Giấc ngủ của bé 4 tháng tuổi là khoảng 16 tiếng một ngày. Khi bước sang tháng thứ 5-6, số giờ ngủ giảm xuống còn khoảng 15 tiếng. Hiểu về cơ cấu giấc ngủ của trẻ sơ sinh 4-6 tháng tuổi sẽ giúp mẹ chăm con dễ dàng hơn. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Giấc ngủ của trẻ sơ sinh 4-6 tháng
- Cơ cấu giấc ngủ của trẻ sơ sinh 4-6 tháng tuổi
- Rèn thói quen ngủ và tập cho bé có một giấc ngủ chất lượng trong độ tuổi 4-6 tháng
Giấc ngủ của bé 4 tháng tuổi đến 6 tháng và những điều mẹ cần biết
Khi bé bước sang tháng thứ 4-6 cũng là khoảng thời gian nhiều mẹ cảm thấy đỡ “cực” hơn. Bởi giờ đây hầu hết trẻ đã có thể phân biệt được ngày đêm. Bé ngủ ngon giấc hơn. Đặc biệt là con có thể ngủ liền mạch hơn 4 tiếng đồng hồ về đêm. Nhờ vậy mà mẹ cũng được tranh thủ ngủ cùng bé, lấy sức tiếp tục chăm con với tinh thần sảng khoái vào sáng hôm sau.
Thời gian ngủ của trẻ 4 tháng tuổi là khoảng 16 tiếng một ngày. Khi bước sang tháng thứ 5-6, số giờ ngủ giảm xuống còn khoảng 15 tiếng.
Vào ban ngày, bé ngủ được từ 4-5 tiếng với một giấc dài khoảng 2 tiếng và 1-2 giấc ngắn hơn. Hầu hết trẻ sẽ ngủ sâu giấc về đêm. Thậm chí một số trẻ đã có thể ngủ xuyên đêm nếu mẹ không can thiệp bằng cách đánh thức bé dậy vì sợ con đói.
Khi bước vào tháng thứ 4, bé đã hoàn toàn có thể ghi nhớ và nhận biết giọng nói của mẹ cũng như người dành phần lớn thời gian chăm sóc bé.
Chính vì vậy, rèn thói quen, các nếp sinh hoạt cũng như tập cho bé một giờ giấc ngủ cố định vào khoảng thời gian này sẽ dễ dàng và phù hợp với bé hơn.
Thời gian ngủ của trẻ 4 tháng tuổi là khoảng 16 tiếng một ngày. (Nguồn ảnh: iStock)
Khám phá thêm:
Cơ cấu giấc ngủ của trẻ sơ sinh 4-6 tháng tuổi
Một em bé 4-6 tháng tuổi thường có số giờ ngủ trung bình trong một ngày tầm khoảng như sau:
Giấc ngủ của bé 4 tháng tuổi
Trẻ ngủ trung bình 16 tiếng/ngày. Trong đó, giấc ngày của bé tầm 3 giấc, mỗi giấc kéo dài 1-2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên mẹ không nên cho bé ngủ quá 2 tiếng một giấc để tránh ảnh hưởng đến giấc đêm. Ngoài ra, giấc chiều của trẻ nên kết thúc trước 5 giờ chiều.
Bé có thể thức giữa các giấc từ 2-2,5 tiếng. Về đêm trẻ có thể ngủ được 11-12 tiếng.
Giấc ngủ của bé 5 tháng tuổi
Số giờ ngủ trong một ngày của bé khoảng 15-16 tiếng nhưng giấc ngủ ngày đã giảm xuống còn 2 giấc. Thời gian thức giữa các giấc của con đã có thể kéo dài tới 3-3,5 tiếng.
Một giấc ngủ ngày của trẻ ở tháng này cũng không nên quá 2 tiếng và con cần kết thúc giấc ngủ ngày cuối cùng trước 4 giờ chiều để không bị khó ngủ về đêm.
Số giờ ngủ trong một ngày của bé 5 tháng khoảng 15-16 tiếng (Nguồn ảnh: iStock)
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi
Bé chỉ còn ngủ 15 tiếng đồng hồ/ngày, một số trẻ 6 tháng ngủ ít hơn nhưng không nên ít hơn 14 tiếng. Giấc ngủ ngày vẫn duy trì 2 giấc như tháng trước nhưng thời gian thức của bé đã lên tới 4 tiếng đồng hồ.
Vào ban ngày, mẹ nên lưu ý không cho bé ngủ quá 2 tiếng/giấc và kết thúc giờ ngủ ngày trước 4h chiều. Về đêm bé có thể ngủ liền mạch hoặc thức giấc 1-2 lần. Trẻ 6 tháng tuổi cần ngủ đêm ít nhất từ 11-12 tiếng.
Rèn thói quen ngủ và tập cho bé có một giấc ngủ chất lượng trong độ tuổi 4-6 tháng
Mặc dù hầu hết các chuyên gia trẻ em đều cho rằng bé 4-6 tháng tuổi hoàn toàn có thể ngủ xuyên đêm mà không cần ăn thêm bất kỳ bữa sữa nào. Tuy vậy, không phải trẻ nào cũng có thể ngủ ngoan y hệt như những gì trong các bài báo nghiên cứu viết.
Rất nhiều mẹ có thể gặp khó khăn với trẻ khi con thức giấc liên tục, quấy khóc về đêm và không thể ngủ liền mạch trong nhiều tiếng đồng hồ.
Nếu mẹ đang phải đối mặt với điều này, hãy thử xem xét:
– Bé có bị nghiện ti mẹ?
– Con vẫn chưa tự mình nối được giấc?
– Bé cần vỗ về, ôm ấp trong giấc ngủ?
Thiết lập lại các thói quen và khuyến khích bé có một giấc ngủ chất lượng sẽ giúp mẹ tránh khỏi những mệt mỏi và vòng luẩn quẩn ngủ không ngoan kéo theo ăn thất thường, lượng ăn giảm.
Tránh ôm ấp và bế bé nhiều trước giờ ngủ của con (Nguồn ảnh: iStock)
Bác sĩ Nguyễn Thị Ly – Chuyên khoa Nội Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC lưu ý những điều này khi cho bé bú đêm:
- Đặt con trong tư thế nằm nghiêng để tránh sặc sữa. Mẹ có thể nằm nghiêng nếu quá mỏi, đặt phần đầu và cổ của bé lên gối cao. Nêu mẹ bồng bé bú sữa thì cần đặt bé nằm nghiêng để phần cằm của bé chạm vào bầu ngực của mẹ.
- Không nên mở đèn trong phòng khi đi ngủ, kể cả lúc bé bú đêm. Nếu cần mẹ hãy dùng đèn ngủ.
- Chuẩn bị sẵn bình nước, tã hoặc đồ ăn nhẹ để tránh tạo tiếng động khiến bé tỉnh giấc lúc nửa đêm.
Khám phá thêm:
Vì sao bé sơ sinh hay khóc về đêm? (Cùng Mẹ Nhật luyện con ngủ)
Ngoài ra, một số mẹo hữu ích có thể giúp mẹ giải quyết vấn đề giấc ngủ của con như sau:
1. Tắm cho bé bằng nước ấm trước khi đi ngủ, giúp con thư giãn, dễ chịu. Mặc một bộ đồ ngủ cố định, vỗ về bé, hát cho bé nghe một giai điệu quen thuộc nhằm giúp bé xây dựng tín hiệu “Đã đến giờ đi ngủ rồi con nhé”.
2. Ngủ đúng giấc là một trong yếu tố quan trọng nhưng thức dậy đúng giờ cũng có vai trò quan trọng không kém. Từ từ đánh thức bé vào mỗi sáng bằng một giai điệu quen thuộc. Khi bé thức giấc vui vẻ, đúng giờ thì các giấc ngủ tiếp theo của con cũng sẽ ít quấy khóc hơn.
3. Khuyến khích bé tự mình đi vào giấc ngủ. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quan sát và nhận biết dấu hiệu cơ thể bé của mẹ. Ngay khi cơ thể bé đưa ra tín hiệu buồn ngủ, mẹ cần nhanh chóng giúp bé trấn tĩnh và để bé ngủ trên giường của mình.
4. Tắt đèn khi sắp đến giờ con đi ngủ: Trong môi trường tối, bé dễ đi vào giấc ngủ sâu và kéo dài hơn. Môi trường ngủ quá sáng sẽ hạn chế sản sinh hormone melatonin làm cho trẻ khó ngủ và bị rối loạn nhịp sinh học.
5. Để vỏ cam, chanh, quýt trong phòng: Các vỏ của những trái cây này chứa nhiều tinh dầu. Tác dụng của chúng là điều hòa lưu thông máu, giúp bé cảm thấy thư thái tinh thần và dễ đi vào giấc ngủ.
6. Khi bé ngủ sâu giấc rồi thì mẹ cũng nên nghỉ ngơi cùng con vì nhiều mẹ đêm còn lọ mọ dậy hút sữa, cho bé bú. Mẹ được ngủ đủ giấc cũng sẽ có sức chăm con mà không bị xì trét.
Nguồn thông tin: Giải đáp thắc mắc: Có nên cho trẻ bú đêm? – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!