Những người làm văn phòng, giáo viên,… thường dễ mắc phải hội chứng ngón tay lò xo. Vậy hội chứng này là gì và có nguy hiểm không? Mời bạn tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Ngón tay lò xo là hội chứng gì?
Hội chứng ngón tay lò xo còn có tên gọi khác là viêm hẹp bao gân của các gân gấp ngón tay. Bệnh này khiến cho người bệnh gặp khó khăn trong việc gấp hay duỗi ngón tay, đặc biệt là vào buổi sáng.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Ngón tay lò xo (còn gọi là ngón tay cò súng) là bệnh viêm bao gân gấp ngón tay, xảy ra do tình trạng viêm bao gân của các gân gấp ngón tay, hậu quả gây chít hẹp bao gân, khiến người bệnh gặp khó khăn khi gấp và duỗi ngón tay. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, viêm khớp dạng thấp, gout, vẩy nến, người có công việc phải sử dụng ngón tay linh hoạt thường xuyên hoặc xảy ra sau chấn thương.
Triệu chứng bệnh khá rõ ràng, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các động tác đơn thuần như cầm nắm, ngón tay sẽ bị kẹt ở tư thế gấp hoặc duỗi, cần phải dùng tay kia hỗ trợ. Vài trường hợp, bệnh nhân đau dọc theo phía trục của các ngón tay, đau phía gân tay hoặc sờ thấy các vết sưng to trên ngón tay.
Một số trường hợp nặng, khi gập duỗi ngón tay còn nghe thấy tiếng các khớp ngón tay kêu “lụp cụp”.
Những ai dễ bị ngón tay lò xo?
Bệnh ngón tay lò xo thường phổ biến ở dân văn phòng, giáo viên, nông dân, thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, thợ thủ công , nhân viên đánh máy, người chơi golf, chơi tennis,… Đây là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh do thường xuyên phải sử dụng ngón tay một cách linh hoạt. Ngoài ra, những người bị rối loạn nội tiết như tiểu đường, gout,… cũng thường đi kèm với căn bệnh này.
Phân loại mức độ bệnh
- Người bệnh bị đau ở gốc ngón tay nhưng ngón tay vẫn còn di chuyển, cử động được
- Ngón tay của người bệnh bị giữ lại, phần gân còn di chuyển được nhưng bị bật hoặc phải dùng tay còn lại trợ giúp để đóng hoặc mở ngón tay
- Người bệnh có ngón tay bị kẹt hoàn toàn ở tư thế cò súng
Ngón tay lò xo có nguy hiểm không?
Bệnh này không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng nó sẽ làm hạn chế mọi hoạt động của bàn tay, từ đó làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của họ.
Với trường hợp bệnh nặng, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở nếp gấp của mặt lòng bàn tay và đau khi mở hoặc nắm các ngón tay lại.
Các cách điều trị bệnh ngón tay lò xo
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
- Tiêm corticoid tại chỗ
- Phẫu thuật giải phóng bao gân, cắt bỏ phần viêm xơ
- Hạn chế vận động ngón tay, dùng nẹp ngón tay để cố định, chườm lạnh hoặc chiếu tía hồng ngoại nếu ngón tay bị sưng
- Uống các loại thuốc vitamin, thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh khi có viêm nhiễm,…
Theo bác sĩ Nam, bệnh viêm bao gân gấp ngón tay có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng. Bệnh nhân được điều trị nội khoa (thuốc uống hoặc tiêm tại chỗ) kết hợp với việc hạn chế vận động ngón tay bị tổn thương, có thể dùng nẹp ngón tay để cố định, chườm lạnh hoặc chiếu tia hồng ngoại. Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, phẫu thuật giải phóng chèn ép, cắt bỏ phần viêm xơ sẽ được bác sĩ cân nhắc sử dụng để điều trị.
Dù là dùng phương pháp nào thì bạn cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín. Ngoài ra, cần tích cực phòng bệnh tái phát bằng chế độ lao động, sinh hoạt nhẹ nhàng, hợp lý.
Bài tập ngón tay lò xo
Bệnh ngón tay lò xo hoàn toàn có thể ngăn ngừa và khắc phục được qua các bài tập dưới đây. Bạn hãy kiên trì và tập luyên thường xuyên để các ngón tay trở lại linh hoạt như bình thường nhé.
Bài tập 1
- Áp bàn tay xuống mặt phẳng
- Lần lượt nâng từng ngón tay lên, giữ ngón tay lại khoảng 1 – 2 giây sau đó thả xuống và tiếp tục nâng ngón khác. Lưu ý là bạn vẫn giữ cho lòng bàn tay áp sát mặt phẳng nhé
- Thực hiện bài tập này khoảng 10 phút mỗi ngày để đạt kết quả tốt nhất
Bài tập 2
- Dùng một sợi dây thun, quấn các ngón tay lại sao cho các ngón chụm lại với nhau
- Đóng mở các ngón tay để sợi dây thun co giãn
- Bạn cũng lặp lại bài tập này trong 10 phút mỗi ngày
Bài tập 3
- Chụm ngón cái và ngón giữa lại với nhau tạo thành hình tròn.
- Giữ tư thế này khoảng 5 giây rồi duỗi ngón tay ra.
- Lặp lại liên tục như vậy khoảng 10 lần
- Bạn tập bài tập này mỗi ngày 2 đến 3 lần để đạt kết quả tốt nhất nhé
Phòng tránh bệnh ngón tay lò xo như thế nào?
Để phòng tránh bệnh ngón tay lò xo, bạn cần thường xuyên thay đổi các động tác với hai bàn tay, không nên lặp đi lặp lại một động tác với một bàn tay trong thời gian dài.
Khi phải sử dụng một bàn tay quá lâu, bạn cần để tay nghỉ ngơi thường xuyên giữa giờ, vận động các khớp ngón tay theo 3 bài tập trên để ngón tay được thư giãn. Thường xuyên massage, xoa bóp nhẹ nhàng cho các ngón tay.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nếu bạn gặp các triệu chứng dưới đây, cần phải đi khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời:
- Khó khăn khi thực hiện các động tác cầm nắm và gấp duỗi
- Xuất hiện cơn đau phía gân tay, dọc theo trục của các ngón tay, cơn đau tái đi tái lại nhiều lần
- Có hạch phản ứng ở vùng khuỷu phía trong
- Có kèm sốt khoảng 38 – 38.5 độ C
Vừa rồi là những thông tin về hội chứng ngón tay lò xo hay còn gọi là viêm hẹp bao gân của các gân gấp ngón tay. Bệnh này không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bạn. Vì vậy phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu bạn đang làm các công việc sử dụng ngón tay nhiều thì hãy thường xuyên “tập thể dục” cho các ngón tay để ngăn ngừa căn bệnh này nhé.
Xem thêm:
- 4 Bài tập giảm đau cổ cho dân văn phòng dễ thực hiện lại hiệu quả
- 3 bài tập giảm đau lưng cho dân văn phòng cực hiệu quả
- 7 bài tập thể dục thích hợp cho dân văn phòng trong mùa cúm