Mới đây Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm, xếp vào nghề nặng nhọc vì đây là công việc “không những phải dạy mà còn phải dỗ trẻ”.
Đề xuất giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm
Giáo viên mầm non là nghề vất vả
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề xuất xếp hạng nghề nặng nhọc và giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm khi góp ý cho dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu. Nếu bổ sung, nhóm giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm so với quy định, 57 tuổi với nam và 55 với nữ.
Trong khi đó theo quy định của Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035. Cả nước có khoảng 3 triệu lao động đang làm việc trong 1.800 ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cơ sở đề xuất giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc
Theo ông Hiểu, giáo viên mầm non phải đến sớm đón trẻ và kết thúc công việc muộn, số giờ làm việc thường vượt quá quy định.
Phó chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Ân cũng ủng hộ đề xuất trên. Ông Ân cho biết, sau khi nói chuyện trực tiếp với 103 giáo viên và cán bộ quản lý bậc học mầm non, các cô chia sẻ việc giảng dạy và chăm sóc trẻ ở độ tuổi quá nhỏ là công việc tốn nhiều thời gian và công sức.
Khi các cô đã có tuổi, sức khỏe giảm sút thì sẽ có nguy cơ làm trẻ ngã, mất an toàn khi bế/đỡ/thực hành các bài tập trên lớp cùng trẻ. Bên cạnh đó, cường độ làm việc cao, căng thẳng kéo dài do liên tục phải giữ trẻ an toàn làm sức khỏe giáo viên mầm non giảm sút nhanh theo thời gian.
Tuổi càng cao thì việc thực hiện các thao tác chuyên môn như múa hát, hướng dẫn thể lực, chạy nhảy, thị phạm càng khó và bị hạn chế. Chương trình giáo dục mầm non ngày càng cải cách, phải đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi.
Theo thống kê năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bậc mầm non có hơn 421.000 người lao động, trong đó 322.000 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Năm 2018, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp trên 379 giáo viên mầm non, kết quả gần 34% bị khó thở đau tức ngực; 30% ho khan tiếng; gần 69% stress nghề nghiệp và 49% giảm thị lực…
Đại diện công đoàn nhiều ngành đề xuất giữ nguyên hoặc hạ tuổi nghỉ hưu của nhóm lao động nặng nhọc, độc hại
Ông Phạm Hồng Hạnh, Phó chủ tịch công đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho biết cuối năm 2019, gần 1.000 thợ lò chấm dứt hợp đồng lao động ở tuổi 45, chỉ có 40 người nghỉ hưu ở tuổi 50.
Ông Hạnh cho hay, nghề thợ lò là nghề đòi hỏi nhiều sức khỏe. Nhiều người làm nghề này cho biết không thể làm việc khi qua 50 tuổi. Do đó ông đề nghị để tuổi nghỉ hưu của công nhân hầm lò là 50.
Bà Dương Thị Mơ, Phó chủ tịch công đoàn Đường sắt Việt Nam, mong muốn một số chức danh nghề nghiệp trong ngành đường sắt có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với luật quy định, cụ thể là nam 55 tuổi và nữ 53 tuổi.
1 số công việc đặc thù như trực gác chắn đường ngang, tuần đường thường xuyên lưu động thường xuyên phải chịu tiếng ồn cỡ lớn, làm việc ngoài trời, lương thấp, tuyển dụng khó.
Theo vnexpress
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!