Khủng hoảng tuổi lên 1 thực chất là những thời điểm khó ở của trẻ khi bé đang học các kĩ năng mới như bò, đứng, đi, tập nói, …. Về mặt bản chất, biểu hiện của trẻ và cách ba mẹ giúp bé vượt qua những thời điểm khó ở này cũng tương tự như wonder week.
Có hay không khủng hoảng tuổi lên 1?
Khi trẻ bắt đầu bước qua tháng 12, ba mẹ nhận thấy trẻ có nhiều thay đổi về mặt tâm lý và tính cách. Bé trở nên độc lập hơn trong suy nghĩ và hành động. Một số trẻ thường khóc lóc, mè nheo nhiều hơn. Tuy nhiên liệu có hay không khủng hoảng tuổi lên 1?
Mẹ Thanh Hương, đồng tác giả cuốn sách Nuôi con không phải là cuộc chiến đã giải đáp cho các mẹ bỉm sữa như sau:
“Sau khi viết bài về “Khủng hoảng tuổi lên 2” (Terrible 2), mình nhận được khá nhiều câu hỏi đại loại như: “Con mình 12m, 16m, 18m… cũng có các biểu hiện giống như bạn Nhím thế này, liệu có phải bé rơi vào kỳ Khủng hoảng tuổi lên 2 sớm hay ko?
Câu trả lời cho tất cả các trường hợp này của mình đều là KHÔNG. Terrible 2 thường sẽ chỉ bắt đầu sớm nhất là 22m, thường thì ở 23m, và có bạn chậm thì có thể bắt đầu ở 25m, 26m…
Vậy nếu không phải là Terrible 2 thì nó là cái gì? Xin thưa nó là kỳ WONDER WEEK”.
Trẻ 1 tuổi và các mốc “khó ở” con sẽ phải trải qua
Wonder weeks hay các tuần khủng hoảng, dùng để chỉ các tuần phát triển tinh thần và kĩ năng của bé. Đây cũng là giai đoạn trẻ thường có những thay đổi nhảy vọt về kĩ năng thể chất và trí não.
Trong giai đoạn tuần khủng hoảng, trẻ thường trở nên nhõng nhẽo, mèo nheo, hay quấy khóc, quấn mẹ nhiều hơn, … đồng thời lịch ăn uống ngủ nghỉ của bé trở nên lộn tùng phèo. Hết giai đoạn này, khi trẻ học được các kĩ năng mới thì con sẽ trở lại ngoan ngoãn và đáng yêu như bình thường.
Theo các mốc tuần khủng hoảng, bé 1 tuổi sẽ phải trải qua các tuần khủng hoảng ở tuần thứ 49 (hơn 12 tháng tuổi), tuần 56 (14 tháng tuổi), tuần 63 (tầm 15 tháng tuổi), 70 (17 tháng tuổi), 77 (19 tháng tuổi), 84 (22 tháng tuổi).
Bé sẽ học được gì qua thời điểm khủng hoảng tuổi lên 1?
Trải qua các thời điểm tuần khủng hoảng như đã nói ở trên, bé 1 tuổi dần dần có nhiều thay đổi về mặt thể chất, nhận thức và cảm xúc. Trong đó, cụ thể là bé sẽ học được những điều sau:
- Các kĩ năng vận động bò, đứng vịn, đi vịn, tập đi và leo trèo.
- Bé khám phá ra nguyên nhân và hệ quả, đặc biệt là thông qua trò chơi ném đồ.
- Trẻ tập nói những từ đầu tiên. Một số bé đã biết nói 2-3 từ ở tháng thứ 18, 19 hay thậm chí một câu dài với trọn vẹn 5-6 từ.
- Bé bắt đầu xuất hiện một số cảm xúc – mà có thể mọi người cảm thấy không còn đáng yêu như trước, trở nên cáu gắt, bướng bình, đòi hỏi, …
- Trẻ 1 tuổi thực sự biết được chính xác những gì bé muốn, nơi bé muốn đi và điều gì bé muốn làm.
Bí quyết giúp con vượt qua thời điểm khủng hoảng một cách nhẹ nhàng
Trên thực tế, thời kỳ tuần khủng hoảng là khoảng thời gian không hề dễ chịu đối với nhiều người, đặc biệt là những ông bố bà mẹ chưa hề có kinh nghiệm trong việc chăm sóc con nhỏ.
Một vài bí quyết nho nhỏ sau đây có thể giúp ba mẹ xoa dịu các cơn mè nheo của trẻ và giúp con sớm đạt được các kĩ năng cần thiết sau khi trải qua tuần khủng hoảng:
- Cho bé đi ngủ giấc đêm sớm hơn bình thường 30 – 45 phút.
- Cắt đi 1 giấc ngày (áp dụng với tuần 55 hoặc 64). Vì các tuần này là thời điểm trẻ có xu hướng ngủ ít đi và muốn cắt ngủ ngày (giảm số lượng/thời gian các giấc ngủ ban ngày).
- Tuyệt đối không ép trẻ ăn, đừng biến biếng ăn sinh lý thành biếng ăn tâm lý. Mẹ chỉ cần đợi đến lúc con đói, con đòi thì mẹ cho ăn là được.
- Quan tâm con nhiều hơn, cùng chơi các trò chơi để luyện tập các kĩ năng con đang học.
- Khi bé quấy khóc, ba mẹ có thể giúp bé quên đi sự khó chịu bằng cách cho bé thực hiện hoạt động bé thích nhất, mát xa cho bé, cho bé đi ra ngoài chơi, nghịch nước.
- Đưa trẻ đi chơi, cho hoạt động càng nhiều càng tốt.
Một điều quan trọng mà ba mẹ cần ghi nhớ rằng. Dù trẻ có trải qua khủng hoảng 1 tuổi, 2 tuổi, hay ở tuổi nào đi chăng nữa thì ba mẹ chính là người đóng vai trò quyết định trong việc nuôi dưỡng nguồn cảm xúc tích cực của trẻ.
Khi con nổi giận, khóc lóc, ăn vạ, mè nheo, hay có các hành vị xấu, … chỉ đơn giản là cách con thể hện cảm xúc hay con đang không thể kiểm soát được cảm xúc bùng nổ của chính mình.
Kiên nhẫn, đồng cảm và lắng nghe chính là cách tốt nhất để giúp trẻ vượt quakhủng hoảng tuổi lên 1 cũng như biết cách phát triển cảm xúc tốt nhất của mình trong tương lai.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!