Lây lan virus Corona trong cộng đồng đang là đề tài được nhiều người quan tâm, trước tình hình dịch nCoV (virus corona) đang lây lan rất nhanh tại một số nước trên thế giới. Chiều 31/1, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch viêm phổi cấp do virus Corona, Bộ Y tế Việt Nam đã tiến hành họp báo cung cấp thông tin về nguy cơ lây lan virus Corona và các biện pháp phòng/ chống dịch bệnh.
Việt Nam hiện nay chưa có ca bệnh nào do sự lây lan virus Corona trong cộng đồng
Tại buổi họp báo, PGS TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp quá nhanh, đến nay những hiểu biết về căn bệnh, về nguồn bệnh, về loại virus còn hạn chế, chưa thật rõ ràng. Vì vậy, người dân có sự lo lắng nhất định và đặc biệt các cơ quan báo chí cũng có những điều chưa hiểu cặn kẽ, cho nên thông tin tiếp nhận và cung cấp chưa được tốt.
Toàn cảnh buổi họp báo
Việt Nam mới xác định có 5 trường hợp – là những ca xâm nhập. 3 trường hợp vừa qua, cũng là đi từ Vũ Hán về. 2 trường hợp điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó, người con trai sống ở Việt Nam và lây bệnh từ bố (từ Hồ Bắc đến Việt Nam du lịch và thăm con). Dù người con trai không từ Trung Quốc trở về nhưng trong vấn đề dịch tễ, chúng tôi cho rằng đây là những ca tiếp xúc rất gần với người bố, nên cũng có thể coi là ca mang tính chất xâm nhập. Nghĩa là ở Việt Nam hiện nay chưa có ca nào do sự lây lan cộng đồng.
PGS TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại buổi họp báo
Bên cạnh đó, PGS TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, ngày hôm qua (30/1), WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về virus Corona trên thế giới, nhiều người hiện nay hiểu chưa rõ ban bố tình trạng khẩn cấp là như nào, cho rằng đó là sự việc quá khủng khiếp. Vậy thì Việt Nam hiện nay sẽ giải quyết các vấn đề như thế nào?
Trong thời gian qua từ khi có thông tin dịch bệnh từ tổ chức quốc tế, Việt Nam đã rất quyết liệt và phải nói rõ ràng trong lúc này, chúng ta có những cái thuận lợi. Từ Ban Bí thư, Chính Phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương, đều đã vào cuộc. Chúng ta đã tổ chức giám sát trong các cửa khẩu tuy nhiên không phải lúc nào cũng bắt được ca bệnh, có nhiều trường hợp uống thuốc hạ sốt, không phát hiện được mầm bệnh. Chúng ta cũng đã giám sát tại các cơ sở y tế để kiểm soát dịch bệnh.
Trên cơ sở đó, chúng tôi thấy rằng cần phải phối hợp cơ quan truyền thông đại chúng, làm sao cho người dân hiểu rõ nhất. Bất kể ai từ vùng dịch về phải có khai báo, phải thực hiện cách ly tại nhà, có triệu chứng sốt đến ngay các cơ sở y tế điều trị.
Tiếp lời trong buổi họp báo, bà Satoko Otsu – Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam – Trung tâm ứng cứu, cho biết, ngày 30/1, Tổng Giám đốc WHO đã triệu tập cuộc họp thứ 2 do dịch bệnh Corona ở Geneva (Thụy Sĩ). Cuối buổi họp, WHO ban bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”, viết tắt là PHEIC, được dựa trên 1 số yếu tố, bao gồm nguy cơ lây lan dịch bệnh, khả năng cần thiết có sự phối hợp toàn cầu trong nỗ lực đáp ứng dịch.
“Ý nghĩa của việc ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm mục đích khẳng định chúng ta cần có sự phối hợp toàn cầu, sự hỗ trợ làm việc cùng với nhau, để đáp ứng với dịch bệnh. Việc công bố này khẳng định 1 lần nữa đây là thời điểm các bên làm việc với nhau, hỗ trợ với nhau, chuẩn bị đáp ứng với dịch bệnh.
Chúng tôi rất hiểu sự băn khoăn, thắc mắc, thậm chí những nỗi sợ hãi của công chúng về việc được công bố. Tuy nhiên tôi cũng muốn khẳng định, việc công bố này không có nghĩa rằng chúng tôi nâng cấp độ nguy cơ, đe doạ trên toàn cầu. Chúng ta phải nhìn vào thực tế, phần lớn các ca bệnh được báo cáo tại Trung Quốc và tất nhiên, đã có sự lây lan các ca xâm nhập ra 1 số nước, cụ thể là 22 nước, bao gồm cả Việt Nam.
Nhưng với WHO, chúng tôi quan ngại hơn việc lây lan tới các quốc gia có hệ thống y tế chưa đủ mạnh. WHO khuyến nghị đối với các quốc gia nếu chúng ta có các công tác chuẩn bị ứng phó tốt rồi, cần phải tiếp tục làm những việc như vậy. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Chính Phủ, Bộ Y tế, các bộ ngành Việt Nam trong việc phát hiện các ca bệnh, cách ly và điều trị.
Chúng tôi thấy rất rõ sự cam kết ở mức cao nhất của chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc của tất cả ban ngành song hành cùng Bộ Y tế Việt Nam để chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh. WHO hoàn toàn tin tưởng khả năng kiếm soát, ứng phó với dịch bệnh của Ngành Y tế, Chính Phủ Việt Nam. Chúng tôi cam kết làm việc, song hành cùng Chính Phủ Việt Nam.”
Người dân không nên hoang mang về tuyên bố tình trạng khẩn cấp của WHO
Bà Satoko Otsu cho biết về tuyên bố tình trạng khẩn cấp của WHO, người dân không nên quá hoang mang. Có 3 tiêu chí quyết định một sự kiện y tế cộng cộng có khẩn cấp và gây quan ngại hay không: sự kiện có đặc biệt bất thường hay không, có lây lan quốc tế hay không, có đòi hỏi sự đáp ứng toàn cầu hay không. Các quốc gia thành viên đều được thông báo rõ về các tiêu chí này.
Bà Satoko Otsu phát biểu trước báo chí
Với loại dịch Corona, WHO đã triệu tập 2 cuộc họp khẩn cấp. Trong cuộc họp ngày 22-23/1, Uỷ ban khẩn cấp bao gồm các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đến từ các nước khác nhau, với thông tin, bằng chứng có được tại thời điềm đó, chưa kết luận được sự kiện này đạt tiêu chí công bố sự kiện y tế khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu hay không.
Khi chủng virus mới tiến triển nhanh, theo dõi giám sát diễn biến ổ dịch, bắt đầu có sự lây lan, Uỷ ban khẩn cấp họp lại, tới ngày hôm qua (30/1), công bố đây là thời điểm dịch này đạt tiêu chí sự kiện y tế gây quan ngại.
Do đó, tuyên bố khẩn cấp toàn cầu của WHO là cơ hội để các nước kết hợp cùng nhau trên quy mô toàn cầu để ứng phó với đại dịch.
Theo Helino
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!