Gây mê hay gây tê tuỷ sống phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó có thể là sự lựa chọn từ mẹ hoặc được chỉ định thông qua chuẩn đoán từ bác sĩ tại thời điểm trước khi ca mổ sinh con diễn ra.
Gây mê hay gây tê tuỷ sống? Mẹ có được tự mình lựa chọn cho ngày sinh mổ?
Với các mẹ sắp đến ngày sinh, đặc biệt là mẹ bầu sẽ sinh mổ chắc chắn đều đang rất hồi hộp. Những thông tin hữu ích về các bước sinh mổ là điều mẹ cần biết để đảm bảo sự an tâm cũng như chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Một trong những băn khoăn phổ biến của rất nhiều mẹ về việc sinh mổ là giữa gây mê và gây tê tuỷ sống, phương pháp nào an toàn và thuận lợi hơn cho quá trình mổ đưa con ra?
Mẹ có biết phương pháp này được thực hiện như thế nào?
Đây là một trong các cách phổ biến nhất cho quá trình sinh mổ hiện nay. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào vùng tủy sống nhằm tác động tới dây thần kinh của vùng bụng. Nhờ đó mà xóa bỏ hoàn toàn các cơn đau trong quá trình mẹ được mổ lấy con ra.
Thông thường y tá sẽ yêu cầu mẹ nằm co người lại như một con tôm tầm 10 phút nhằm giúp cho khoảng trống của tủy sống được mở ra rộng nhất. Sau đó bác sĩ gây tê sẽ tiêm thuốc vào vùng này. Với gây tê tủy sống mẹ sẽ vẫn hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình sinh con.
Ưu điểm của phương pháp gây tê tuỷ sống
- Với các mẹ được gây tê khi sinh mổ, mẹ vẫn giữ được tỉnh táo khi bác sĩ tiến hành các bước mổ lấy con ra mà không hề cảm thấy đau đớn một chút nào. Nhờ đó mẹ sẽ được chứng kiến giây phút con chui ra khỏi bụng mẹ, lắng nghe tiếng con khóc và quan sát bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bé. Có thể nói đây là phương pháp giúp mẹ song hành cùng con từng giây phút.
- Thuốc gây tê tủy sống có khả năng tác động tới dây thần kinh, nhờ đó mà sau 1 ngày sinh mổ mẹ vẫn không cảm thấy đau vết thương sau sinh như gây mê.
Nhược điểm của phương pháp gây tê tuỷ sống sinh mổ
- Sau khi sinh mổ, nhiều mẹ thường cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
- Mẹ không thể cử động chân từ 2-4 tiếng sau khi ca mổ đã hoàn thành.
- Tác dụng phụ của gây tê sẽ xuất hiện trong vòng 12 tiếng sau khi sinh là hiện tượng không thể đi tiểu. Nhưng mẹ sẽ được trợ giúp bằng việc thông ống tiểu.
- Mẹ có thể cảm thấy đau lưng, nhức mỏi trong những tháng đầu sau sinh.
Theo công văn của bộ Y tế vào tháng 7 năm 2017, gây tê tủy sống sẽ được chống chỉ định với những thai phụ có nguy cơ rủi ro cao khi sinh như bong nhau thai, có triệu chứng tiền sản giật, … Còn lại với các mẹ sức khỏe bình thường thì hầu hết đều được chỉ định dùng phương pháp này.
Gây mê nội khí quản khi sinh mổ
Ngoài gây tê tủy sống, đây cũng là một cách mà bác sĩ có thể lựa chọn cho thai phụ (hoặc được tự chọn) khi quyết định sinh mổ. Thông thường phương pháp này sẽ được áp dụng nếu:
- Mẹ tự lựa chọn.
- Ca sinh mổ có thể kéo dài do sau khi sinh mổ con mẹ cần được mổ thêm vì các lý do bệnh lý khác.
- Trường hợp sinh mổ khẩn cấp như mẹ bị băng huyết, vỡ tử cung, …
- Không thể tiêm gây tê tủy sống được cho sản phụ. Đây không phải là trường hợp hiếm hoi. Vì một lý do nào đó mà cơ thể mẹ không tiếp nhận thuốc gây tê tủy sống. Khi đó bác sĩ sẽ chuyển sang gây mê.
Ưu điểm của sinh mổ dùng phương pháp gây mê
- Với các mẹ dễ lo lắng và sợ hãi khi thấy dao kéo, máu me thì đây là cách tốt để mẹ thiếp đi cho đến khi ca mổ được hoàn thành.
- Bác sĩ có thể kiểm soát tình trạng hô hấp và tuần hoàn của mẹ được phù hợp.
Phương pháp gây mê cũng mang lại nhiều nhược điểm
- Mẹ không được thấy mặt con ngay khi con chào đời.
- Vết mổ sau sinh sẽ đau hơn so với gây tê tủy sống.
- Một vài mẹ có thể gặp hiện tượng như ngứa cổ, đau họng, ho, khản giọng do ống thở được đưa vào khi gây mê.
- Sau khi hồi sức sẽ xuất hiện một vài hiện tượng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
- Trong một vài trừng hợp, thuốc mê có thể ảnh hưởng tới thai nhi khiến cho việc kiểm tra sức khỏe tổng quát của bé sơ sinh chậm hơn so với thông thường.
Như vậy việc có thể gây mê hay gây tê tủy sống sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Điều quan trọng là các chuẩn đoán chính xác của bác sĩ trước khi ca sinh mổ bắt đầu sẽ giúp các mẹ yên tâm hơn về bước gây tê/gây mê nói trên.
Theo The Asianparent Thái Lan
Xem thêm
- KHI NÀO THÌ CẦN SINH MỔ: Mẹ bầu thai kỳ cuối có biết?
- Cận cảnh 10 bức ảnh vết thương sau sinh mổ và những điều mẹ chưa biết về thủ thuật khâu vết mổ