Làm sao để ngăn ngừa hóc khi ăn BLW? Mẹ nên chọn đúng thực phẩm và cách chế biến phù hợp với từng lứa tuổi của con, cho bé ngồi ăn đúng tư thế, tuyệt đối không để con ngồi ăn một mình…
Hãy đọc bài viết này để biết:
- Bé ăn thô ngay từ đầu như vậy có sợ bé hóc không?
- Làm sao để ngăn ngừa hóc khi ăn BLW – Những nguyên tắc cơ bản mẹ phải thuộc nằm lòng khi áp dụng BLW
- Xử lý khi trẻ bị hóc dị vật
Bé ăn thô ngay từ đầu như vậy có sợ bé hóc không?
Nguyên nhân khiến bé hóc khi ăn thường là do bé thiếu chủ động kiểm soát món ăn. Khi bé tự ăn, bé sẽ quyết định ăn bao nhiêu và ăn như thế nào nên chuyện hóc ít khi xảy ra.
Nếu miếng quá to so với khả năng tiếp nhận của bé, bé sẽ nhè ra. Tuy nhiên, khả năng bé ọe là hoàn toàn có thể. Bạn không cần phải lo lắng về điều đó vì đây chỉ là phản ứng tự nhiên của bé khi chưa quen với thức ăn. Chỉ sau vài ngày hoặc thậm chí nhanh hơn, bé đã học được cách xử lý thức ăn thế nào để không bị ọe nữa.
Thực ra các bé rất giỏi, chỉ tại ba mẹ thiếu tin tưởng vào bé mà không để cho bé tự quyết định thôi.
Nếu bé có dấu hiệu bị nghẹn, ho và đang cố gắng ọe để đẩy thức ăn ra ngoài, điều này chứng tỏ bé đang TỰ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ, bố mẹ nên bình tĩnh quan sát tiếp. TUYỆT ĐỐI KHÔNG MÓC HỌNG HAY CHO BÉ UỐNG NƯỚC vì những hành động này có thể khiến dị vật đi sâu hơn vào đường thở, dẫn đến nguy cơ bị hóc tăng cao.
Làm sao để ngăn ngừa hóc khi ăn BLW – Những nguyên tắc cơ bản mẹ phải thuộc nằm lòng khi áp dụng BLW
1. Những loại thức ăn phù hợp với giai đoạn bé đang học về kĩ năng nhai nuốt
Có thể chia sẻ với bé những thức ăn tốt cho sức khỏe của gia đình, ví dụ như trái cây, rau củ, thịt, phô mai, trứng luộc, bánh mì, cơm, mì sợi và hầu hết các loại cá.
Tuy nhiên tùy giai đoạn mà bé được ăn những loại thức ăn phù hợp (tham khảo: Thức ăn cho bé trong độ tuổi ăn dặm). Hãy chọn những thức ăn dễ cắt hình que hoặc sợi lớn khi bé bắt đầu ăn.
Mẹ cần bắt đầu cho bé ăn với những thực phẩm an toàn và dễ cầm nắm, không chọn các loại đậu, quả có hạt hay dễ gây nghẹn như khoai lang, khoai bứ, các loại rau lá vì dễ dính vào vòm họng bé gây hóc
Nên tránh những thức ăn có muối và đường, thức ăn nhanh và đồ chế biến sẵn, mật ong, sò hến, trứng lòng đào và các loại hạt.
2. Đảm bảo bé được ngồi ăn đúng cách
– Cho bé ngồi thẳng người, quay mặt về phía bàn (ngồi trên ghế ăn hoặc trên đùi ba mẹ). Hãy đảm bảo là bé ngồi vững và có thể dùng bàn tay và cánh tay thoải mái.
– Cung cấp thức ăn cho bé chứ không phải cho bé ăn. Hãy đặt đồ ăn trước mặt bé hoặc cho bé lấy nó từ tay mẹ và để bé tự quyết định.
– Bắt đầu với những thức ăn dễ nhặt và cầm nắm – những mẩu thức ăn hình que hoặc sợi dài là tốt nhất lúc khởi đầu. Hãy cho bé làm quen với những hình dạng và độ thô mịn mới dần dần để bé biết cách xử lý chúng.
– Cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức trước khi ăn dặm kiểu BLW bởi sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé cho tới 1 tuổi. Hơn nữa bé không quá đói thì sẽ không bị “vồ vập” quá khi ăn, bé sẽ bình tĩnh và tự chủ hơn. Bú cách giờ ăn dặm 1 tiếng là tốt nhất vì nếu bé có ọe thì cũng không ảnh hưởng đến khẩu phần sữa trước đó.
– Có thể cho bé uống nước cùng bữa ăn nếu bé thấy cần.
– Đừng hối thúc bé hoặc làm bé rối trí khi xử lý thức ăn. Hãy cho phép bé tập trung và tận dụng thời gian của mình.
– Đừng đút thức ăn vào miệng bé hoặc cố thuyết phục bé ăn nhiều hơn mức mình muốn.
3. Nguyên tắc an toàn để tránh cho bé không bị hóc khi ăn
– Cho bé ngồi thẳng khi ăn
– Không cho bé ăn nguyên hạt
– Cắt nhỏ những loại quả có lõi hạt như ô liu hoặc anh đào ra làm hai và vứt hạt đi
– Đừng để ai khác ngoài bé đút thức ăn vào miệng bé
– ĐỪNG BAO GIỜ để bé một mình với thức ăn
Xử lý khi trẻ bị hóc dị vật
Vì trẻ còn rất nhỏ và chưa có thể nói được trong trường hợp gặp nguy hiểm, cha mẹ cần quan sát các dấu hiệu để nhận biết ra việc con đang bị hóc như:
– Trẻ đột ngột ho sặc sụa rất nhiều.
– Con có biểu hiện tím tái và khó thở.
Ngay khi thấy những biểu hiện nói trên, cha mẹ cần có cách xử lý kịp thời để giúp trẻ tống dị vật bị hóc ra ngoài theo hướng dẫn của bác sĩ Đinh Tấn Phương, phó trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhi đồng 1 như trong video sau đây.
Như vậy để phòng tránh tốt nhất việc trẻ có thể bị hóc khi đang ăn với phương pháp BLW thì mẹ cần nắm vững các quy tắc về phản xạ ọe của trẻ, cách cho bé ngồi ăn, những loại thức ăn phù hợp với từng giai đoạn kĩ năng ăn của con.
Bài viết có sử dụng thông tin chia sẻ của mẹ Athena
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!