Nếu đặt lên bàn cân so sánh, có phải văn hoá chính là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa mẹ chồng Tây và mẹ chồng ta? Cùng đi tìm câu trả lời trong 1001 câu chuyện về muôn kiểu làm dâu với mẹ chồng Tây và mẹ chồng ta ngay trong bài viết dưới đây!
Làm dâu Tây – làm dâu ta và cuộc sống khác biệt trong gia đình nhà chồng
Không chỉ khác nhau về màu mắt, màu da hay mái tóc, các bà mẹ chồng ở phương Đông và phương Tây cũng khác trong cả cách suy nghĩ và ứng xử với nàng dâu.
Con dâu là phải phục vụ nhà chồng
Trong các gia đình truyền thống của người Việt, với quan điểm “Dâu là con, rể là khách” đã ăn sâu vào tiềm thức thì các cô gái sau khi được gả cưới, kết hôn sẽ chính thức ghi tên mình vào danh sách ăn đời ở kiếp cùng nhà chồng. Nếu sau cưới, 2 vợ chồng ở riêng thì còn có đôi chút dễ thở nhưng nếu ở chung cùng bố mẹ chồng, thậm chí sinh hoạt cùng nhà với “tứ đại đồng đường” thì nghiễm nhiên các nàng dâu ta sẽ được bàn giao lại “quyền lực” từ phía mẹ chồng trong vai trò đầu bếp trưởng, phục vụ trưởng.
Dù đi làm hay ở nhà, dù ở chung hay lâu lâu mới về “vấn an” thân phụ thì khi có sự xuất hiện của nàng dâu thảo hiền, mọi thành viên trong gia đình đều khá an lòng vì nghiễm nhiên mọi công việc không tên từ dọn dẹp, bếp núc, cơm bưng nước rót đều đã có người đảm nhận như 1 bổn phận và trách nhiệm để làm trọn đạo hiếu dâu con.
Ăn cơm cùng mâm thì có người rửa chén, có người lau bàn
Ngược lại, các cô dâu Việt lấy chồng Tây có thể sẽ cảm thấy khá “bỡ ngỡ” trong những ngày đầu sinh hoạt cùng nhà chồng. Cú shock văn hóa này hoàn toàn theo chiều hướng tích cực vì với quan điểm của mẹ chồng Tây, mọi thành viên trong gia đình đều có vai trò như nhau, ai cũng như ai.
Cùng câu chuyện bếp núc, nếu mẹ chồng đi chợ thì con dâu kho cá còn con trai kho thịt. Con dâu rửa bát thì con trai quét nhà. Thậm chí ngay cả bố chồng cũng sẵn sàng xắn tay vào cầm dao cầm thớt chứ chẳng có chuyện vắt chân chữ ngũ đọc báo, uống trà, xem tivi đợi đến giờ cơm bao giờ. Bữa ăn vì thế có lẽ cũng trở nên ngon miệng hơn phải không các nàng dâu ta lấy chồng Tây?
Tình cảm giữa mẹ chồng nàng dâu
“Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng” được coi là câu nói thể hiện rõ nét cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu Việt. Với suy nghĩ: “Uốn cây từ thuở còn non, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” nên từ khi vừa chân ướt chân ráo, chưa hiểu mô tê gì về tính cách, thói quen của gia đình mới, các nàng dâu đã được mẹ chồng dạy dỗ về lối hành xử, nói năng trong gia đình sao cho đúng tôn ti trật tự, vai vế, cấp bậc. “Thân quá hóa lờn”, dâu con là phải ở vai dưới, chuyện gì cho phép nói mới được nói. Cũng bởi vậy mà ngay từ đầu, giữa 2 người phụ nữ gọi nhau là mẹ – con đã có 1 khoảng cách vô hình không sao xóa nổi.
Ấy vậy mà, các cô gái Việt xuất giá theo chồng Tây vào thời gian rảnh rỗi, lại có thể thoải mái khoác tay mẹ chồng đi mua sắm, xem phim, làm móng, spa, tận hưởng cuộc sống như những người bạn cùng trang lứa. Lúc ở nhà, mẹ chồng – con dâu lại rủ rỉ chuyện trò đủ chuyện trên trời dưới biển và ôm nhau cười khúc khích. Ngay cả khi chưa quen về những khác biệt trong lối sống và văn hóa, các chị em cũng được chỉ bảo tận tình và được tham gia ý kiến vào những công việc chung của nhà chồng từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.
Chuyện ăn mặc cũng cười ra nước mắt
Làm dâu ở nhiều nhà chồng người Việt, các cô dâu trẻ nên nhớ cho rằng hãy vứt ngay những bộ cánh cổ tròn, khoét sâu, những chiếc váy ôm body hay độ dài không quá gối và thay vào đó là những trang phục đoan trang, cổ điển, kín cổng cao tường, để mẹ chồng không cảm thấy ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải. “Gái có chồng rồi chị nên ăn mặc kín đáo hơn kẻo người ta cười vào mặt cho” là lời dạy vàng ngọc của không ít bà mẹ chồng mỗi lần giương mục kỉnh ngắm nghía con dâu từ đầu đến chân khi ra ngoài. Lâu ngày ngắm mình trong gương, đôi lúc các nàng dâu mới tuổi đôi mươi không khỏi bùi ngùi nhớ về hình ảnh rực rỡ của mình thuở còn độc thân.
Trong khi 1 bên mẹ chồng luôn cố gắng xây dựng cho con dâu 1 hình ảnh thùy mị, nết na thì mẹ chồng Tây lại không quá đặt nặng suy nghĩ về vấn đề ăn mặc. Đẹp khoe, xấu che, miễn sao con thấy thoải mái và biết cách lựa chọn trang phục phù hợp cho từng hoàn cảnh, môi trường, công việc thì tức là con đã biết cách ăn mặc lịch thiệp rồi. Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi mẹ chồng cũng có thể ăn mặc trẻ trung với quần sooc, áo dây khi cùng con dâu đi dạo mát, mua sắm cả. Chính lối suy nghĩ cởi mở này khiến các nàng dâu Việt cảm thấy được tôn trọng và càng cố gắng học cách mặc đẹp hơn.
Học cách hiếu lễ, cho nhận trong gia đình chồng
Muốn làm hài lòng nhà chồng và thể hiện sự hiếu lễ, ngoài việc phải ghi nhớ lề lối, gia phong cùng list dài những quy tắc bất thành văn về nếp ăn, nếp ở, các nàng dâu ta cũng đừng quên tặng quà cho mọi người trong gia đình từ già đến trẻ trong những dịp lễ trọng hay đi công tác, du lịch về. Bởi vậy, sẽ có lúc chị em ta cảm thấy đau đầu và áp lực vì phải suy nghĩ về những món quà tặng mẹ chồng sao cho đúng ý bà mà không bị bóng gió về việc tiêu tiền hoang phí hay tính toán chi li.
Trong các gia đình phương Tây, quà cáp là để trao gửi tình cảm yêu thương, quan tâm, muốn làm nhau vui vẻ chứ không nặng về vật chất hay thời điểm nào cả. Lần đầu được nhận quà của bố mẹ chồng trong ngày sinh nhật, dịp Lễ giáng sinh, quà mừng năm mới hay đơn giản chỉ là: “Mẹ thấy món quà này hợp với con” cũng có thể khiến bất cứ nàng dâu nào xúc động và nhớ mãi không quên. Hãy tập làm quen với điều đó và trao nhau những món quà bằng tất cả tình yêu thương.
Tréo ngoe khi nuôi dạy con cái
Với tư duy đậm chất Á Đông, phụ nữ sau khi sinh con sẽ có 1 trợ thủ đắc lực đó chính là mẹ chồng. Con của mình nhưng cháu của bà. Bà nuôi chồng mình thì giờ bà cũng nuôi cả cháu mình. “Trứng không thể khôn hơn vịt” nên không hiếm chuyện những bà mẹ chồng “nhiệt tình” còn tham gia trọn khâu từ lúc bầu bì ăn gì, uống gì đến khi ở cữ kiêng gì, cho con bú như thế nào, bế ẵm, ngủ nghỉ, ị đái ra sao. Rồi 1001 chuyện tréo ngoe khi nuôi dạy con cái cũng khiến không ít các nàng dâu ta cảm thấy bất lực, ấm ức chảy nước mắt mà không thể nói thành lời.
Ngược lại 180 độ với sự bao bọc và can thiệp quá sâu vào cuộc sống hôn nhân của con cái, các bà mẹ chồng ngoại quốc vẫn hoàn toàn yêu thương con cháu như bất kì người mẹ, người bà nào trên thế giới nhưng theo 1 cách hoàn toàn khác. Sự xuất hiện của em bé tức là gia đình có thêm niềm vui và hạnh phúc mới nhưng không có nghĩa là cuộc sống cá nhân của bất kì ai cũng bị đảo lộn theo. Chỉ những khi thực sự cần thiết hoặc con trai, con dâu có lời bà mới tham gia vào việc chăm sóc cháu. Bà nội có thể bế ẵm, chơi đùa cùng em bé nhưng nuôi như thế nào, nuôi ra sao hoàn toàn là quyền thuộc về bố mẹ.
Mẹ chồng – nàng dâu: Cuộc chiến không có hồi kết?
Có thể thấy sự tương phản giữa mẹ chồng ta và mẹ chồng Tây xuất phát từ sự khác biệt trong văn hóa và tư tưởng. Các bà mẹ phương Đông thường quan niệm con cái phải nghe lời cha mẹ tuyệt đối nhưng các bà mẹ phương Tây lại để con có những quyết định riêng và tự chủ trong cuộc sống của chính mình. Chính vì vậy, ngay cả trong quan hệ với nàng dâu, nếu mẹ chồng ta thường áp đặt con bằng những quy tắc của riêng mình thì mẹ chồng Tây lại khá phóng khoáng, tôn trọng tự do, sở thích và lối sống riêng của con dâu. Sự khác biệt này khiến không ít cô gái ao ước được một ngày… đổi mẹ chồng.
Tuy nhiên, đừng vội suy nghĩ cực đoan như vậy, dù thuộc nền văn hóa nào thì theo lẽ thường các bà mẹ đều yêu thương và vun vén cho con. Với con dâu, tuy không có quan hệ huyết thống, nhưng họ xác định đó chính là người chia ngọt sẻ bùi với con trai mình và là mẹ của các cháu mình.
Bởi vậy, nếu phần lớn mâu thuẫn nảy sinh trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu xuất phát từ khác biệt trong nếp sống và cách nghĩ thì các chị em cũng nên “nhập gia tùy tục”, hiểu được những xáo trộn trong tâm lý phụ nữ Á Đông để có cách hành xử phù hợp. Đừng quên rằng, vẫn còn rất nhiều phụ nữ lấy chồng lấy được cả mẹ chồng thoáng như Tây và học cách mở lòng hơn trong mối quan hệ này!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!