Thời điểm gần đến ngày dự sinh chính là lúc mẹ đếm ngược từng ngày để gặp con yêu. Tuy nhiên, có nhiều mẹ gần đến ngày dự sinh mà chưa chuyển dạ nên nảy sinh tâm lý bất an, lo lắng. Vậy gần đến ngày dự sinh mà chưa chuyển dạ có nguy hiểm không và lúc này mẹ bầu cần phải làm gì?
Vì sao gần đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ?
Theo nghiên cứu khoa học, thai quá ngày dự sinh được định nghĩa là khi tuổi thai từ 42 tuần trở lên, tức là thai nhi được 294 ngày tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng hoặc quá ngày dự sinh 2 tuần. Chị em cần ghi nhớ chính xác ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng để có thể dự đoán đúng ngày dự sinh. Trong trường hợp không nhớ chính xác ngày tháng, bác sĩ sẽ dựa vào chiều dài đầu mông của thai nhi trong 3 tháng đầu và đường kính lưỡng đỉnh hoặc chu vi vòng đầu và chiều dài xương đùi ở 3 tháng giữa.
Hiện nay vẫn chưa có nguyên nhân chính thức về việc thai quá ngày dự sinh. Nhưng dựa theo 1 số nghiên cứu khoa học thì các yếu tố sau sẽ làm tăng nguy cơ đến ngày dự sinh nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ:
- Mẹ sinh con so
- Thai phụ mắc bệnh béo phì
- Mẹ đang mang thai 1 bé trai
- Từng có thai kỳ quá ngày dự sinh trước đó
Quá ngày dự sinh bao lâu thì nguy hiểm?
Khi quá ngày dự sinh khoảng 7 ngày, tốt nhất mẹ bầu nên ở lại bệnh viện để được bác sĩ theo dõi kỹ càng. Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe của mẹ hay thai nhi, bác sĩ có thể sẽ chỉ định mổ lấy thai để giữ an toàn cho cả mẹ lẫn bé. Mẹ cần hết sức bình tĩnh, nghe theo hướng dẫn và lời khuyên của bác sĩ để chuyện sinh nở diễn ra suôn sẻ.
Những nguy cơ mẹ và bé phải đối mặt khi quá ngày dự sinh mà chưa chuyển dạ
Đủ 9 tháng 10 ngày là thời điểm thích hợp để trẻ chào đời. Sau thời điểm này, nhau thai bắt đầu già đi, đe dọa sức khỏe cũng như sự an toàn tính mạng của trẻ.
- Nếu bánh nhau thai hoạt động vẫn ổn định, thai nhi vẫn phát triển bình thường thì việc khó sinh có thể xảy ra bởi thai quá to, phải mổ lấy thai. Lượng nước ối giảm dần, dây rốn bị chèn ép khi có cơn gò tử cung sẽ tác động không ít đến thai nhi, trường hợp nặng có thể gây suy thai
- Nếu bánh nhau thai bị thoái hóa, em bé trong bụng không được nuôi dưỡng tốt, có thể bị ngạt, thậm chí tử vong ngay trong bụng mẹ. Sau khi sinh, bé cũng dễ bị còi xương suy dinh dưỡng, tổn thương hệ thần kinh, thiểu năng hệ thần kinh vận động…
- Quá ngày dự sinh, em bé có thể thải ra phân su. Phân su tràn vào phổi sẽ khiến bé bị ngạt thở, nhiễm trùng
- Đối với mẹ, có thể bị nhiễm trùng, xuất huyết sau sinh nếu thai quá ngày dự sinh mà chưa chuyển dạ
Mẹ cần làm gì khi gần đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ?
Khi đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu gì thì việc đầu tiên mẹ làm là theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và nên đi khám thai khoảng 1 – 2 lần/ngày. Hơn thế, nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra máu, em bé cử động quá ít thì nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Trong các lần khám, chị em sẽ được theo dõi tim thai, đánh giá lượng nước ối nhiều hay ít, độ xơ hóa của bánh rau… Từ đó, bác sĩ sẽ phát hiện bất thường để có hướng xử lý kịp thời. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu gì thì mẹ cũng không nên quá lo lắng mà yêu cầu đẻ mổ. Điều cần thiết lúc này là mẹ hãy bình tĩnh và nghe theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu cổ tử cung thuận lợi thì bác sĩ sẽ dựa vào tuổi thai để đánh giá nguy cơ, lợi ích và nguyện vọng của bà bầu để tiếp tục theo dõi chờ chuyển dạ tự nhiên hay kích thích khởi phát chuyển dạ để mẹ sinh thường qua ngả âm đạo.
Hiện nay càng nhiều mẹ bầu sợ quá ngày dự sinh sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi nên việc lựa chọn sinh mổ đang dần phổ biến hơn. Thực tế, việc đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ không hẳn là thai đã già tháng, chị em cần tìm hiểu kỹ, nghe tư vấn của bác sĩ để đưa ra quyết định chính xác.
Tạm kết
Hiện tượng đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ không phải ít gặp. Chị em cần xác định rõ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng để tính ngày dự sinh chính xác nhất; đồng thời duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, lối sống lành mạnh, khoa học để giữ ổn định cân nặng của thai nhi và mẹ bầu trong suốt thai kỳ. Nếu chưa thấy dấu hiệu gì khi đến ngày dự sinh, chị em nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi chính xác nhất. Chúc chị em có 1 thai kỳ khỏe mạnh, “mẹ tròn con vuông”.
Xem thêm
- Thai 40 tuần vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ mẹ phải làm sao?
- Dấu hiệu sắp sinh – Các dấu hiệu chuyển dạ sớm mẹ cần lưu ý
- Làm gì khi quá ngày dự sinh để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!