Mang thai trong mùa dịch Covid-19 có gì khác so với khi bình thường? Mẹ bầu có phải thay đổi kế hoạch sinh đẻ trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng hiện nay? Covid-19 ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào? 15 câu hỏi thường gặp của mẹ bầu trong mùa dịch sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Mẹ mang thai có bị ảnh hưởng bởi coronavirus không?
Kết quả nghiên cứu cho thấy covid-19 làm tổn thương nghiêm trọng sức khỏe đối tượng lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền. Phụ nữ ở độ tuổi mang thai hầu hết ở 20–35, sức khỏe đang còn tốt nên thường biểu hiện bệnh nhẹ. Hầu hết phụ nữ mang thai trong mùa dịch Covid-19 bị nhiễm SARS-Cov-2 sẽ chỉ cảm cúm nhẹ đến trung bình. Triệu chứng thường chỉ giới hạn ở ho khan, sổ mũi, đau họng, sốt nhẹ.
Sản phụ có bệnh lý nền như suy tim, đái tháo đường type 2 sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và phải chăm sóc đặc biệt khi nghi ngờ hoặc đã nhiễm covid-19.
Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?
Tính đến thời điểm hiện tại các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng:
- Không tìm thấy virus SARS-CoV-2 trong nước ối và sữa của người mẹ nhiễm bệnh
- Có 1 số bằng chứng cho thấy người mẹ có thể lây covid-19 cho con trong và sau khi sinh nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm trên số mẫu lớn hơn
- Tất cả trẻ sơ sinh bị lây coronavirus từ mẹ đều đang rất khoẻ mạnh
- Không có bằng chứng nào chứng minh rằng covid-19 sẽ làm chậm phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ nhỏ
Ở Trung Quốc đã ghi nhận 1 số trường hợp sinh non, tuy nhiên chưa thể kết luận rằng Covid-19 gây sinh non hay sản phụ được cho sinh sớm để bảo toàn sức khỏe.
Sản phụ nghi ngờ hoặc kết luận nhiễm covid-19 nên sinh thường hay sinh mổ?
Nếu bạn chỉ nhiễm phải covid-19 mà không mắc bất kì bệnh lý thai kỳ hoặc vấn đề sức khỏe nào cần sinh mổ thì vẫn sinh thường được. Sinh thường giúp đảm bảo nguồn sữa của mẹ và sự phát triển tốt nhất của đứa trẻ.
Để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm từ xung quanh, sản phụ có nên sinh con tại nhà?
Chuyên gia y tế khuyên mẹ bầu sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cả mẹ và bé. Sinh con tại cơ sở y tế chuyên khoa giúp giảm nguy cơ tai biến sản khoa cũng như tạo điều kiện cho bác sĩ theo dõi và can thiệp sớm trong suốt ca sinh, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, người nhà có thể có mặt khi sản phụ sinh con không?
Ở nhiều bệnh viện, người nhà có thể vào phòng sinh cùng sản phụ. Tuy nhiên phải tuân thủ quy định của bác sĩ và đảm bảo nguyên tắc vệ sinh cần thiết. Nếu người nhà thuộc nhóm đối tượng phải cách ly thì không thể và không được có mặt trong lúc sinh.
Sản phụ nhiễm covid-19 có thể cho con bú được không?
Việc cho con bú khi nhiễm coronavirus là hoàn toàn có thể, tuy nhiên người mẹ bắt buộc phải:
- Đeo khẩu trang y tế khi cho con bú
- Rửa tay thật sạch trước và sau khi tiếp xúc với trẻ
- Rửa tay thường xuyên, cũng như lau chùi bằng cồn/dung dịch sát khuẩn đối với các vật, bề mặt tiếp xúc thường xuyên
Mẹ nhiễm covid-19 có thể tiếp xúc với con được không?
Điều này là có thể nếu mẹ đeo khẩu trang và vệ sinh tay thật kỹ.
Mẹ nhiễm covid-19 nếu sợ cho con bú trực tiếp sẽ bị lây nhiễm thì có thể làm gì?
Lúc này chị em có thể:
- Vắt sữa, để vào tủ lạnh và hâm nóng nước khi cho trẻ bú
- Xin sữa của các bà mẹ khác
- Vệ sinh thường xuyên bình sữa, dụng cụ vắt sữa
Làm thế nào để giảm nguy cơ lây nhiễm covid-19 cho bà bầu?
Không chỉ riêng phụ nữ mang thai trong mùa dịch Covid-19 mà tất cả người dân phải tuân thủ các điều sau:
- Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người
- Rửa tay thường xuyên bằng sản phẩm tiệt trùng
- Không tiếp xúc với người bị bệnh, người nghi nhiễm bệnh
- Không tiêu thụ sản phẩm từ động vật sống, động vật hoang dã
- Thực hiện ăn chín uống sôi, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao đề kháng
- Ho, hắt hơi vào khăn giấy và vứt rác đúng nơi quy định
Chị em đang mang thai từ 28 tuần trở lên cần đặc biệt chú ý các điều trên, nên tự cách ly tối đa.
Sản phụ có nên đi thăm khám định kỳ trước và sau sinh không?
Chăm sóc trước và sau sinh rất quan trọng bất kể tình hình dịch bệnh diễn biến thế nào. Tuy nhiên chị em cũng cần lưu ý:
- Liên lạc đặt khám trước với bác sĩ sản khoa định kỳ để hỏi cụ thể địa điểm và thời gian khám, giúp hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc người lạ
- Có thể xin tư vấn qua video, điện thoại nếu điều kiện cho phép
- Cử động thai (thai máy) là theo dõi bắt buộc. Điều này đặc biệt quan trọng khi thai phụ mang thai từ 26 tuần trở đi và càng quan trọng hơn trong thời gian dịch bệnh này. Nếu số lượng thai máy giảm, hãy lập tức gọi 115 báo về tình trạng và phân loại cách ly của bản thân
Mẹ bầu có nên đi làm trong thời điểm dịch bệnh này không?
Phụ nữ mang thai được pháp luật bảo vệ theo luật lao động. Người sử dụng lao động không được:
- Sử dụng lao động nữ làm việc vào ban đêm
- Yêu cầu sản phụ làm thêm giờ
- Cử đi công tác xa đối với sản phụ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; mẹ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
- Đối với những lao động nữ làm công việc nặng nhọc thì từ tháng thứ 07 trở đi, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương
Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Phụ nữ mang thai được nghỉ 2 ngày mỗi lần khám thai. Theo điều 157, Bộ luật lao động 2012: Bạn có quyền nghỉ trước ngày bác sĩ dự sinh là 2 tháng.
Điều 156 Bộ luật lao động và Điều 8 Nghị định 85/2015/NĐ-CP: Phụ nữ mang thai có thể tạm hoãn hợp đồng lao động, thời gian bắt đầu và kết thúc tùy thuộc thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng tối thiểu sẽ bằng thời gian chỉ định của bác sĩ.
Khi nghi ngờ nhiễm covid-19, phụ nữ mang thai cần làm gì?
Hãy lập tức gọi cho các trung tâm y tế gần vị trí mình đang ở nhất:
- Sản phụ sẽ được hướng dẫn cụ thể từng bước. Nếu thực sự có nguy cơ nhiễm thì sẽ được cách ly và có bác sĩ sản phụ khoa theo dõi
- Tự phân loại cách ly của bản thân và báo cho nhân viên y tế
Khi được thông báo cần cách ly tại chỗ, bạn vẫn có thể gọi điện thoại để được tư vấn tiền sản bởi bác sĩ của mình.
Cần làm gì khi sản phụ gặp vấn đề bất thường với sức khoẻ khi đang cách ly?
Mọi trường hợp thai giảm động, ra máu, chảy dịch âm đạo, đau bụng bất thường đều được coi là cấp cứu. Lúc này bạn hãy gọi đến số điện thoại 115 và thông báo về:
- Triệu chứng bất thường mình gặp phải
- Phân loại cách ly của bản thân
Sản phụ nghi ngờ hoặc xác định nhiễm covid-19 sinh con ra có được xét nghiệm?
Nếu bạn nghi ngờ hoặc khẳng định nhiễm covid-19 thì các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bé và xét nghiệm nếu ghi nhận bất thường.
Sau khi sinh sản phụ có bị cách ly với con mình không?
Mẹ và bé sẽ được cách ly cùng chỗ. Thời gian cách ly kéo dài đến khi đảm bảo rằng cả 2 mẹ con đều không nhiễm hoặc khỏi bệnh.
Bạn vẫn có thể mang thai trong mùa dịch Covid-19 an toàn dù nghi ngờ hoặc đã nhiễm SARS-CoV-2. Quá trình chuyển dạ, sinh con của bạn vẫn sẽ diễn ra một cách bình thường. Mẹ và con vẫn được tiếp xúc gần kề nhau để trẻ có được sự phát triển tốt nhất. Mẹ vẫn có thể cho con bú để con có đầy đủ dưỡng chất cho tăng trưởng. Tuy nhiên, hãy tuân thủ các quy định của nhà nước và yêu cầu của bác sĩ.
Xem thêm:
- 9 cách để duy trì năng lượng tích cực, giúp bạn lạc quan mùa dịch bệnh Covid-19
- Không phải HO và SỐT CAO, 1/2 số ca nhiễm Covid-19 đã xuất hiện triệu chứng này!
- Họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19: TP.HCM và Hà Nội có thể xuất hiện ca lây mới
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!