Chén bát vô tri cùng chạn còn va, huống chi “người khác họ” về sống chung một nhà. Mối quan hệ con dâu với nhà chồng, mẹ chồng “vui ít, buồn nhiều” luôn là nguyên nhân khiến các cô gái lo lắng nhất. Vậy để đôi trẻ được hạnh phúc, nên sống riêng hay sống chung với nhà chồng?
Hiện nay, rất nhiều cô gái đưa ra quan điểm không muốn sống chung với mẹ chồng. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện “ra riêng” sau khi cưới. Bài viết này nhằm giúp con dâu, nhà chồng điều chỉnh mối quan hệ sao cho vẹn cả đôi bên.
Nên sống riêng hay sống chung với nhà chồng là nỗi băn khoăn của rất nhiều chị em
Cần hiểu rõ thế nào là “sống chung với nhà chồng” trước
Để đi đến quyết định nên sống riêng hay sống chung với nhà chồng hay không, bạn trước hết cần hiểu rõ tình hình. Bởi lẽ vấn đề nào cũng có hai mặt. Việc của bạn chính là hiểu để chọn mặt nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình.
Hiểu về mẹ chồng, nhà chồng
Bạn không thể bắt mẹ chồng phải thương bạn. Vì thế, bạn phải thương bà trước, thương một cách vô điều kiện. Chẳng ai có thể cứ ghét hoài người thương mình nhiều như thế. Còn nếu bạn thấy tình cảm của bạn không được đáp lại, nghĩa là, bạn thương chưa đủ nhiều. Cũng có thể cách bạn thương mẹ chồng, nhà chồng chưa đúng.
Tình cảm mà bạn dành cho mẹ chồng xuất phát từ việc bạn thương chồng chứ không phải vì sợ bà ghét bỏ. Bởi vì, để chăm sóc được cho chồng bạn khôn lớn, bà đã rất vất vả. Nếu không có bà thì không có chồng bạn, càng không có gia đình nhỏ mà bạn muốn vun đắp.
Mẹ chồng khó chìu, toàn gây ức chế, hãy tìm hiểu xem vì sao bà như thế. Có thể cuộc sống trong quá khứ, hiện tại của bà gặp nhiều ấm ức, tổn thương. Cũng có thể, trải nghiệm làm dâu của bà không đẹp nên bà đang áp nó lên cho bạn.
Hãy tìm hiểu xem vì sao mẹ chồng luôn khó chịu với bạn trước khi oán trách bà
Đừng ngại tìm đến các chuyên gia
Vấn đề rắc rối nào trong cuộc sống cũng đều có cách giải quyết. Khi gặp vấn đề với mẹ chồng, nhà chồng hãy tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân. Bạn hãy kể cho họ nghe cụ thể về tình hình của mình. Với kinh nghiệm và năng lực vốn có, họ sẽ nhìn ra những vấn đề mà bạn không nhìn thấy. Từ đó các chuyên gia sẽ cho bạn lời khuyên là nên sống riêng hay sống chung với nhà chồng hay không?
Ưu và nhược điểm của việc sống chung với nhà chồng
Lợi ích khi sống chung
Vợ chồng bạn sẽ bớt được gánh nặng kinh tế, tiết kiệm được kha khá chi phí. Khi sống chung với nhà chồng, bạn sẽ được san sẻ công việc nội trợ. Bạn không phải tất bật sau mỗi giờ làm cho việc đón con, nấu nướng. Thi thoảng, bạn còn có thể cùng bạn bè café tán gẫu như thuở “độc thân, vui tính”.
Bạn sẽ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm nấu nướng, vốn sống từ mẹ chồng. Biết đâu, từ một người vụng về, qua sự đào tạo của mẹ chồng lại trở thành cao thủ bếp núc? Biết nấu những món ăn chồng thích, bạn sẽ “trói đời” chồng tốt hơn.
Hòa hợp với mẹ chồng sẽ rất có lợi cho cuộc sống hôn nhân của phụ nữ
Vợ chồng bạn sẽ bớt phần gánh nặng để lo cho con cái. Sau sáu tháng thai sản, con bạn còn quá bé để gửi gắm người ngoài. Ông bà là người thích hợp nhất để bạn an tâm giao phó. Từ đó, vợ chồng bạn có thể toàn tâm toàn ý lo cho công việc. Thậm chí, cả hai có thể hẹn hò nhau đi du lịch mà không lo vướng bận con cái.
Đôi khi, mẹ chồng lại trở thành đồng minh với con dâu khi hai vợ chồng bất hòa. Chồng có thể không nể lời vợ nhưng không thể không nghe mẹ. Vì thế, mẹ chồng đôi khi lại là “đòn hiểm” để vợ “áp lực” lên chồng.
Và những bất lợi
Ở chung với nhà chồng, bạn sẽ không có không gian riêng tư. Bạn khó mà làm những điều mình thích. Ví dụ như cách bày trí, cách ăn uống, cách sinh hoạt… và đặc biệt là cách nuôi con. Sự khác biệt về quan điểm nuôi dạy con luôn là nguyên nhân hàng đầu khiến nảy sinh mâu thuẫn.
Nếu một trong hai bên không khéo cư xử, mâu thuẫn xảy ra là tất yếu. Từ mâu thuẫn nhỏ, không giải quyết tốt sẽ thành mâu thuẫn lớn. Có khi kéo cả gia đình vào những xung đột không cần thiết. Từ đó, gia đình lớn giữ không được, gia đình nhỏ cũng đứng bên bờ tan vỡ.
Bạn phải hạn chế giao tiếp vô tư, thoải mái với bạn bè ở nhà. Chẳng mẹ chồng nào thích cảnh bạn “tám xuyên lục địa” hay cười hô hố với bạn. Bạn càng không thể tự do làm đẹp, đi lại hay ăn uống món mình thích.
Thật ra, người khổ nhất khi sống chung với nhà chồng chính là chồng bạn. Đứng giữa mẹ và vợ, không biết bênh ai bỏ ai thì chồng bạn chắc chỉ có thể “bỏ nhà”. Từ đó, nguy cơ vợ chồng tan vỡ cũng cao hơn.
Hãy bàn bạc thật kỹ cùng chồng và có quyết định đúng đắn nhất
Để có quyết định đúng, trước hết bạn cần bàn bạc thật kỹ cùng chồng. Cả hai hãy nghiêm túc suy xét mức độ hòa hợp và khả năng giải quyết mâu thuẫn với gia đình. Khi bạn có mâu thuẫn, liệu người chồng có đủ bản lĩnh để dàn xếp vấn đề hay không? Nếu tin gia đình nhỏ của bạn có thể sống hạnh phúc cùng gia đình lớn, hãy về chung. Còn không, bạn hãy chọn xây dựng không gian riêng. Tất nhiên, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần đối mặt với những vấn đề sẵn có của một gia đình trẻ.
Xem thêm
Bạn tự hỏi nên cư xử thế nào với mẹ chồng, người không ưa mình đây ?
10 điều mẹ chồng không nên làm với con dâu
Mẫu thuẫn mẹ chồng nàng dâu không hồi kết vì cách chăm sóc cháu của mẹ chồng
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!