Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Do đó mẹ trước hết cần nắm được thứ gì khiến con bị nổi mẩn ngứa để tìm cách giải quyết. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Nguyên nhân bé bị nổi mẩn đỏ ở cổ
- Hướng xử lý khi trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ
- Cách phòng tránh để trẻ sơ sinh không bị nổi mẩn đỏ ở cổ
- Trường hợp nên đưa trẻ đi khám
Nguyên nhân trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ ở cổ
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ ở cổ. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng này:
Đọng sữa, nước dãi
Khi trẻ bú bình hoặc bú mẹ, trẻ thường nhễu một ít sữa từ hai khóe miệng. Sữa này sẽ chảy xuống cổ và đọng ở đó. Nước dãi cũng vậy, trẻ từ 3-6 tháng tuổi thường chảy dãi rất nhiều. Nước dãi này cũng chảy xuống cổ và đọng ở các nếp da gấp ở cổ.
Khi trẻ cử động, các nếp da gấp này ma sát với nhau. Cộng với sữa và nước dãi trở thành môi trường thuận lợi để vi khuẩn hay nấm Candida phát triển. Từ đó, phần da cổ của trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ ở cổ (Ảnh: istockphoto)
Khám phá thêm:
Do nhiệt
Tình trạng trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ ở cổ thường xuất hiện vào mùa hè. Thời tiết nóng nực khiến trẻ đổ nhiều mồ hôi và chúng đọng lại trong các nếp da gấp ở cổ. Mồ hôi ứ đọng tạo môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn gây kích ứng da của trẻ. Ngay cả trong mùa lạnh, trẻ sơ sinh vẫn có thể nổi mẩn đỏ ở cổ. Đó là trong trường hợp mẹ mặc quá nhiều quần áo gây bức bí cho trẻ.
Vết cò mổ
Da nổi mẩn đỏ ở trẻ sơ sinh cũng có thể là vết cò mổ. Đây là những vết mẩn đỏ bẩm sinh và sẽ biến mất mà không cần điều trị trong vòng vài tháng sau sinh.
Trẻ mũm mĩm
Những trẻ mũm mĩm có các nếp gấp da dưới cổ dày hơn những trẻ khác. Mồ hôi tiết ra thường bị giữ dưới nếp gấp này và liên tục cọ sát khi trẻ cử động. Môi trường ẩm ướt dẫn đến việc trẻ bị nổi mẩn đỏ ở cổ.
Môi trường ẩm ướt dẫn đến việc trẻ bị nổi mẩn đỏ ở cổ (Ảnh: Istockphoto)
Dị ứng thời tiết
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh rất non nớt nên khi môi trường bên ngoài thay đổi, thời tiết chuyển mùa, cơ thể bé sẽ không thể thích nghi kịp với sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Khi đó, dị ứng thời tiết xuất hiện với triệu chứng là nổi mẩn đỏ và ngứa ở vùng cổ, sau đó bụng, chân, tay…Trẻ bị dị ứng thời tiết có thể xuất hiện thêm một số biểu hiện kèm theo như ho, sốt, sổ mũi…
Sốt phát ban
Sau khi con hết sốt phát ban thì cổ và toàn thân sẽ nổi mẩn đỏ. Đây là biểu hiện cơ thể trẻ bị phát ban, nổi mẩn đỏ thành từng vùng nhưng không ngứa ngáy và không làm con khó chịu.
Hướng xử lý khi trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ
Nổi mẩn đỏ không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó làm bé bị ngứa và đau. Cảm giác khó chịu này có khi khiến bé biếng bú biếng ăn hay khóc. Dưới đây là một vài biện pháp mà mẹ có thể áp dụng để giúp bé dễ chịu hơn:
Thay đổi quần áo phù hợp cho da bé
Mẹ hãy chọn quần áo có chất liệu vải mềm mại, thoáng khí cho trẻ mặc. Theo các chuyên gia, vải cotton là một lựa chọn an toàn. Mẹ không nên dùng các chất tẩy rửa mạnh để giặt quần áo của trẻ. Vì các chất tẩy rửa này sẽ gây kích ứng cho da trẻ dẫn đến nổi mẩn đỏ.
Vệ sinh thường xuyên mặt, cổ và miệng của bé
Mẹ nên lau rửa miệng, mặt và cổ cho trẻ sau khi cho trẻ bú hay ăn xong. Nếu trẻ chảy dãi nhiều, mẹ cũng nên để ý và thường xuyên lau cho trẻ. Sau khi lau bằng nước ấm, mẹ nên lau lại bằng khăn khô.
Vệ sinh thường xuyên mặt, cổ và miệng của bé (Ảnh: istockphoto)
Thoa kem dưỡng da cho trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ ở cổ
Đây cũng là một cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ. Nhưng trước hết, mẹ nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ về các sản phẩm kem bôi. Thận trọng hơn, mẹ có thể thoa một ít kem lên khuỷu tay của bé và chờ xem triệu chứng. Nếu không có phản ứng, mẹ có thể thoa lên cổ cho bé.
Khám phá thêm:
Cách phòng tránh để trẻ sơ sinh không bị nổi mẩn đỏ ở cổ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mẫn đỏ ở cổ của trẻ nhưng phần lớn là do mẹ không tắm đúng cách cho trẻ. Mẹ nên chọn thời gian tắm cho trẻ sau giờ cơm từ 2 đến 3 giờ. Nên tắm trẻ bằng nước ấm và dùng khăn khô để phần cổ của trẻ không bị ẩm. Bên cạnh đó, mẹ còn có thể pha thêm bột yến mạch vào nước để tắm sẽ giúp làm dịu các mẫn đỏ.
- Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, để khi trẻ gãi không khiến da bị tổn thương hơn.
- Bổ sung nước và có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ.
- Cho trẻ ăn uống, vệ sinh, nghỉ ngơi đúng giờ giấc để tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Thường xuyên luôn lau sạch vùng da miệng và cổ bằng nước ấm và lau lại bằng khăn khô.
Mẹ nên chọn thời gian tắm cho trẻ sau giờ cơm từ 2 đến 3 giờ (Ảnh: istockphoto)
Trường hợp nên đưa trẻ đi khám
Lưu ý nếu các mẩn đỏ ở cổ không hết kèm theo những triệu chứng bên dưới:
- Những vết mẩn đỏ trên cổ của trẻ có mủ kèm theo sốt.
- Trẻ khóc quấy liên tục, bỏ ăn.
- Khi mẹ dùng tay ấn vào, các vết mẩn đỏ không biến mất. Đây có thể là dấu hiệu của xuất huyết dưới da.
Tóm lại, nổi mẫn đỏ ở cổ là một dấu hiệu tương đối bình thường và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Nhưng nếu nổi mẫn đỏ kèm theo các triệu chứng như ngứa rát, sưng tấy, có mủ,… thì mẹ nên đưa trẻ đến ngay các trung tâm y tế để bác sĩ tiến hành chuẩn đoán và điều trị. Vì thế mẹ đừng quá lo lắng. Đây là chứng bệnh phổ biến ở trẻ, chỉ cần mẹ biết xử lý, mọi chuyện sẽ ổn ngay!
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!