Dinh dưỡng cho mẹ bầu ba tháng đầu cần bổ sung các nhóm chất vitamin, canxi, sắt, protein và tránh các loại thực phẩm gây hại để thai nhi có thể định hình toàn diện tất cả những bộ phận cơ thể trong giai đoạn này. Vậy nhóm thực phẩm nào giúp bổ sung những nhóm chất bổ dưỡng trên và loại thực phẩm nào nên tránh? Đọc bài viết sau đây để biết:
- Dinh dưỡng ba tháng đầu như thế nào là hợp lý?
- Các nhóm thực phẩm cần tránh đầu thai kì
- Mẹ có nên kiêng ăn 1 số món trong 3 tháng đầu không? Nếu kiêng thì vì sao?
- Dinh dưỡng cần thiết cho thai phụ trong ba tháng đầu thai kì
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Dinh dưỡng cho mẹ bầu ba tháng đầu như thế nào là hợp lý?
Theo lộ trình tăng cân hợp lý, trong ba tháng đầu thai kì, thai phụ cần tăng trung bình 1 – 2 kg để thai nhi được đảm bảo về mặt dinh dưỡng. Với những bà bầu có thể trạng mệt mỏi, hay ốm nghén thì nên chia việc ăn thành nhiều bữa trong ngày. Việc ăn các món ăn theo sở thích hoàn toàn có thể thực hiện bất cứ khi nào muốn ăn nhưng thai phụ cần lưu ý ưu tiên các thực phẩm thuộc nhóm chất bột vì đây là nguồn cung cấp năng lượng chính. Ngoài ra, việc cân băng các dưỡng chất khác cũng vô cùng quan trọng. Để được phát triển một cách toàn diện, thai nhi cần được cung cấp thêm các vi chất như axit folic, canxi, sắt, vitamin D…
Dược sĩ Huỳnh Kim Hằng (thuộc khoa Dược – Bệnh viện phụ sản Từ Dũ) cho rằng vào đầu thai kì, các mẹ bầu nên chọn các loại thực phẩm thanh đạm nhưng cũng có thể kết hợp với một số loại thức ăn hơi chua cay để kích thích tiết gastric acid nhằm tăng cảm giác thèm ăn. Với thai phụ bị nghén nặng thì các nhóm thực phẩm có tính kiềm như rau quả, khoai tây, cải bó xôi, chuối… (chứa nhiều vitamin B) và dưa lưới, dây tây, súp lơ trắng, ớt xanh… (chưa nhiều vitamin C) sẽ là lựa chọn hoàn hảo để giảm cảm giác nghén. Bên cạnh đó, các loại rau quả có màu sậm, nhiều khoáng chất cũng cần được ưu tiên.
Có thể bạn chưa biết:
Các nhóm thực phẩm cần tránh trong ba tháng đầu thai kì
Thèm ăn trong thai kì là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên các mẹ bầu cần tránh ăn những loại thực phẩm sau:
1. Thực phẩm sống hoặc tái:
Đây là nhóm thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hoặc chứa nhiều giun sán do chưa qua tác động nhiệt đủ để chính. Việc nhiễm khuẩn này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sự phát triển của bé mà còn cho cả sức khoẻ của mẹ. Vì vậy dinh dưỡng cho mẹ bầu ba tháng đầu cần loại bỏ những loại thực phẩm này.
2. Thức ăn đóng gói:
Được hiểu là loại thực phẩm không tươi sống, chứa nhiều phụ gia và chất bảo quản như bánh, kẹo, sữa đặc có đường, mì gói, thậm chí là các bữa ăn công nghiệp. Sở dĩ loại thức ăn này không tốt cho sức khoẻ mẹ bầu là vì chúng chứa hàm lượng đường và natri cao kèm nhiều calo rỗng. Một số thực phẩm đóng gói cùng chứa vi khuẩn gây ngộ độc.
3. Caffeine và rượu bia:
Các chất kích thích được cho là “chất độc” của mẹ bầu vì những tác hại nghiêm trọng của nó. Đối với thai phụ, có thể gây ra triệu chứng khó ngủ, hồi hộp, căng thẳng, là những trạng thái hoàn toàn không tốt cho quá trình mang thai. Đối vơi thai nhi chất kích thích có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ thậm chí dẫn đến sảy thai.
4. Hải sản có hàm lượng thuỷ ngân cao:
Thai phụ nên đặc biệt tránh các loại hải sản chứa hàm lượng thuỷ ngân cao như cá ngừ, cá kình, cá mập… vì thuỷ ngân có thể gây nhiều biến chứng cho thai nhi, nhất là ảnh hưởng đến trạng thái phát triển của não bộ.
5. Thức ăn nhiều đường:
Vẫn biết đường là gia vị thiết yếu trong các bữa ăn nhưng việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn ngọt hoàn toàn không có lợi cho các bà mẹ mang thai. Vì đường có thể gây tăng cân nhanh chóng và khiến nhiều thai phụ mang nguy cơ bị tiểu đường thai kì.
Xem thêm:
Các loại hạt tốt cho bà bầu 3 tháng đầu giúp giảm nghén và cung cấp dinh dưỡng
Mẹ có nên kiêng ăn 1 số món trong 3 tháng đầu không? Nếu kiêng thì vì sao?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng là điều rất cần thiết cho mẹ bầu để đem lại thai kỳ khỏe mạnh. Ba tháng đầu là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của thai nhi, vì vậy mẹ bầu cần thận trọng trong việc chọn lựa các loại thực phẩm để giảm thiểu rủi ro gây nguy hiểm tới thai nhi:
- Các loại trái cây, rau củ quả đem lại rất nhiều vitamin, khoáng chất nhưng mẹ bầu cần kiêng dứa, đu đủ xanh, chùm ngây và các loại rau củ muối chua.
- Mẹ bầu cũng cần tránh tuyệt đối ăn các loại thịt sống hay tái trong quá trình mang thai, các loại thịt nguội hay xúc xích đóng gói, thực phẩm đông lạnh do có thể chứa các loại vi khuẩn gây nguy hại tới sức khỏe và quá trình phát triển của thai nhi.
- Khi chọn hải sản, mẹ bầu không ăn các loại hải sản có hàm lượng thủy ngân cao như cá ngừ, cá mập, cá thu, cá kình, cá kiếm, cũng không nên ăn hải sản chưa được nấu chín do có nhiều vi khuẩn không tốt.
- Mẹ bầu cũng nên tránh sử dụng các loại đồ uống có chứa caffeine, rượu bia và các đồ uống có cồn vì chúng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thần kinh của thai nhi cũng như sự phát triển sau này của trẻ.
Ba tháng đầu là thời điểm nhạy cảm của thai kỳ, nên mẹ bầu cần lưu ý trong việc xây dựng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Dinh dưỡng cần thiết cho thai phụ trong ba tháng đầu thai kì
Nhu cầu năng lượng của thai phụ trong ba tháng đầu thai kì là rất lớn, trung bình, bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu cần cung cấp khoảng 2300 – 2400 kcal/ngày. Vì vậy thực đơn dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng đầu cần bổ sung các nhóm chất sau:
1. Nhóm chất canxi và vitamin:
Vitamin A, C và D và Canxi chắc chắn là nhóm chất không thể thiếu trong bản đồ dinh dưỡng của mẹ bầu trong 90 ngày mang thai đầu tiên. Thai phụ cần cung cấp đủ 600mcg vitamin A/ngày thông qua các loại thực phẩm phổ thông như thịt, trứng, sữa, gan động vật, rau màu xanh thẫm, củ quả màu vàng, đỏ… Trong khi đó, vitamin C sẽ phòng ngừa các hiện tượng cảm lạnh và giúp hệ xương của em bé chắc khoẻ hơn. Việc ăn các loại rau củ quả cũng có tác dụng tăng cường vitamin C cho mẹ và bé. Canxi và vitamin D cũng có vai trò tương tự trong việc hình thành hệ xương của thai nhi nên việc bổ sung 2 nhóm chất này qua hải sản, rau xanh, đậu đỗ, sữa cũng là điều đáng lưu tâm.
2. Protein:
Ngoài vai trò đảm bảo sự phát triển nhanh của mô bào thai, protein còn giúp tăng trường mô vú và tử cung trong thai kì, tăng cường sinh máu để đảm bảo việc cung cấp dưỡng chất cho mẹ và bé. Protein có nhiều trong các loại thực phẩm cá, trứng, thịt gà, sữa, thịt bò nạc và heo… Giai đoạn ba tháng đầu thai kì, mẹ bầu cần khoảng 85 – 90g protein/ngày, cao hơn bình thường 10-15g/ngày.
3. Sắt:
Nhóm chất này đảm bảo cho lượng máu điều hoà của mẹ bầu, vì vậy cần cung cấp cho cơ thể 36 – 40mg mỗi ngày để chống thiếu máu. Các loại thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao có thể kể đến như thịt đỏ, tim cật, các loại hạt, rau xanh…Ngoài ra mẹ bầu có thể uống thêm các viên cấp sắt nhưng phải theo sự chỉ định của bác sĩ.
4. Axit folic và các nguyên tố vi lượng:
Việc bổ sung dinh dưỡng cho mẹ bầu b3 tháng đầu cũng cần lưu ý đến axit folic, là loại chất giúp mẹ bầu giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh hay nứt đốt sống trong bào thai. Có thể bổ sung axit folic qua các loại thực phẩm như cải xanh, rau muống, thịt gia cầm, ngũ cốc,… Các nguyên tố vi lượng như Magie, selen, i-ốt, kẽm, vitamin nhóm B, DHA/EPA,… cũng cần được bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng đầu.
Bên cạnh các hoạt động lành mạnh như tập thể dục hay có một lịch sinh hoạt điều độ thì dinh dưỡng cho mẹ bầu ba tháng đầu chính là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất tới việc nuôi dưỡng thai nhi. Vì vậy các mẹ bầu cần lưu ý thật kĩ những điều trên để có sự phân bổ chế độ ăn uống hợp lý nhất.
Nguồn thông tin: Thai phụ – Bệnh viện Từ Dũ
Xem thêm
- Mẹ bầu thiếu máu đừng bỏ qua 7 thực phẩm này để cung cấp chất sắt đầy đủ trong thai kỳ!
- Mẹ bầu bị tiểu đường nên ăn hoa quả gì để an toàn cho mẹ và thai nhi?
- Mẹ bầu ăn củ đậu trong thai kỳ mang lại lợi ích nào cho thai nhi?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!