Một học sinh lớp 1 ở Quảng Nam bị học sinh lớp 1 bị bạn nhét đất sét vào tai tới mức phải nhập viện.
Học sinh lớp 1 bị bạn nhét đất sét vào lỗ tai khiến cháu không thể nghe được
Ngày 7-10, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) thông tin bệnh viện này vừa lấy thành công dị vật là đất sét trong tai một bệnh nhi 7 tuổi.
Trước đó, sáng cùng ngày, cháu N.G.K. (trú xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, là học sinh lớp 1 một trường tiểu học trên địa bàn) nhập viện với tình trạng trong lỗ tai có một dị vật và làm cho cháu không thể nghe được.
Theo người thân của cháu K., ngày 6-10, khi về nhà sau giờ học, cháu K. kể lại chuyện mình bị một nhóm học sinh cùng trường chơi nghịch, nhét đất sét vào lỗ tai phải của cháu.
Học sinh lớp 1 bị bạn nhét đất sét vào tai
Đến giờ ăn cơm tối, bố mẹ gọi K. ra ăn cơm nhưng cháu không nghe được. Người thân trong nhà kiểm tra tai phải của K. thì thấy có một cục đất sét đang nằm trong lỗ tai của con.
Sáng 7-10, gia đình đã đưa cháu bé đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, bé được các bác sĩ soi ống tai phải và lấy ra ngoài một hạt đất sét dẻo màu xanh bằng hạt lạc.
Bé 5 tuổi bị thủng màng nhĩ vì nhét pin điện tử vào lỗ tai
Trong lúc đang học ở lớp mẫu giáo, bé trai 5 tuổi này đã nhét 2 viên pin điện tử có kích thước dày khoảng 2mm, dài 8mm vào tai phải. Cô giáo bé phát hiện và tìm cách lấy ra được một viên pin nhưng còn một viên pin không lấy ra được.
Sau đó bé được đưa đến bệnh viện địa phương nhưng không lấy ra được, sau đó các bác sĩ đã chuyển viện cho bé lên Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM.
Ngày 5-9, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, trưởng khoa nhi tổng hợp Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, thông tin: Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh, không sốt, ở vùng ống tai có nhiều mô hoại tử khó quan sát.
Khi nội soi, các bác sĩ phát hiện trong tai phải của bé đang chứa một viên pin điện tử, khiến màng nhĩ bị thủng, thậm chí có nhiều mô bị hoại tử.
Các bác sĩ đã lấy dị vật ra cho bệnh nhi và bệnh nhi được xuất viện vào hôm sau.
Được biết khi pin điện tử bị kẹt lại sẽ tạo ra một dòng điện khi tiếp xúc với niêm mạc, hình thành xút vảy (natri hydroxit) gây ra những vết bỏng nặng bên trong tai. Ngay cả khi pin đã lấy ra khỏi cơ thể, nó vẫn có thể tiếp tục gây ra những vết thương nghiêm trọng và gây bỏng cho bệnh nhi.
Hiện bệnh nhi này đã bị giảm thính lực. Sau đó bệnh nhi sẽ phải phẫu thuật để vá lại màng nhĩ bị thủng.
Làm sao để phòng tránh dị vật cho trẻ?
Theo lời khuyên của các bác sĩ, để phòng tránh dị vật cho trẻ, người chăm sóc cần chú ý quan sát khi trẻ chơi đùa, không cho trẻ chơi với những đồ chơi có kích thước nhỏ, tuyệt đối không chọn những đồ chơi có sử dụng pin điện tử…
Nếu trẻ bị kẹt dị vật trong tai sau 24 tiếng sẽ thấy tai đau, không nghe được, chảy nước tai… Nếu nhận thấy trẻ có triệu chứng này thì người lớn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Các bậc phụ huynh, người trông trẻ cần quan tâm thực hiện các biện pháp sau để đảm bảo an toàn cho các bé:
– Không cho trẻ chơi và cầm những đồ vật nguy hiểm có thể cho vào miệng, các đồ vật nhỏ, tròn mà bé có thể đưa vào mũi, tai gây đau, tắc, viêm nhiễm.
– Khi cho trẻ ăn các loại quả có hạt, người lớn cần bóc bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn.
– Dạy trẻ không được vừa ăn vừa đùa nghịch hoặc nói chuyện.
– Không ép trẻ ăn, uống khi bé đang khóc. Thận trọng khi cho trẻ uống thuốc, đặc biệt là các loại thuốc dạng viên (nếu bé còn nhỏ, ba mẹ nên nghiền thuốc và hòa nước để cho trẻ uống).
– Khi xảy ra các trường hợp mắc dị vật vào mũi, tai và miệng các bậc phụ huynh, người trông trẻ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, không để lại tổn thương.
Nguồn tổng hợp
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!