Hiện nay việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của trẻ sơ sinh đang dần nhân được sự quan tâm từ các bậc cha mẹ bởi những lợi ích thiết thực mà phương pháp này mang lại.
Tế bào gốc máu cuống rốn là gì?
Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh là nguồn tế bào gốc có khả năng miễn dịch cao, dùng để chữa trị cho chính bản thân em bé và người thân trong gia đình có chỉ số sinh học phù hợp với bé. Chính vì vậy, việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn được coi như một hình thức “bảo hiểm sinh học”.
Trước đây dây rốn và bánh nhau sau khi cắt rời khỏi em bé thì được xem như một loại rác thải y tế. Nhưng hiện nay khi mà sự ra đời của phương pháp điều trị mới bằng tế bào gốc, máu dây rốn sẽ được thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và lưu trữ lại. Mục đích của hoạt động này là để khi cần có thể lấy ra chữa bệnh cho chính người sở hữu dây rốn đó hoặc các thành viên khác trong gia đình.
Trường hợp ghép tế bào gốc máu cuống rốn đầu tiên được thực hiện vào tháng 10/1988 tại Pháp, trên bé trai 5 tuổi bị bệnh thiếu máu Fanconi từ máu cuống rốn em gái sơ sinh của bệnh nhân. Sau ghép, tủy mọc tốt, bệnh nhân khỏi bệnh và ổn định sức khỏe cho đến nay.
Lợi ích của việc lưu trữ tế bào máu cuống rốn
Việc lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốncủa trẻ là một biện pháp tốt bảo đảm tương lai sức khỏe cho những đứa trẻ này và các thành viên khác trong gia đình. Bởi đây là nguồn “Tế bào gốc trẻ”, chứa nhiều loại tế bào gốc nhất, khả năng phù hợp miễn dịch cao để:
- Chữa bệnh cho chính đứa trẻ đó trong cả cuộc đời.
- Chữa bệnh cho người nhà (anh chị em, bố mẹ, ông bà,…) và cho cộng đồng người khi có chỉ số sinh học phù hợp.
- Điều trị các bệnh liên quan đến xương, các vấn đề về máu.
- Các khiếm khuyết di truyền chính xác (tự ghép /dị ghép)
- Tiềm năng cho liệu pháp dùng tế bào và y học tái tạo.
Điều kiện để mẫu của tế bào máu ở cuống rốn sẽ nhận được lưu trữ
Mặc dù các thao tác cũng như quy trình lấy máu cuống rốn được thực hiện rất dễ dàng. Nhưng để có thể lưu trữ được nó cần có các điều kiện sau:
Đối với trẻ sơ sinh
- Trẻ khi chào đời cần được đủ tháng, ít nhất là 36 tuần và cân nặng cần đạt mức 2,5 kg.
- Sức khỏe của trẻ cần được ổn định, sau khi lấy mẫu, cần tiếp tục theo dõi trong 6 tháng liên tục để ra quyết định cuối cùng rằng liệu tế bào gốc ấy có thể sử dụng được không.
Đối với mẹ
- Phải thực hiện đăng ký khám tổng quát sức khỏe toàn diện đầy đủ trước khi sinh
- Mẹ trẻ phải đảm bảo được bản thân không mắc các căn bệnh tiểu đường hay huyết áp, ung thư. Lúc sinh con mẹ không bị ốm hay sốt… Chỉ có như thế thì việc cắt và lưu trữ máu cuống rốn của con mới đạt được mục đích ban đầu đề ra.
Chi phí cho việc lưu trữ máu cuống rốn là bao nhiêu?
Chi phí cho việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn khá cao. Ông Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Tế bào gốc Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho biết, chi phí để lưu máu cuống rốn trong ngân hàng tế bào gốc là khoảng 25 triệu đồng/mẫu trong năm đầu tiên.
Những năm sau đó, chi phí lưu trữ trung bình khoảng 2,5 triệu đồng/mẫu và việc lưu trữ sẽ kéo dài trong 18 năm. Lúc này, em bé đã lớn và đủ tư cách pháp nhân để quyết định có tiếp tục việc lưu trữ hay không và trực tiếp đứng tên cho hợp đồng dịch vụ mới, nếu có.
Theo chương trình Tài trợ tủy quốc gia của Mỹ, lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn chỉ tốt trong vòng 10 năm đầu và không phải trị được bách bệnh. Nếu đứa trẻ bị bệnh về gene thì tế bào gốc máu cuống rốn không giúp ích được gì.
Việc dùng tế bào gốc máu cuống rốn của em bé để chữa bệnh cho các thành viên trong gia đình cũng chỉ là 25%, 75% còn lại sẽ phải tìm những nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Tế bào cuống rốn thường chỉ dùng để trị một số bệnh hiểm nghèo ở trẻ em. Vì số lượng máu lấy từ cuống rốn trẻ sơ sinh chỉ từ 100 – 150ml, do đó cũng hạn chế về số tế bào gốc.
Liệu có cần thiết lưu trữ máu cuống rốn cho con không?
Hiện nay, không ít cặp vợ chồng khi sinh con đã quyết định lấy và gửi ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn như một cách “bảo hiểm sinh học” cho con. Tuy nhiên, việc có lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cho em bé hay không hoàn toàn do quyết định cá nhân. Việc không lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cho con cũng không phải là do bố mẹ thiếu thận trọng hay vô trách nhiệm. Vì vậy các bậc cha mẹ cũng đừng lấy đó làm áp lực.
Theo theAsianparent
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!