Trẻ sơ sinh da đỏ là tình trạng xuất hiện ở một số bé. Quan niệm dân gian cho rằng, những trẻ khi vừa chào đời da càng đỏ thì lớn lên sẽ trắng. Vậy điều này có đúng không? Hãy cùng chúng tôi đi tìm lời giải đáp.
Tại sao da trẻ sơ sinh lại đỏ?
Hầu hết làn da của trẻ sơ sinh khi vừa chào đời đều bị đỏ. Đó có thể là đỏ hỏn hoặc đỏ bầm. Một số trường hợp, da của trẻ sẽ hơi xanh hoặc tím tái. Sắc da của bé sẽ thay đổi theo thời gian. Đến một thời điểm nhất định, màu sắc da sẽ ổn định. Do đó, khi thấy trẻ sơ sinh da đỏ, mẹ không cần quá lo lắng.
Da trẻ sơ sinh bị đỏ là hiện tượng bình thường
Theo nghiên cứu, các vùng da thường bị đỏ nhiều là tay, chân, miệng… Người ta gọi đó là hồng ban. Hiện tượng này có thể nhìn thấy rõ ràng nhất trong 2 ngày đầu tiên sau sinh. Hồng ban sẽ nhanh chóng biến mất sau đó. Nó không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé.
Quan niệm trẻ sơ sinh da đỏ lớn lên sẽ trắng có đúng không?
Theo kinh nghiệm dân gian, trẻ nào có làn da càng đỏ thì khi lớn lên sẽ càng trắng. Đặc biệt, nếu làn da nổi vân hoa thì sau này, bé sẽ trắng như nàng công chúa Bạch Tuyết.
Quan niệm da trẻ càng đỏ lớn lên càng trắng không hoàn toàn chính xác
Thế nhưng, nhận định này chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Thực tế, sắc tố da của một đứa trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó bao gồm gen di truyền, chế độ ăn uống và môi trường sống. Làn da của trẻ sơ sinh sẽ có nhiều sự thay đổi khi trẻ lớn lên.
Có một số bé khi sinh ra làn da không đỏ mà hơi xỉn màu. Tuy nhiên khi lớn lên thì con vẫn trắng hồng hào. Vậy nên, các mẹ đừng lo sợ hay quá để ý đến màu sắc da của bé khi vừa chào đời.
Trường hợp nào da của bé bị đỏ mà mẹ không được chủ quan?
Mặc dù tình trạng da trẻ sơ sinh bị đỏ là bình thường, song vẫn có một số trường hợp mẹ không nên chủ quan. Nguyên nhân bởi vì nó liên quan đến các bệnh lý ở trẻ sơ sinh.
Bị rôm sảy
Rôm sảy là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến da của trẻ sơ sinh bị đỏ. Thời tiết nóng bức là thời điểm mà trẻ hay bị rôm sảy nhất. Khi ấy, mẹ sẽ thấy làn da của bé đỏ lên với những mụn nhỏ li ti khắp mặt, bụng và lưng.
Rôm sảy là một trong những bệnh lý phổ biến làm cho da trẻ sơ sinh đỏ
Mẹ không cần quá sốt ruột khi trẻ bị rôm sảy. Tuy nhiên, mẹ cần xử lý ngay để giúp con đỡ khó chịu. Đầu tiên, bạn có thể nới lỏng quần áo của bé, giữ cho không gian phòng luôn thoáng mát. Chỉ cần môi trường thông thoáng, tình trạng rôm sảy của bé sẽ nhanh chóng hết.
Khi bị rôm sảy nặng, bé sẽ khó chịu, quấy khóc dẫn đến bỏ ăn, bỏ ngủ. Một số trường hợp, bé làm trầy xước mụn rôm dẫn đến bội nhiễm. Lúc này, mẹ nên dẫn bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Bị hăm
Đa số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều bị hăm da. Những bộ phận dễ bị hăm nhất là cổ, nách, vùng kín, mông. Khi trẻ bị hăm, mẹ sẽ thấy da của trẻ có màu đỏ. Lúc chạm vào, bé sẽ bị đau.
Để xử lý, mẹ cần nới lỏng quần áo, vệ sinh vùng hăm rồi lau khô và bôi kem chống hăm cho bé. Hiện tượng này sẽ mau chóng biến mất nếu được xử lý đúng cách.
Do chàm sữa
Đây là hiện tượng xuất hiện trong những tháng đầu đời. Nó có thể biến mất trong vài ngày. Thông thường, chàm sữa sẽ nổi trên má làm cho da trẻ bị đỏ ứng, khô, dày và có vảy. Mặc dù không quá nguy hiểm đến sức khỏe nhưng chàm sữa sẽ khiến con bị ngứa ngáy, khó chịu.
Dị ứng
Một số trường hợp da trẻ bị đỏ do dị ứng. Khi ấy, mẹ sẽ thấy trẻ bị nổi một số mụn đỏ xung quanh miệng và trán. Đối với tình trạng dị ứng, mẹ không thể tự xử lý ở nhà. Mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để thăm khám và tìm ra nguyên nhân dị ứng.
Những lưu ý dành cho mẹ khi xử lý tình trạng da trẻ bị đỏ do bệnh lý
- Có thể dễ dàng nhận biết trẻ sơ sinh bị đỏ là dấu hiệu sinh lý hay bệnh lý. Nếu là bệnh lý sẽ đi kèm với các triệu chứng như ngứa ngáy và khó chịu.
- Không tự ý sử dụng kem để bôi da nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
- Đưa bé đi khám nếu thấy tình trạng da đỏ ngày càng nặng, bé bỏ bú, quấy khóc.
Các thông tin trên đây đã giúp các mẹ giải đáp thắc mắc về vấn đề trẻ sơ sinh da đỏ. Hi vọng nó sẽ giúp ích cho các mẹ trong quá trình chăm sóc bé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!