Phụ nữ bị stress khi mang thai có thể tác động đến chỉ số, sự phát triển của thai nhi, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm tới em bé trong tương lai.
Căng thẳng khi mang thai không hề tốt cho thai nhi mẹ nhé
1. Dễ gây sinh non và bé nhẹ cân
Căng thẳng làm tăng hormone giải phóng corticotropin (CRH). Ở phụ nữ mang thai, CRH ảnh hưởng đến thời gian mang thai và sự trưởng thành của thai nhi. Mức CRH càng cao, thời gian sinh càng sớm. Mọi người thường nghĩ rằng để ngăn ngừa sinh non, bà bầu cần tránh căng thẳng trong 3 tháng cuối mang thai. Tuy nhiên, thực tế, việc sinh non bị kích thích bởi sự gia tăng sớm của CRH, gây ra bởi căng thẳng trong những tuần đầu tiên của thai kỳ.
2. Ảnh hưởng đến trí thông minh của bé
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng mức cortisol cao có thể làm giảm chỉ số IQ của trẻ. Thông thường, nhau thai sản xuất các enzym phá vỡ cortisol. Nó sẽ không sản xuất đủ nếu bà bầu bị căng thẳng quá mức hoặc trong thời gian dài. Ngoài ra, căng thẳng trong khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của em bé.
3. Các vấn đề về giấc ngủ
Không chỉ tác động đến sự phát triển của thai nhi, tâm trạng của người mẹ còn cản trở giấc ngủ và thời gian ngủ của trẻ sau khi sinh ra. Các nhà khoa học đã tiến hành đo thời gian ngủ và tần suất thức dậy trong đêm của các bé ở độ tuổi 6, 18 và 30 tháng. Kết quả cho thấy những đứa trẻ có mẹ bị stress khi mang thai gặp vấn đề về giấc ngủ lúc 18 và 30 tháng. Điều này xảy ra do cortisol truyền qua nhau thai, ảnh hưởng đến vùng não chịu trách nhiệm ổn định nhịp sinh học của em bé.
4. Ảnh hưởng sức khỏe tổng thể
Nhiều nghiên cứu phát hiện nguy cơ nhiễm trùng sớm và rối loạn tâm thần ở trẻ em bị căng thẳng trong bụng mẹ cao hơn. Ngoài ra, những vấn đề khác có thể xảy ra liên quan đến mắt, tai, tiêu hóa, hô hấp, da, cơ xương khớp, tuần hoàn và bệnh về cơ quan sinh dục. Nó góp phần phát triển bệnh dị ứng và hen suyễn ở trẻ sau này.
5. Tăng mức độ sợ hãi và lo lắng của trẻ
Mức độ cortisol cao ở phụ nữ mang thai khiến trẻ sinh ra dễ bị căng thẳng. Khi được kiểm tra, những em bé tiếp xúc với cortisol cao ở mẹ có phản ứng căng thẳng nhiều hơn. Đến thời điểm tập đi, trẻ hay sợ hãi khi tiếp xúc với những thử thách đơn giản như nhìn thấy người lạ bước vào phòng, hoặc có quả bóng lăn về phía chúng. Các bà mẹ cũng nhận thấy rằng bé sẽ có mức độ lo lắng dữ dội hơn nhiều bạn khác ở lứa tuổi mẫu giáo, tuổi đi học và chúng sẽ sợ đi học.
Cách vượt qua stress khi mang thai
1. Dành thời gian nghỉ ngơi
- Sẽ thật tốt nếu nói “không” khi bạn không còn năng lượng để làm thêm bất cứ công việc vặt nào trong nhà cho dù bạn có rất nhiều thời gian.
- Trong công việc, hãy tìm một nơi để kê cao chân, thư giãn khi ăn trưa và vào buổi tối. Hãy cố gắng cắt giảm tối đa các công việc nhà.
- Nếu đã có con thì rất khó có thời gian cho riêng mình. Vì thế đừng ngại nhờ chồng, bạn hay ông bà trông bé lớn để bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi.
2. Tập yoga trước sinh
Yoga trong khi mang thai không chỉ giúp cơ thể uyển chuyển mà còn là 1 kỹ thuật thư giãn, giúp quá trình chuyển dạ thuận lợi hơn. Nếu có cảm giác lo lắng hay trong giai đoạn chuyển dạ, thực hành kỹ thuật thở yoga sẽ rất hữu ích.
3. Thư giãn và liệu pháp bổ sung
Mẹ có thể lựa chọn mát-xa là cách giảm stress rất thú vị. Nếu dùng dầu thơm hay tinh dầu, thì lưu ý về tính an toàn của nó với thai phụ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ.
Hãy tìm đọc các cuốn sách dạy kỹ thuật thư giãn và chọn 1 thời điểm nào đó mà không ai quấy rầy rồi thực hiện trong vòng 30 phút. Bật vài bài nhạc nhẹ nhàng cũng là cách thư giãn tuyệt vời cho mẹ bầu khi đang chờ đón con yêu!
4. Dinh dưỡng và luyện tập
Ăn các thực phẩm có tác dụng tính tâm như các loại ngũ cốc nguyên cám (giàu vitamin B) sẽ giúp cơ thể tăng cường khả năng ứng phó với stress, nhờ sản xuất hooc-môn serotonin. Bảo đảm chuyện ăn uống trong quá trình mang thai cũng rất quan trọng.
Tập luyện cũng giúp giảm căng thẳng vì thế nên tập luyện đều đặn trước khi có thai và trong khi có thai. Mẹ có thể xem xét các môn thể thao như bơi lội hay đi bộ đều rất tốt.
Theo theAsianparent
Xem thêm
- Giảm stress khi mang thai, hãy nghe những bài hát thư giãn nhất quả đất này!
- Căng thẳng khi mang thai – Nguy hiểm ngầm mẹ không thể coi thường
- 9 triệu chứng trầm cảm bạn thường coi nhẹ
- Sinh đôi khiến cha mẹ dễ trầm cảm hơn