Trẻ mấy tháng uống được sữa tươi? Bé từ 1 tuổi trở đi có thể dùng sữa tươi để bổ sung dinh dưỡng, giúp tăng chiều cao và phát triển trí tuệ toàn diện. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết cách cho bé uống sữa tươi khoa học qua bài viết sau:
- Trẻ mấy tháng tuổi được uống sữa tươi?
- Cho trẻ uống sữa tươi thế nào cho đúng?
- Bé nên uống sữa tươi loại nào?
- Bé có thể bị dị ứng với sữa tươi?
Trẻ mấy tháng tuổi được uống sữa tươi?
Theo các nhà khoa học, chỉ nên cho trẻ dùng sữa tươi khi trẻ đã hơn 1 tuổi. Lý do vì sữa tươi có hàm lượng đạm, canxi và phospho cao hơn so với sữa bột. Nếu cho trẻ dưới 1 tuổi uống sẽ dễ có nguy cơ bị quá tải thận. Về lâu dài, trẻ có nguy cơ bị cao huyết áp, béo phì ở tuổi trưởng thành. Do đó, việc xác định trẻ em mấy tháng tuổi thì uống được sữa tươi rất quan trọng.
Ngoài ra lượng đạm cao còn gây đầy bụng, khó tiêu, làm trẻ chán ăn. Bên cạnh đó sữa tươi có ít sắt, nghèo vi lượng nên trẻ dưới 12 tháng có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, thiếu vi lượng nếu sử dụng sữa tươi như thực phẩm chính.
- Chỉ nên cho bé uống sữa tươi khi được trên 1 tuổi (Nguồn ảnh: istockphoto)
Cho trẻ uống sữa tươi thế nào cho đúng?
Theo gợi ý của các chuyên gia dinh dưỡng, các bé nên uống sữa sau bữa ăn từ 1-2 giờ. Không nên làm ngược lại tức cho bé uống sữa tươi cũng như các thức ăn vặt trước bữa chính vì có thể làm bé “no ảo” và biếng ăn khi vào bữa. Việc bạn cho bé uống sữa trước bữa ăn sẽ làm loãng dịch vị, tạo cảm giác no giả.
- Không nên cho bé uống quá nhiều sữa tươi (Nguồn ảnh: istockphoto)
Theo tiêu chuẩn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), trẻ trên một tuổi nên uống 300-400ml sữa tươi mỗi ngày là nhận đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết. Nếu uống quá nhiều sữa, trẻ sẽ dễ béo phì. Về lâu dài, bé có xu hướng kén ăn các thức ăn đặc. Điều này dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất xơ gây bón, phát triển không cân đối… ở trẻ nhỏ. Do đó, các mẹ cần có kiến thức về việc trẻ bao nhiêu tháng tuổi được uống sữa tươi. Nhờ vậy, con có thể tránh những hệ quả không tốt sau này.
Các mẹ cứ quan sát tình hình ăn uống của con mình mà điều chỉnh lượng sữa để đảm bảo lượng tiêu chuẩn theo nhu cầu hàng ngày của trẻ.
Bé nên uống sữa tươi loại nào?
AAP khuyến cáo nên cho trẻ 1 tuổi uống sữa nguyên kem. Trẻ em ở độ tuổi này cần hàm lượng chất béo cao để duy trì tăng cân bình thường và giúp cơ thể hấp thụ vitamin A và D.
Sau khi bé lên 2 tuổi, bạn có thể quyết định cho bé uống sữa ít béo hoặc không béo, miễn sao bé vẫn phát triển tốt. Nhưng nếu bé hơi dư cân thì bạn có thể đổi sữa nguyên kem thành sữa tách béo một phần hoặc toàn phần để hạn chế tăng cân.
Nếu cân nặng của bé ở mức trong chuẩn bình thường thì nên chọn sữa không đường để giảm bớt lượng đường hấp thu nhanh trong khẩu phần, đường không có lợi cho sức khỏe của bé. Trong trường hợp cho trẻ uống sữa có đường thì nên súc miệng, đánh răng sau khi uống để tránh sâu răng do đường bám trên men răng, đồng thời chú ý giảm lượng đường đưa vào cơ thể từ thực phẩm khác, đảm bảo tổng lượng đường bé dung nạp trong ngày không quá 20g.
- Chú ý khi chọn sữa tươi cho bé (Nguồn ảnh: istockphoto)
Nên cho trẻ uống sữa thanh trùng
Sữa tươi bao gồm 3 loại là sữa vắt trực tiếp, sữa thanh trùng và tiệt trùng. Trong đó chỉ nên cho trẻ uống sữa thanh trùng, tiệt trùng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên uống sữa bò vắt trực tiếp vì không đảm bảo sạch vi khuẩn, có nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa.
Trên thị trường hiện tại có rất nhiều hãng sữa tươi nổi tiếng như Devondale – Úc, LIF – Úc, Meadow Fresh – New Zealand, Oldenburger – Đức, Vinamilk Organic – Việt Nam… Các mẹ có thể lựa chọn loại sữa phù hợp với thể chất của bé cũng như tình hình tài chính của gia đình.
Các chế phẩm từ sữa cũng rất được các mẹ tin dùng như sữa chua, phô mai, váng sữa, tuy nhiên chỉ nên sử dụng ở mức vừa phải và tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trên đây là hướng dẫn cho trẻ uống sữa tươi khoa học. Mẹ nên nhớ chỉ cho bé đủ 12 tháng dùng sữa tươi để phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của con nhé.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!