẹ có thể mát xa theo chiêu thức I love you cho bé theo các bước dưới đây.
- 1: Đặt tay bên phải rốn bé, vuốt dọc xuống tạo thành hình chữ “I”
- 2: Đặt tay trên rốn một chút, vuốt từ trái sang phải, kéo dọc xuống để tạo thành chữ “L”
- 3: Đặt tay bên trái rồi vuốt thành hình vòng cung trên bụng bé, tạo thành chữ “U”
Tắm và ngâm mình cho bé trong nước ấm. Nếu triệu chứng không thuyên giảm thì mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn phù hợp.
7. Bé khóc vì đau răng
Mỗi khi bé mọc răng, rất có thể bé sẽ cảm thấy đau đớn và quấy khóc nhiều. Nếu mẹ quan sát thấy bé thường xuyên lấy tay sờ, cọ răng, gặm, nhấm đồ, thích nhét đồ vào miệng thì rất có thể bé đang khó chịu vì mọc răng.
Mẹ nên làm gì? Sử dụng nướu gặm silicon an toàn, vệ sinh (mẹ có thể làm lạnh trước khi dùng) để cho bé gặm. Cách này sẽ giúp làm giảm đau lợi rất hiệu quả cho bé.
8. Bé khóc vì lạnh
Mỗi khi thay quần áo cho bé, sau khi tắm hoặc mỗi lần cởi quần áo bé lại khóc thì rất có thể bé đang cảm thấy lạnh.
Mẹ nên làm gì? Các chuyên gia khuyên cha mẹ nên cho các bé ngủ ở nhiệt độ tầm 24-25 độ C. Nếu trong lúc ngủ phần da gáy bé ấm, không ra mồ hôi, bé ngủ ngon thì đó chính là nhiệt độ thích hợp với cơ thể bé. Mẹ cần quan sát thời tiết để mặc quần áo cho bé hợp lý.
9. Bé khóc vì muốn được mẹ quan tâm
Nếu bé đã được ăn no, ngủ đẫy giấc, thay tã bỉm khô ráo và không có bất kỳ biểu hiện bất thường về sức khỏe thì bé khóc đơn giản chỉ vì cần mẹ quan tâm, ôm ấp, ở cạnh bé. Điều đó sẽ giúp bé cảm thấy được an toàn và yên ổn.
Mẹ nên làm gì? Những lúc bé như vậy, rất đơn giản mẹ hãy dành thời gian ở bên bé, trò chuyện, đọc sách, hát cho bé nghe, cho bé chơi đồ chơi yêu thích của bé, dẫn bé đi dạo, v.v. Chỉ cần khoảng thời gian chất lượng dành cho bé là bé sẽ cảm thấy thoải mái và được yêu như đúng cách bé cần.
Các bài viết liên quan:
- Bé sơ sinh khóc – Giải mã 6 tiếng khóc thường xuyên của trẻ sơ sinh
- LẦN ĐẦU LÀM MẸ: 5 điều mẹ cần biết về chăm sóc trẻ sơ sinh 3 tháng đầu đời
- Bảng cân nặng của trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi năm 2018