Tọa lạc tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Làng đại học Quốc gia đôi khi được nhắc đến như là một “thắng cảnh” của quận Thủ Đức. Nhắc đến quận Thủ Đức, người ta sẽ nghĩ ngay đến Làng đại học và ngược lại. Từ nội thành Sài Gòn, có nhiều cách để đến được Làng đại học.
Nếu đi bằng xe máy, bạn có thể đi qua cầu Bình Triệu, rồi lại theo con đường Kha Vạn Cân, hoặc nếu không ngại đường nằng và nhiều xe lớn, có thể đi theo Xa Lộ Hà Nội sẽ đơn giản hơn nhiều. Thế nhưng với sinh viên, phương tiện đơn giản, an toàn, đặc biệt là “kinh tế” nhất chính là đi bằng xe buýt. Tụi sinh viên năm thứ nhất mới vào Làng ở mà lỡ có đi lạc đường trong thành phố, muốn về thì cứ việc hỏi: “Chú ơi! xe buýt nào về Làng đại học Thủ Đức ạ?” là kiểu gì cũng được chỉ xe cho về.
Thực chất, Làng đại học chỉ là biệt danh của các bạn sinh viên vui miệng gọi, nhưng theo thời gian lại trở thành cái tên thân mật của nơi đây. Làng đại học gồm nhiều trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh như:
Không xa hoa như phố “Tây” Bùi Viện, hiện đại như trung tâm thương mại Thảo Điền… nhưng làng Đại Học Thủ Đức vẫn xứng đáng là nơi để bạn cất công đến thăm và khám phá. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là địa chỉ thân thuộc với các bạn sinh viên trẻ trung, năng động mà nó còn được biết tới vì những con đường mang nét đặc trưng không thể trộn lẫn.
Con đường bóng “râm”
Làng đại học Thủ Đức – Con đường bóng râm
Đường “bóng râm” nằm trong địa phận khu đô thị làng Đại học Quốc gia, nối liền từ ngã tư Quốc phòng về đến ký túc xá khu B. Cái tên bóng râm không phải tên thật của nó nhưng hàng nghìn sinh viên ở đây đều gọi như vậy bởi dù giữa trưa nắng chói chang, mỗi khi đi qua đây người ta vẫn có cảm giác mát lạnh như bật điều hòa.
Hàng thông 2 bên đường cao lớn, tỏa bóng râm mát. Ở trục đường này còn có 3 hồ đá lớn khiến không khí thanh sạch, thoáng mát. Đi đến đây rồi, đảm bảo bạn sẽ chỉ muốn dừng lại lâu thật lâu, đắm chìm trong không gian thiên nhiên xanh đẹp đẽ.
Tuy nhiên, con đường này cũng được các bác bảo vệ rất để ý. Thế nên nếu bạn không giữ gìn vệ sinh thì khó lòng mà được họ cho quay trở lại. Mong rằng các bạn sinh viên ai cũng có ý thức để tuyến đường “bóng râm” sẽ mãi giữ được dáng vẻ đúng như tên gọi của nó!
Ngã ba “sung sướng”
Làng đại học Thủ Đức – Ngã ba sung sướng
Khác với vẻ cổ xưa như cơ sở 1, trường Đại học Bách Khoa cơ sở 2 là nơi lui tới của nhiều cặp tình nhân nhất “vịnh Bắc Bộ”. Khung cảnh ngôn tình của vườn hoa ti gôn cùng những chiếc ghế đá nhìn xa như cầu trượt khiến ai đã từng đặt chân đến đều không muốn tìm đường về. Vào mùa hè, nơi đây còn rực rỡ sắc tím của bằng lăng rồi giữa những ngày nắng gió, bạn sẽ có cơ hội thả hồn vào vườn bông lau gió mát đến ngất ngây.
Cung đường phượt thủ
Làng đại học Thủ Đức – Cung đường phượt thủ
Con đường mới xây này chạy từ Đại học Quốc tế về đến nhà khách Đại học Quốc gia. Gọi là con đường phượt thủ vì nó dài tưởng như là miên man không có điểm dừng. Ngày cuối tuần, khi đã chán ngán cuộc sống ồn ã ở KTX, nếu cao hứng, bạn có thể “xách” xe lên chạy quanh con đường này để thấy rõ từng đợt gió thanh sạch, không lẫn một hạt bụi lùa bên tai và lắng nghe trọn vẹn âm thanh xung quanh mình. Đảm bảo chuyến đi không quá xa ấy cũng để để lại ấn tượng khó phai trong quãng đời sinh viên.
Đường mọt sách
Làng đại học Thủ Đức – Đường mọt sách
Con đường này bắt đầu từ vòng xoay Quốc tế đến hết Trung tâm Quốc phòng. Sở dĩ nó bị các bạn sinh viên “gán” cho cái tên nghiêm túc như vậy là bởi cứ cách tầm 50m bạn sẽ bắt gặp pho tượng đá ghi công các Danh nhân Văn hoá. Sinh viên biếng lười học sử, chỉ cần dạo một vòng ở đây là thuộc như cháo chảy.
Ngoài kho tàng tri thức đồ sộ nằm ngay trên đường phố, nơi đây còn được sinh viên yêu thích bởi quang cảnh mộng mơ. Làn đường có sự xen kẽ giữa màu xám rất đáng yêu. Chẳng hiểu vì sao người ta lại làm thế nhưng theo cách giải thích của nhiều đôi tình nhân thì đây là sự hoà quyện giữa âm với dương, giữa trai và gái và giữa bạn bè với nhau.
Ngoài ra, quang cảnh ở đây nổi bật với những khóm hoa tím được trồng xen lẫn với những bông cúc mặt trời vàng ươm, ghế đá ở đây cũng được thiết kế công phu khi bao quanh nó là cây dừa cảnh siêu lùn siêu xinh.
Dốc tình Nhân Văn
Làng đại học Thủ Đức – Dốc tình nhân văn
Gọi là dốc tình vì đoạn đường này giao cắt giữa 3 trường ĐH An Ninh – Nhân Văn – Công nghệ Thông tin. Khung cảnh của nó cũng khá lãng mạn khi được trang hoàng nhiều hoa giấy nhiều màu sắc: trắng, hồng, cam…
Đẹp đẽ là thế nhưng mùa nắng đi bộ vào dốc tình này, bạn sẽ thấy như đang bị “xông hơi” vì nắng nóng và dù da trắng cỡ mấy, cứ đi lại ở đây nhiều cũng sẽ hóa thành đen thui. Còn mùa mưa, dù có che chắn bằng áo mưa xịn và ô dù to lớn thì khi về đến ký túc xá vẫn ướt nhem như chuột lột. Đấy là chưa kể đến việc trưa đứng bóng xách cặp ra bến chờ xe buýt thì vô cùng cực khổ bởi ở đây rất ít bóng cây.
Phê – ca Tự Nhiên
Làng đại học Thủ Đức – Phê ca Tự nhiên
Nằm ở giữa chợ đêm, kế bên khu ăn uống Nhân Văn, con đường Phê – ca Tự Nhiên được sinh viên ở đây đánh giá cao khi có đầy đủ tiện nghi. Đầu tiên là khu ăn uống, quy tụ nhiều hãng lớn về đây như trà sữa, mỳ cay, bò né thương hiệu con nhà giàu. May thay, bên cạnh đó vẫn có rất nhiều quán ăn bình dân hợp khẩu vị dành cho ai đang trong tình cảnh “ngàn tháng treo đồng tiền”.
Hẹn yêu Y Khoa
Làng đại học Thủ Đức – Hẹn yêu Y khoa
Hồ trái tim ở trường Y là nơi ghi dấu cho biết bao nhiêu cuộc tình sinh viên. Đi lệch lên một chút là khu đường mới mở tối om vắng hoe, đêm nào sao sáng, không cần kính viễn vọng vẫn có thể phân biệt được mấy chòm sao.
Xa lộ Kinh tế – Luật
Làng đại học Thủ Đức – Xa Lộ
Nằm sát bên đường quốc lộ lắm container nhiều bụi, Kinh tế – Luật vẫn giữ riêng cho mình nét ngây thơ nai tơ vốn có. Sinh sau đẻ muộn nhưng mấy lùm bông giấy ở đây deep cũng không thua kém gì dốc tình Nhân Văn. Lâu lâu qua đây, bạn sẽ lại nghe tiếng người gọi vọng lại: “Mía không em ơi, chăn ga gối đệm mua về ngủ phê quên luôn đi học nè em ơi!”. Cảm giác đi giữa làng ĐH mà chẳng khác nào dạo ở khu chợ dân sinh sầm uất.
Làng đại học như một mái nhà lớn, nuôi dưỡng từng lớp sinh viên trẻ, và rồi Làng vẫn ở đấy, chờ đợi, chỉ mong được hội ngộ lại khi người đã “công thành danh toại”. Khi đó, Làng đại học dang tay đón những cô cậu sinh viên ngày ấy, có khi giờ tóc đã điểm muối tiêu. Làng không mong họ trả ơn, Làng vẫn ở đó để họ được một lần nữa tắm mình trong khung trời kỉ niệm ngày xưa.