Hết nghén rồi nghén lại có sao không, có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Hết nghén rồi nghén lại là biểu hiện bình thường với phụ nữ mang thai. Tình trạng ốm nghén này đôi khi có thể kéo dài đến hết thai kỳ.

Hết nghén rồi nghén lại là như thế nào?

Nghe có vẻ hơi kỳ lạ nhưng lại là tình trạng không ít đối với mẹ bầu. Trên các diễn đàn dành cho bà mẹ tương lai, có mẹ cho biết:

“Em chả biết mình bị sao nữa. 12 tuần đầu nghén nặng lắm. Đến giữa tuần thứ 13 thì đỡ. Đến tuần thứ 14 thì thấy gần như là hết nghén, chỉ hơi chán ăn và mệt mệt chút thôi (nếu cố ăn thì vẫn nhét được). Bây giờ đang là cuối tuần thứ 15 rồi, tự nhiên được 2 hôm nay ăn cái gì lại nôn ra cái đó, uống nước cũng nôn, liệu có phải em lại bị nghén nữa không ý nhỉ? Ui nếu mà nghén nữa thì em chết mất thôi! Có mẹ nào bị như em không?”

Các chuyên gia sản khoa cho biết, thai nghén của mỗi mẹ bầu sẽ mang một đặc điểm khac nhau. Tuy nhiên cảm giác khó chịu, buồn nôn (một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của việc ốm nghén) có thể kéo dài từ vài tuần cho tới vài tháng (tất nhiên là rất hiếm).

Tuy nhiên, thường thì khi ở cuối tháng thứ 3, đa phần cảm giác này đều chấm dứt ở các bà bầu. Thêm vào đó, cảm giác buồn nôn vẫn có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào trong suốt giai đoạn bầu bí.

Chính vì vậy mà việc mẹ hết nghén rồi nghén lại là chuyện rất bình thường vì cảm giác nôn ọe thường bị tác động khi cơ thể cảm nhận thấy những mùi vị mạnh.

Hết nghén rồi nghén lại có sao không? 

Với các bà mẹ, nghén là tình trạng ít người mong muốn vì nó thường mang lại cảm giác khó chịu, mệt mỏi. Nhưng với thai nhi, nghén lại có ích đến bất ngờ bởi những lý do sau:

  • Một số công trình nghiên cứu gần đây đã cho thấy, khi mẹ bầu ốm nghén, tỉ lệ sảy thai trong thời gian đầu sẽ ít hơn so với các mẹ không hề có hiện tượng này
  • Các nhà khoa học tin rằng, ốm nghén chính là một cơ chế của cơ thể nhằm bảo vệ thai nhi trước rủi ro. Nhờ ốm nghén, người mẹ sẽ không thể ăn các loại thức phẩm nguy hiểm, độc hại cho quá trình đang lớn lên của phôi thai
  • Hiện tượng ốm nghén thường bắt đầu vào tuần thứ 6 và kết thúc vào tuần thứ 12. Đây cũng là khoảng thời gian não bộ của thai nhi đang hình thành. Do đó, có nhiều chuyên gia cho biết, hiện tượng ốm nghén có thể liên quan tới chỉ số IQ của thai nhi

Ốm nghén là một trong những dấu hiệu của việc mang thai. Mẹ bị ốm nghén vẫn tốt hơn là bị mất nghén đột ngột vì điều đó chứng tỏ thai nhi đang phát triển tốt trong bụng mẹ.

Cách giảm ốm nghén giúp mẹ dễ chịu hơn khi mang thai

Ốm nghén không đe dọa sức khỏe bé yêu của mẹ nếu như bạn không bị ói sạch sau ăn, có chế độ dinh dưỡng cân bằng và uống nhiều nước.

Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng ốm nghén, mẹ bầu cần tránh tiếp xúc với những mùi vị mạnh, không để bụng đói cũng như cần chú ý đến tư thế đứng, nằm của bản thân.

Gợi ý mẹ những cách giảm ốm nghén 

  • Uống sữa hoặc uống đồ uống nóng ngay khi thức dậy vào buổi sáng
  • Nếu cảm thấy nôn nao, khó chịu, buồn nôn, mẹ bầu nên nhấp nước ấm hoặc trà gừng (trà gừng nguyên chất 100%, không cho đường) có thể giúp giảm bớt tình trạng này
  • Sau khi nôn ọe nên uống nước ấm, súc miệng sạch sạch và trong ngày nên chịu khó uống nước thường xuyên
  • Ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu và nên chia bữa ăn thành các bữa nhỏ (5-6 bữa/ngày).Một số loại hoa quả có thể giúp cải thiện tình trạng ốm nghén như dứa, chuối, thanh long, …
  • Ăn một lát bánh mì không đường hoặc bánh mì giòn nguyên cám trước khi đi ngủ để tránh tình trạng bụng rỗng, giúp giảm bớt triệu chứng ốm nghén
  • Luôn để đồ uống ấm hoặc bánh quy mặn ở ngay bên mình, sau khi ngủ dậy nên ăn/uống ngay và nằm thếm 15 phút rồi hãy bước ra khỏi giường
  • Sau khi thức giấc đừng vội đứng dậy đột ngột, thay vào đó nằm nghỉ trong chốc lát. Điều này sẽ giúp mẹ tránh được cảm giác nôn nao

Nếu mẹ bị nôn ói quá nhiều, hãy nói với bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.

Xem thêm: 

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Minh Hương