Trẻ sơ sinh hay gãi đầu là một trong những dấu hiệu cho thấy con đang bị nhiễm trùng tai. Các nguyên nhân gây ra tình trạng này là: bé bị cảm lạnh, sử dụng núm vú giả, vòi nhĩ của con ngắn và nằm ngang. Khi bé bị nhiễm trùng tai, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi con để kịp thời đưa ra hướng giải quyết thích hợp.
Một trong những hành động đánh dấu sự phát triển của con chính là lúc bé tự tay cầm đồ chơi. Con sẽ học được cách cầm, thả những thứ mà mình tiếp xúc như: quả bóng, thú bông, quần áo,… Đây là hành động siêu đáng yêu cho thấy các giác quan của bé bắt đầu phát triển và sự thích thú khi khám phá mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, nếu con lặp lại một hành động, chẳng hạn như gãi đầu thì lại là dấu hiệu không ổn. Cùng theAsianparent Việt Nam giải đáp hiện tượng trẻ sơ sinh hay gãi đầu có sao không trong bài viết dưới đây nhé!
Bạn nên đọc bài viết này để biết:
- Bé sơ sinh hay gãi đầu có sao không?
- Dấu hiệu bé bị nhiễm trùng tai
- Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa
- Cách điều trị viêm tai giữa cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh hay gãi đầu có sao không?
Trẻ sơ sinh hay gãi đầu là dấu hiệu cho thấy con bị viêm tai giữa. Đây là tình trạng vùng ở giữa tai bị viêm hoặc bị nhiễm trùng. Nếu không được điều trị sớm, vi khuẩn sẽ lan rộng ở những vùng khác trong tai.
Bạn có thể chưa biết:
Dấu hiệu bé sơ sinh bị nhiễm trùng tai
Trường hợp một em bé ở Trung Quốc, tên An An là ví dụ điển hình về những dấu hiệu viêm tai giữa của bé sơ sinh. Hàng ngày, con hay gãi và giật mạnh đầu về phía trước nhiều lần. Tuy nhiên, vì nghĩ đây là thói quen bình thường nên cha mẹ lơ là, bỏ qua. Hai tuần sau, khi thấy khuôn mặt con đau đớn và khó chịu sau mỗi lần gãi đầu, gia đình quyết định đưa bé đến bác sĩ. Con được chẩn đoán là bị nhiễm trùng tai, Nhìn thấy chất lỏng màu vàng chảy từ tai bé, cha mẹ cảm thấy đau lòng vì không đưa con khám sớm hơn.
Ngoài ví dụ trên, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu dưới đây để nhận biết bé có bị nhiễm trùng tai hay không:
- Sốt cao (hơn 40 độ)
- Trẻ sơ sinh gãi đầu gãi tai và kéo tai liên tục
- Con luôn khó chịu và cáu bẳn
- Ít vận động
- Chán ăn hoặc khó ăn
- Nôn mửa hoặc tiêu chảy
- Vụng về và có vấn đề với sự cân bằng
- Khó nghe hoặc phản ứng chậm với âm thanh
- Có chất lỏng màu trắng hoặc vàng chảy ra từ tai
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa
Vi khuẩn hoặc vi rút chính là tác nhân gây viêm tai giữa ở bé. Sau khi hết bị cảm hoặc cúm, chất lỏng sẽ tích tụ trong tai giữa và tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng. Thông thường, chất lỏng đi qua khu vực này sẽ thoát qua vòi nhĩ, phần nối tai giữa với cổ họng và phía sau mũi. Tuy nhiên, nếu vòi nhĩ bị tắc, hiện tượng này thường xảy ra khi bé bị viêm xoang hoặc cảm lạnh sẽ khiến chất lỏng bị kẹt trong tai giữa.
Vi khuẩn thích những nơi ẩm ướt, tối và ấm nên tai giữa chứa chất lỏng là nơi sinh sản lý tưởng. Một khi tai bị nhiễm trùng nặng, tình trạng viêm nhiễm sau và trong màng nghĩ sẽ trở nên nặng hơn, làm con cảm thấy khó chịu.
Ngoài ra, việc sử dụng núm vú giả có thể làm tăng khả năng viêm tai giữa ở bé sơ sinh. Một nghiên cứu cho thấy trẻ không dùng núm vú giả có tỷ lệ nhiễm trùng tai thấp hơn 33%.
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị nhiễm trùng tai vì vòi nhĩ của con ngắn và nằm ngang (khoảng 1/2 inch). Khi trẻ lớn lên đến tuổi trưởng thành, chiều dài vòi nhĩ dài gấp 3 lần và thẳng đứng hơn. Vì vậy, chất lỏng sẽ dễ dàng thoát ra khỏi tai.
Bạn có thể chưa biết:
Cách điều trị viêm tai giữa cho trẻ sơ sinh
Nếu trẻ sơ sinh từ 6 tháng trở xuống và bị bệnh nặng thì có thể phải dùng đến thuốc kháng sinh. Đối với những trường hợp khác, bác sĩ khuyên cha mẹ nên chờ đợi và đưa con đi khám trong vòng 2-3 ngày vì bệnh sẽ tự khỏi.
Trong những năm qua, thuốc kháng sinh được xem là phương án hàng đầu và hiệu quả để chống nhiễm trùng tai. Ngày nay, trước khi dùng thuốc cho bé, bác sĩ sẽ xem xét kỹ tình trạng của con. Việc sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng kháng thuốc ở trẻ.
Bên cạnh thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị như sau:
- Nếu bé từ 6 – 24 tháng tuổi và có triệu chứng nhẹ ở một bên tai hoặc cả hai tai, bạn cần theo dõi tình trạng của con trước để xác định có phải nhiễm trùng tai là nguyên nhân tại sao trẻ sơ sinh hay gãi đầu. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một loại thuốc giảm đau không kê đơn để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
- Tuy nhiên, nếu tình trạng không có dấu hiệu cải thiện trong 48-72 giờ, gia đình cần đưa con đến gặp bác sĩ. Lúc này, bác sĩ có thể cân nhắc dùng kháng sinh cho bé.
Thay lời kết
Bên cạnh nguyên nhân bé hay gãi đầu do viêm tai giữa, còn rất nhiều yếu tố khác khiến trẻ sơ sinh hay gãi đầu như con bị dị ứng với dầu gội, sữa tắm, con bị ngứa da đầu; trẻ không được vệ sinh sạch sẽ sau khi vui chơi, mồ hôi dính bết cũng gây ngứa; tóc bé quá dày và dài; bé bị viêm da tiết bã…
Nếu đã loại trừ nguyên nhân viêm tai giữa thì bố mẹ nên chú ý đến các yếu tố nguy cơ trên để xử lý kịp thời, tránh để trẻ gãi đầu nhiều gây trầy xước da đầu, rách da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, tấn công dẫn đến viêm da, nhiễm trùng da. Nếu tình trạng kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm thì tốt hơn là nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám.
Bài viết trên đã cung cấp các dấu hiệu và cách điều trị khi bé bị nhiễm trùng tai. Hi vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích để chăm sóc bé sơ sinh tốt hơn.
Theo theAsianparent Singapore
Xem thêm:
- Viêm tai giữa ở trẻ em – Nếu mẹ không để ý có thể gây biến chứng nguy hiểm cho con.
- Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng tai và cách phòng ngừa
- Bé bị viêm tai giữa có mủ, mẹ nên xử lý thế nào?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!