Thông tắc tia sữa là mối quan tâm của không ít mẹ cho con bú. Mẹ có thể đổi tư thế cho con bú, chườm ấm, đắp lá đinh lăng, có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý… Bên cạnh đó, mẹ cần nhận biết nguyên nhân và các dấu hiệu ban đầu để kịp thời xử lý tình trạng khó chịu này.
Nội dung bài viết:
- Dấu hiệu tia sữa bị tắc
- Nguyên nhân mẹ cho con bú bị tắc tia sữa
- Cách thông tắc tia sữa hiệu quả và an toàn
- Một số cách dân gian chữa tắc tia sữa
- Thông tắc tia sữa bằng máy
- 3 sai lầm nghiêm trọng của người bị tắc tia sữa
Dấu hiệu tia sữa bị tắc
Sữa mẹ bắt nguồn từ các nang sữa theo ống dẫn đổ về khoang chứa sữa, khoang này nằm sau quầng vú. Sữa sẽ chảy ra ngoài dưới lực tác dụng của động tác bú mút của bé. Nếu các ống dẫn này bị hẹp lại vì nhiều lý do thì sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được, dần hình thành cục cứng do hiện tượng sữa đông kết. Đồng thời cơ thể vẫn tiếp tục sản xuất sữa làm các ống dẫn trước chỗ tắc bị căng giãn, chèn ép các ống dẫn sữa khác làm tình trạng sưng tắc ngày càng trầm trọng.
Khi sờ vào bầu vú, mẹ cảm thấy có một hoặc nhiều điểm cứng là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của hiện tượng này. Hình dáng ngực có sự khác biệt so với bình thường (to và căng cứng hơn). Mẹ cảm thấy vú nặng, cứng và nóng. Các tia sữa bắt đầu được tiết ra từ tuyến vú căng sữa có cảm giác như nổi cục, mặc dù dịch sữa vẫn được tiết ra. Mức độ căng cứng càng tăng thì cảm giác đau và nhức càng nhiều khiến sữa mẹ không hoặc ít tiết ra, thậm chí mẹ có chủ động vắt sữa.
Tắc tia sữa thường xảy ra ở các mẹ mới sinh con được vài ngày và đang nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì dễ gây ít sữa, mất sữa và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác như áp xe vú, xơ hóa, u xơ tuyến vú…
Bạn có thể chưa biết
Nguyên nhân gây tắc tia sữa và cách phòng tránh tái lại nhiều lần
Nguyên nhân mẹ cho con bú bị tắc tia sữa
- Mới sinh con: Sau khi sinh, một số người gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Sữa đã có nhiều trong bầu ngực nhưng vẫn không thể chảy ra ngoài cho bé bú được.
- Sữa mẹ dư thừa: Hầu hết trong các trường hợp, nguyên nhân gây tắc tia sữa là do sữa mẹ còn thừa ở trong bầu ngực do em bé không bú hết hoặc bạn không hút phần sữa thừa sau khi bé đã bú no.
- Ngực chịu áp lực: Việc bạn mặc một chiếc áo ngực quá chật, áo bó hoặc mang địu địu bé trước ngực đôi khi cũng khiến các tia sữa bị tắc.
- Ít hút sữa ra ngoài: Nếu ít hút sữa hoặc hút không hết sữa, bạn dễ gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Lực hút của máy yếu không thể hút hết sữa ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị tắc tia sữa.
- Con ngậm vú mẹ không đúng: Khi bé ti mẹ không đúng cách, bé sẽ không thể bú đủ lượng sữa mẹ sản xuất ra. Do đó, sữa còn tồn đọng lại trong bầu ngực là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.
- Mẹ không cho bú thường xuyên: Do một nguyên nhân nào đó mà bạn không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút sữa ra hết trong khoảng 5 giờ đến 1 ngày. Điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng bị tắc tia sữa.
- Stress: Tâm trạng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể. Việc sản xuất sữa cũng không nằm ngoài điều đó. Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin, chất sẽ giúp vú mẹ giải phóng sữa.
3 sai lầm nghiêm trọng khi gặp phải tình trạng này
Những người bị tắc tia sữa thường gặp một số sai lầm và dưới đây là 3 sai lầm lớn nhất. 3 sai lầm này thường đến từ những người thiếu kinh nghiệm trong việc làm mẹ (đặc biệt là người lần đầu sinh con).
1. Chủ quan, không điều trị sớm
Bạn biết đấy, tắc tia sữa không điều trị sớm có thể gây viêm vú, áp xe vú rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết và chủ quan, không chữa trị sớm nên tình trạng tắc tia sữa tiến triển nặng dần. Cách chữa tắc tia sữa nặng lúc này chỉ có thể là tìm đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn.
Để tránh rơi vào tình trạng khó khăn này, hãy chú ý quan sát mỗi khi cho bé bú và để ý đến các dấu hiệu của hiện tượng tắc tia sữa này để kịp thời phát hiện từ lúc nó mới xảy ra.
2. Ngừng việc cho con bú
Cho con bú khi bị tắc tia sữa sẽ khiến bạn cảm thấy đau đớn nhưng đây là cách giúp thông tắc tia sữa hiệu quả. Bạn có thể kết hợp dùng thuốc, các phương pháp dân gian và massage để làm tan sữa, giảm sưng vú, giúp bé bú dễ hơn.
3. Cố vắt sữa thật mạnh để thông tia sữa
Khi dùng lực quá mạnh để vắt sữa sẽ gây tổn thương cho các nang, ống dẫn sữa và có nguy cơ vỡ ổ áp xe (nếu có). Chính vì vậy, bạn nên hạn chế tối đa việc này vì chúng không có ích nhiều trong việc thông tắc tia sữa.
Bạn có thể chưa biết
Cách thông tắc tia sữa hiệu quả và an toàn
Khi bị tắc tia sữa, việc đầu tiên đa số mẹ thường làm là tạm dừng cho con bú để ngăn chặn cơn đau. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn sai. Cách chữa tắc tia sữa tại nhà hiệu quả là hãy duy trì việc cho bé bú sữa mẹ sẽ giúp tình trạng này giảm đi rất nhiều.
Theo Bác sĩ Văn Đức chia sẻ trên mục báo Sức Khoẻ & Đời Sống, núm vú là khu vực mà vi khuẩn rất dễ xâm nhập và làm tắc tia sữa. Do đó, vệ sinh sạch sẽ khu vực này là điều mà mẹ bầu cần phải chú trọng. Đặc biệt là phần đầu vú, các kẽ của phần đầu vú mà bé hay ngậm bú và đọng sữa. Để vệ sinh vùng này, mẹ bầu hãy dùng khăn sạch mềm, nhúng nước ấm lau nhẹ nhàng, sạch sẽ đầu vú. Ngoài ra trước khi cho bé bú, mẹ hãy lau sạch đầu vú rồi vắt bỏ vài giọt sữa đầu. Sau khi bé bú no mà vẫn còn sữa thì mẹ hãy nặn hết sữa dư này ra để phần sữa này không đọng lại bên trong, dễ vón cục gây tắc tuyến sữa. Sau cùng là lau sạch đầu vú một lần nữa.
Chuyên gia cũng khuyến khích bạn nên nghỉ ngơi thật nhiều, bổ sung thêm nước để sữa tiết ra đều đặn hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng một số cách sau đây:
- Cho bé bú bên ngực bị đau trước: Nếu bầu vú không quá đau đớn, bạn nên cho con bú ở ngực bị tắc tia sữa trước bởi lúc này con sẽ bú bằng lực mạnh nhất để hút sữa mẹ, nhờ đó giúp khai thông các tia sữa bị tắc.
- Chườm ấm quanh bầu ngực có thể giúp sữa chảy đều đặn hơn.
- Thay đổi tư thế cho con bú: Nếu thường xuyên bế con khi cho bé bú, bạn có thể chuyển sang tư thế ôm banh hoặc nằm xuống. Điều này sẽ giúp sữa trong các tia được hút hết ra ngoài.
- Xoa bóp: Các chuyên gia khuyên bạn nên xoa bóp vùng ngực đau thường xuyên và đều đặn. Hãy bắt đầu từ bầu vú hướng dần vào trong núm vú. Áp dụng biện pháp chườm ấm trước khi cho con bú có thể giúp khai thông các tia sữa, hỗ trợ giảm đau và sưng.
- Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi: Hãy uống thật nhiều nước, đồng thời bổ sung những loại thức ăn có khả năng tăng cường sức đề kháng.
- Tìm đến các dịch vụ thông tắc tia sữa: Hiện nay tại các thành phố lớn đã có nhiều địa chỉ có dịch vụ thông tia sữa tắc tại nhà cho mẹ bỉm. Các chuyên viên thông tắc sữa với kinh nghiệm và các thiết bị, dụng cụ cần thiết sẽ đến tận nhà và thực hiện các thao tác để khắc phục tình trạng tắc tia sữa khi mẹ cho con bú. Mẹ có thể tham khảo các địa chỉ uy tín để được hỗ trợ tại nhà nhé.
Một số mẹo dân gian cho mẹ khi gặp phải tình trạng này
Dùng lá đinh lăng để giúp thông tắc tia sữa tại nhà là mẹo dân gian được nhiều bà mẹ tin dùng. Khi bị tắc tia sữa, bạn có thể áp dụng các bài thuốc sau từ lá đinh lăng:
Mẹo chữa tắc tia sữa bằng lá đinh lăng thông qua đắp
Bạn lấy khoảng 100g lá đinh lăng tươi cùng 50g lá diếp cá, rửa sạch, vẩy ráo cho vào cối giã nát, đắp lên ngực. Loại thuốc đắp này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu, bầu ngực bớt căng nhức.
Thông tắc tia sữa bằng lá đinh lăng thông qua uống
- Dùng khoảng 150g lá đinh lăng tươi rửa sạch, vẩy ráo, cho vào ấm nấu với khoảng 250ml nước, nấu sôi khoảng 7 phút, chắt lấy nước, để uống.
- Đổ tiếp khoảng 250ml nước vào ấm, nấu như ban đầu để lấy nước thứ hai uống.
- Bạn không nên chỉ uống nước lá đinh lăng, nên uống xen kẽ với nước lọc.
- Uống trong khoảng 3 ngày, tình trạng tắc tia sữa sẽ được cải thiện.
Kinh nghiệm chữa tắc tia sữa bằng lá bắp cải
Đây là mẹo dân gian thông tắc tia sữa tại nhà được nhiều người dùng. Nó như là một phương pháp chườm ấm và cho hiệu quả khả quan.
Cách chữa thông tắc tia sữa bằng lá bắp cải được thực hiện như sau:
- Bạn lấy 3 lá bắp cải, rửa sạch, lạng bớt phần cọng cứng, ngâm nước muối loãng khoảng 2 – 3 phút, vớt ra vẩy ráo.
- Trụng lá bắp cải trong nước sôi, lấy ra để bớt nóng, dùng lá chườm lên bầu ngực bị đau.
- Lá bắp cải nguội, thay bằng lá khác.
Trị tắc tia sữa tại nhà bằng lá mít
Mít là cây ăn quả rất phổ biến ở các miền quê. Các mẹ sinh sống ở nông thôn, có thể dùng lá mít để chữa thông tắc tia sữa nếu gặp phải tình trạng này. Cách thông tắc tia sữa bằng lá mít như sau:
- Bạn hái 1 nắm lá mít bánh tẻ (dạng lá nửa non, nửa già), rửa sạch, vẩy ráo, lau khô.
- Hơ lá mít trên lửa cho nóng đặt lên vùng bầu vú bị tắc, rồi day nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ từ trong hướng ra ngoài đầu núm vú.
- Lá nguội thì thay bằng lá khác.
- Khi thấy sữa chảy thì cho bé bú ngay.
- Áp dụng cách này 2 – 3 ngày liên tục sẽ giúp khơi thông dòng sữa.
Nguồn tham khảo: Tắc tia sữa và cách thông – Suckhoe&DoiSong
Xem thêm
- Cách chữa tắc sữa sau sinh đúng chuẩn để mẹ không còn thấp thỏm nguy cơ áp xe vú
- Chia sẻ kinh nghiệm để sữa về ào ào, ướt áo dành cho mẹ sinh mổ
- Sự thật về ăn gì để sữa mẹ đặc và thơm cho con bú
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!