Sự phát triển của bé 5 năm đầu đời
Phát triển cả về thể chất, cũng như khả năng học hỏi các kỹ năng giao tiếp, cảm xúc, hành vi, tư duy và giao tiếp của con bạn. Tất cả các kỹ năng này được liên kết và tác động qua lại với nhau.
Trong 5 năm đầu đời, bộ não của bé phát triển nhanh hơn bất cứ lúc nào. Trải nghiệm đầu đời của bé là những thứ bé nhìn thấy, nghe, chạm, ngửi. Những trải nghiệm này sẽ kích thích não bộ của bé, tạo ra hàng triệu kết nối. Nền tảng cho việc học tập, sức khỏe và hành vi trong suốt cuộc đời được hình thành trong giai đoạn này.
Sự phát triển của trẻ 5 năm đầu đời
Em bé được sinh ra đã sẵn sàng để học và não của bé phát triển khi được sử dụng. Vì vậy, con bạn cần một môi trường với nhiều hoạt động khác nhau để chơi và học. Cũng như các cơ hội để thực hành những gì bé đã học được.
Mối quan hệ: nền tảng cho sự phát triển của trẻ
Mối quan hệ của trẻ em ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực và giai đoạn phát triển của trẻ.
Trên thực tế, các mối quan hệ chính là những trải nghiệm quan trọng nhất đối với trẻ. Vì nhờ có nó, bé hiểu biết về thế giới xung quanh. Nó cũng định hình cách trẻ nhìn ra thế giới.
Thông qua các mối quan hệ, trẻ biết được thế giới có an toàn hay không. Trẻ cũng học hỏi từ mối quan hệ giữa những người khác. Ví dụ, cách bạn cư xử đối với đối tác của mình, và ngược lại. Đây là cơ sở cho sự phát triển của các kỹ năng giao tiếp, hành vi, xã hội và các kỹ năng khác của con bạn.
Mối quan hệ quan trọng nhất của con bạn chính là với bạn. Mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc, bao gồm cả các thầy cô và bạn bè cũng rất quan trọng.
Sự phát triển của trẻ 5 năm đầu đời
Một mối quan hệ yêu thương, nuôi dưỡng sẽ giúp bạn và con bạn học hiểu nhau hơn. Khi trẻ lớn lên và phát triển, nhu cầu của trẻ sẽ thay đổi. Bạn cần tìm hiểu thêm về những gì con cần lúc này và cách để đáp ứng.
Chơi là cách để trẻ phát triển
Trong những năm đầu, chơi đùa chính là cách để trẻ học hỏi và phát triển.
Chơi là niềm vui và hãy cho bé cơ hội để khám phá, quan sát, thử nghiệm, giải quyết vấn đề và học hỏi từ những sai lầm của mình. Bé sẽ cần sự hỗ trợ và khuyến khích của bạn để làm điều này. Quan trọng là cần cân bằng giữa việc giúp con và để con tự mình thử mọi thứ. Tìm hiểu về thế giới là một phần quan trọng trong việc học tập của trẻ.
Dành nhiều thời gian để chơi, nói, nghe và tương tác với bạn sẽ giúp bé học các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Những kỹ năng này bao gồm giao tiếp, suy nghĩ, giải quyết vấn đề, ở bên cạnh những người khác.
Những yếu tố khác định hình sự phát triển của trẻ
Ngoài gen ra, các yếu tố khác như ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất, sức khỏe và khu vực sinh sống cũng có tác động lớn đến an sinh và sự phát triển của trẻ.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn lành mạnh cung cấp cho trẻ năng lượng và dinh dưỡng cần thiết để phát triển. Thực phẩm trong những năm đầu có thể thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ sau này.
Chế độ ăn của trẻ ảnh hưởng rất lớn từ bạn. Vì vậy để giúp con có thói quen ăn uống lành mạnh, bạn hãy làm gương cho con mình.
Hoạt động thể chất
Vận động cơ thể giúp phát triển kỹ năng vận động của trẻ. Từ đó trẻ có cơ hội khám phá thế giới xung quanh mình. Vì vậy, hãy để trẻ được vui chơi năng động, cả ở trong nhà và ngoài trời.
Tình trạng sức khỏe
Sức khỏe cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Một số thời điểm trẻ dễ mắc bệnh. Ví dụ như ho và cảm lạnh, đau tai hoặc viêm ruột. Những bệnh lặt vặt này nói chung sẽ không gây ra vấn đề lâu dài nào cho sự phát triển.
Những bệnh nặng hơn gây ảnh hưởng đến sự phát triển và học tập của trẻ. Bao gồm điếc hay tự kỷ; cũng như các tình trạng như xơ nang, ung thư hoặc bại não.
Nếu con bạn bị bệnh mãn tính, bạn nên trao đổi với bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia y tế – ví dụ như bác sĩ nhi khoa. Họ sẽ cho bạn biết về tình trạng đó có ảnh hưởng đến sự phát triển của con không. Cũng như cung cấp hỗ trợ tốt nhất cho con bạn.
Môi trường sống
Khu phố và cộng đồng dân cư nơi bạn ở cũng có ảnh hưởng nhất định. Trẻ sẽ phát triển tốt hơn nếu có các mối quan hệ tích cực với bạn bè và hàng xóm. Được tiếp cận với sân chơi, công viên, cửa hàng và các dịch vụ chăm sóc trẻ em, trường học, trung tâm y tế và thư viện.
Trẻ em phát triển với tốc độ khác nhau.
Các bậc cha mẹ thường lo lắng về thời điểm con tập đi, hay lúc con nhú chiếc răng đầu tiên. Hầu hết các kỹ năng phát triển theo trình tự, nhưng ở mỗi trẻ lại khác nhau.
Nếu bạn đang băn khoăn liệu sự phát triển của con bạn là ‘bình thường’? Bạn nên nhớ rằng sự phát triển là khác nhau đối với mỗi đứa trẻ. Ví dụ, độ tuổi tiêu biểu cho trẻ em biết đi là 8-18 tháng. Vì vậy, nếu con bạn 14 tháng mà vẫn chưa biết đi thì chả sao cả.
Nếu bạn thực sự cảm thấy rằng điều gì đó chưa ổn, hãy tin vào bản năng của bạn. Xin tư vấn của bác sĩ nhi khoa.
Lời khuyên cho cha mẹ
Bất kỳ ai đang nuôi dạy trẻ, như cha mẹ, ông bà, họ hàng hay cha mẹ nuôi, người đó vẫn luôn cần học hỏi. Không ai hoàn hảo và đều phải học hỏi qua kinh nghiệm. Bạn có thể cảm thấy tự tin về những gì bạn biết. Nhưng bạn cũng nên thừa nhận những điều mình chưa biết và cần tìm hiểu thêm.
Để nuôi dạy một đứa trẻ thì sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần của chính bạn cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, do quá tập trung vào việc chăm sóc bé mà nhiều phụ huynh quên mất việc chăm sóc mình. Chăm sóc bản thân sẽ giúp bạn thêm hiểu biết, kiên nhẫn, trí tưởng tượng và năng lượng để nuôi dạy con cái.
Theo Raisingchildren
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!